Kỳ án 194 phố Huế:

Kỳ án 194 phố Huế:TAND Tối cao chốt lịch tuyên án Trịnh Ngọc Chung

(Dân trí) - HĐXX nhận định đây là vụ việc có tính chất phức tạp, cần xem xét thận trọng. Vì vậy, HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án, chốt thời gian tuyên án với bị cáo Trịnh Ngọc Chung vào14h ngày mai 17/9 tại trụ sở Toà phúc thẩm TAND Tối cao.

Kỳ án 194 phố Huế:TAND Tối cao quyết định nghị án kéo dài vì vụ án phức tạp

 

16h45: HĐXX nhận định đây là vụ việc có tính chất phức tạp, cần xem xét thận trọng. Vì vậy, HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án, chốt thời gian tuyên án vào14h ngày mai 17/9.

16h10: HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận tiến hành nghị án.

15h40: Đại diện VKSND Tối cao thêm một lần nữa khẳng định tất cả những căn cứ và quan điểm truy tố bị cáo Trịnh Ngọc Chung là đúng đắn và có căn cứ.

15h25: Các luật sư bảo vệ cho bị cáo Trịnh Ngọc Chung bày tỏ quan điểm cần tuyên bị cáo Trịnh Ngọc Chung vô tội.

HĐXX tiếp tục cho bị cáo Trịnh Ngọc Chung bày tỏ quan điểm.

14h35: HĐXX thấy phần xét hỏi đã được thực hiện đầy đủ, chuyển sang phần tranh luận.

Quan điểm VKSND Tối cao: TAND TP Hà Nội áp dụng các khoản xử phạt Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù cho hưởng án treo, tách phần bồi thường ra một vụ án dân sự khác nếu gia đình 194 phố Huế yêu cầu.

Sau đó, bị cáo Trịnh Ngọc Chung kháng cáo kêu oan; Các thành viên gia đình 194 phố Huế cũng tiến hành kháng cáo.


Đại diện VKSND Tối cao “bóc mẽ” Trịnh Ngọc Chung tại Toà.

Đại diện VKSND Tối cao “bóc mẽ” Trịnh Ngọc Chung tại Toà.

Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Chung, VKSND Tối cao tiếp tục khẳng định truy tố của VKS về việc bị cáo chỉ đạo ký giả, ghi thêm nội dung là có cơ sở, căn cứ vào cả lời khai tại phiên toà hôm nay của bà Đoàn Thị Thu Trang, Trịnh Thị Thuý Hạnh. Các tài liệu đều đã được giám định, có căn cứ chấp nhận lời khai của những người được Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo ký giả, thêm nội dung để hoàn thiện hồ sơ.

Việc kê biên tài sản nhà đất 194 phố Huế đã vi phạm thời hạn. Bị cáo khai đương sự tự nguyện kê biên trong khi anh Hoàng Ngọc Minh đang ở nước ngoài.

Đại diện VKSND Tối cao đưa ra quan điểm Trịnh Ngọc Chung bị truy tố tội “Ra quyết định trái pháp luật” là đúng, không oan vì vậy đại diện VKSND Tối cao không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Chung và kháng cáo của cả gia đình 194 phố Huế, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

14h10: Đại diện VKSND Tối cao chất vấn bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

Bị cáo Trịnh Ngọc Chung ký Quyết định cưỡng chế 07 và luôn cho rằng đã vận dụng Nghị định 125 để thực hiện là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại diện VKSND Tối cao hỏi bị cáo Chung rằng khi bị cáo Chung ký Quyết định số 07 đã có Nghị định số 125 hay chưa.

Bị cáo Chung buộc phải thừa nhận Nghị định 125 được ban hành vào năm 2013. Thời điểm bị cáo ký quyết định số 07 Nghị định này chưa hề được ban hành.

Trong khi bị cáo Trịnh Ngọc Chung luôn khẳng định việc kê biên nhà 194 phố Huế là do gia đình 194 phố Huế tự nguyện, anh Hoàng Ngọc Minh khẳng định chưa bao giờ tự nguyện cho cơ quan thi hành án tiến hành kê biên nhà 194 Phố Huế. Anh Minh cũng khẳng định thời điểm anh đang đi công tác nước ngoài và không hề có tài liệu nào thể hiện sự đồng ý của anh.

11h10: Phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung tạm dừng. Đúng 14h chiều nay, phiên toà tiếp tục được đưa ra xét xử.

11h8: Thẩm phán Lương Đức Chính chất vấn đại diện Cục THA TP Hà Nội Quyết định cưỡng chế nằm trong giai đoạn nằm trong quyết định thi hành án. Vậy đã có quyết định đình chỉ rồi, quyết định trả lại tiền rồi sao vẫn thi hành án? Như vậy đúng hay sai?

Bản án không còn, Quyết định thi hành án đã bị đình chỉ vẫn cưỡng chế thi hành án đúng hay sai?

Đại diện Cục thi hành án TP Hà Nội cho rằng căn cứ vào việc phải giao tài sản cho người trúng đấu giá nên vẫn phải thực hiện.

Thẩm phán Chính cho rằng căn cứ theo chính điều 258 Bộ luật dân sự, thì trong trường hợp này tài sản bán đấu giá chưa hề được giao cho người trúng đấu giá.

10h50: HĐXX: Có việc giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án, bà Đoàn Thị Thu Trang cho biết ý kiến?

Bà Trang: Việc ký thay tên một số cán bộ, thêm nội dung vào hồ sơ là tôi được trực tiếp ông Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo làm. Tôi chỉ là cán bộ giúp việc, mới vào nghề. Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo thế nào tôi làm thế. Tôi nhận thức được việc làm của tôi là sai phạm.


Bà Đoàn Thị Thu Trang khẳng định tại Toà là được Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo giả mạo chữ ký, thêm nội dung hồ sơ.

Bà Đoàn Thị Thu Trang khẳng định tại Toà là được Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo giả mạo chữ ký, thêm nội dung hồ sơ.

Kết luận trong bản cáo trạng của VKSND Tối cáo và Toà án cấp sơ thẩm tôi hoàn toàn đồng ý.

10h40: Anh Hoàng Ngọc Minh cho biết ngôi nhà 194 phố Huế chỉ bảo lãnh cho khoản vay 5 tỷ đồng. Đây là tài sản cá nhân không thể đem thi hành án cho khoản nợ của Công ty Bắc Sơn. Anh Minh cũng cho rằng nếu thực sự phải thi hành khoản nợ 5 tỷ thì chỉ cần bán một phần chứ không thể bán cả ngôi nhà trị hàng chục tỷ như vậy.

10h25: Ông Lương Minh Công - Cục phó Cục THA TP Hà Nội cho rằng: Bị cáo Chung thực hiện chuyên môn đúng quy định. Tuy nhiên, nội dung ký thay, ký giả thuộc về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra.

HĐXX hỏi: Thi hành án không căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật có đúng không?

Đại diện Cục Thi hành án cho rằng vẫn phải giao tài sản cho người trúng đấu giá.

10h15: Đại diện của chi cục THA quận Hai Bà Trưng cho rằng việc ông Chung kêu oan là của cá nhân ông Chung còn việc thi hành án của cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng là đúng quy định.

Đại diện Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng cho biết Quận uỷ Hai Bà Trưng đã ra Quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng với bị cáo Chung, cơ quan tạm đình chỉ chức vụ nhưng hiện ông Chung vẫn đi làm được tạm trả lương.

Đại diện Chi cục THA quận Hai Bà Trưng cũng đề nghị HĐXX xem xét hồ sơ, xét xử công minh khách quan, đúng người đúng tội.

10h: HĐXX chuyển sang xét hỏi 3 người có kháng cáo của gia đình 194 phố Huế.

Anh Hoàng Ngọc Minh đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh với bị cáo Chung. “Bị cáo Chung đẩy mười mấy con người trong gia đình 194 phố Huế ra đường trong khi chúng tôi đang kinh doanh thu lợi hàng trăm triệu mỗi tháng mà bị cáo Chung lại nói không gây thiệt hại cho gia đình tôi?”, anh Minh nói.

Phải coi gia đình 194 phố Huế là bị hại chứ không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Anh Minh yêu cầu Toà xem xét tăng hình phạt với bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

"Tôi đề nghị HĐXX yêu cầu Trịnh Ngọc Chung bồi thường cho gia đình tôi số tiền hơn 10 tỷ. Tôi yêu cầu được bồi thường thiệt hại ngay chứ không phải tách ra trong một vụ án kinh tế khác”, anh Minh trình bày.

HĐXX giải thích: Toà cấp phúc thẩm ngày hôm nay không thể giải quyết ngay nội dung này mà phải có trình tự từ cấp toà sơ thẩm nên không thể đưa ra một con số bồi thường ngay hôm nay. Còn việc tách bồi thường trái quy định pháp luật, Toà có thể huỷ án sơ thẩm giải quyết theo trình tự pháp luật.

9h45: HĐXX hỏi thêm bị cáo một số nội dung như toà án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo tự chế ra quyết định cưỡng chế sai biểu mẫu của Bộ Tư pháp nên Quyết định cưỡng chế giao nhà do bị cáo Chung ký đã không căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật? Bị cáo Chung liên tục phản bác cho rằng mình đã làm hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật.

HĐXX hỏi: Với 5 căn cứ cáo trạng truy tố bị cáo Trịnh Ngọc Chung về tội "Ra quyết định trái pháp luật" cũng như hậu quả gây ra với gia đình 194 phố Huế hơn 6 tỷ đồng? Bị cáo Chung vẫn một mực khẳng định không có thiệt hại trong vụ việc.

9h38: HĐXX: Nội dung giả mạo chữ ký, thêm nội dung thi hành án trái pháp luật?

Bị cáo Chung khẳng định không chỉ đạo giả mạo chữ ký. “Mà có sửa cũng không thay đổi bản chất nội dung vụ án”, bị cáo Chung trả lời.

HĐXX: Vậy ai giả mạo chữ ký, thêm nội dung:

Bị cáo Chung khai chị Đoàn Thị Thu Trang ký giả mạo, Trịnh Thị Thuý Hạnh ghi thêm nội dung.


Phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung chật kín người tham dự.

Phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung chật kín người tham dự.

9h30: Phiên toà xét xử bị cáo đã chật kín người tham dự.

HĐXX hỏi: Cáo trạng nêu nhà 194 phố Huế được xác định chưa có sổ đỏ nên không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản và bị phong toả?

Bị cáo Chung cho rằng đương sự tự nguyện giao tài sản và thoả thuận giá nên việc đủ điều kiện hay không là chúng tôi đủ điều kiện xử lý.

Kỳ án 194 phố Huế:TAND Tối cao chốt lịch tuyên án Trịnh Ngọc Chung - 4

HĐXX hỏi diện tích nhà phố Huế trong quá trình điều tra vụ án, chủ nhà xác định là không đúng với diện tích kê biên là 139,68m2, cơ quan thi hành án không đo đạc kiểm tra thực tế?

Bị cáo Chung cho rằng có đi kiểm tra thực tế, có đo đạc nhưng…đo bằng tay.

9h20: Bị cáo Chung cho rằng cả Cơ quan điều tra Viện kiểm sát và TAND cấp sơ thẩm đã hiểu nhầm luật thi hành án. Cho rằng vụ việc không hề gây ra thiệt hại. “Việc VKS truy tố và Toà án xử tôi là trái pháp luật”, bị cáo Chung nói trước vành móng ngựa.

Chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo theo cáo trạng VKSNS Tối cao, bị cáo bị quy kết kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản nhà 194 phố Huế ko thông báo cho các đương sự biết?

Bị cáo Chung trả lời quanh co. Chủ toạ phiên toà yêu cầu bị cáo trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

9h10: Chủ toạ phiên toà cho biết cùng với việc bị cáo Trịnh Ngọc Chung có đơn kháng cáo kêu oan, gia đình 194 phố Huế cũng đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với các nội dung: Đề nghị Toà xem xét tư cách tham gia tố tụng của gia đình mình; Tăng hình phạt bị cáo Chung và xem xét bồi thường cho gia đình 194 phố Huế tại toà.

Bị cáo Trịnh Ngọc Chung vẫn một mực chối tội cho rằng mình ra bản án cưỡng chế nhà 194 phố Huế là đúng pháp luật.

9h5: Đại diện VKSND Tối cao và luật sư bào chữa cho bị cáo đồng ý tiếp tục đưa vụ án ra xét xử dù thiếu một số người liên quan không có mặt.


Đại diện gia đình 194 phố Huế có mặt tại phiên toà.

Đại diện gia đình 194 phố Huế có mặt tại phiên toà.

Giữ cương vị Thẩm phán chủ toạ phiên toà xét xử Trịnh Ngọc Chung lần này là thẩm phán Đinh Quang Sơn thay vì thẩm phán Lương Đức Chính như các phiên toà trước.

Thẩm phán Đinh Quang Sơn kết thúc phần thủ tục, tiến hành tóm tắt nội dung vụ án.

8h45: Phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Ngọc Chung bắt đầu. Thư ký phiên toà tiến hành làm các thủ tục và kiểm tra căn cước.

Đại diện Chi cục THA quận Hai Bà Trưng, Cục THA TP Hà Nội và đại diện gia đình nhà 194 phố Huế có mặt tại phiên toà.

Bị cáo Trịnh Ngọc Chung được HĐXX yêu cầu lên đứng trước vành móng ngựa để hỏi một số thông tin liên quan về nhân thân.

2 nhân chứng trong vụ án vắng mặt tại các phiên toà xét xử trước là bà Trịnh Thị Thuý Hạnh, chấp hành viên Chi cục THA quận Hai Bà Trưng; bà Đoàn Thị Thu Trang (SN 1976) hiện công tác tại Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Tư Pháp cũng có mặt tại phiên toà.


Bị cáo Trịnh Ngọc Chung tại phiên toà.

Bị cáo Trịnh Ngọc Chung tại phiên toà.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Ngọc Chung phạm tội "Ra quyết định trái pháp luật"  trong kỳ án 194 phố Huế sẽ chính thức được mở vào 8h sáng ngày 16/9 tại phòng xét xử số 1 trụ sở TAND Tối cao tại Hà Nội (số 262 Đội Cấn - Ba Đình).

Theo đó, bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị TAND Tối cao đưa ra xét xử do phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Tại phiên tòa sơ thẩm, dù bị cáo Chung bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam nhưng TAND TP Hà Nội tuyên bản án 30 tháng tù treo khiến dư luận bức xúc cho rằng đây là mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra.


Kỳ án 194 Phố Huế kéo dài nhiều năm nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận.

Kỳ án 194 Phố Huế kéo dài nhiều năm nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận.

Kỳ án 194 phố Huế với việc bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng phạm tội "Ra quyết định trái pháp luật" đã khiến dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài. Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, dù bị cáo Chung kiên quyết chối tội và các luật sư của bị cáo gồm: Luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, luật sư Bùi Quang Hưng đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo nhưng đại diện Viện kiểm sát khẳng định đủ căn cứ truy tố xử lý bị cáo Trịnh Ngọc Chung ra trước vành móng ngựa để xét xử theo đúng qui định pháp luật với những dấu hiệu phạm tội đã được làm rõ sau quá trình điều tra.

Đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định bị cáo Chung đã cố ý phạm tội đến cùng nên cần phải cách ly để giáo dục bởi tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho xã hội. Theo đó, căn cứ khoản 3, Điều 296 của Bộ Luật hình sự, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5-6 năm tù. Đồng thời bị cáo Chung phải bồi thường số tiền hơn 6,6 tỷ đồng cho phía bị hại là gia đình 194 phố Huế.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Ngô Tiến Phong đã thay mặt cho HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo, mức án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Sau phiên tòa sơ thẩm, sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận cũng như sự bất bình của công luận với mức án được cho là quá "bèo" với Trịnh Ngọc Chung còn nóng bỏng trong một thời gian dài.


Sáng nay, bị cáo Trịnh Ngọc Chung tiếp tục hầu toà.

Sáng nay, bị cáo Trịnh Ngọc Chung tiếp tục hầu toà.

Cùng với nhiều cơ quan thông tấn báo chí thông tin sự việc, Báo Nhân dân đã có bài viết khẳng định "Một bản án thiếu sức thuyết phục" cho rằng "lý do làm cho dư luận bất bình là vì, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo này đã gây ra đối với hoạt động tư pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân".

Cùng đó, nhiều điểm bất thường trong bản án 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung của TAND TP Hà Nội đã được các luật sư phân tích cụ thể.

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla nhận định: "Mặc dù tại phiên tòa bị cáo Trịnh Ngọc Chung chưa một lần nhận tội, thậm chí còn lớn tiếng tranh cãi với công tố viên về việc mình vô tội, nhưng sau đó HĐXX đã áp dụng điểm p, điểm s Khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong khi đó điểm p Khoản 1 Điều 46 quy định: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; điểm s Khoản 1 Điều 46: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Do vậy, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, theo tội danh này thì bị cáo có nguy cơ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù, và tại phiên tòa, vị công tố viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5 đến 6 năm tù và buộc phải cách ly với xã hội, nhưng cuối cùng HĐXX lại đã tuyên phạt bị cáo có 30 tháng tù, cho hưởng án treo".

Cùng đó, tại phiên tòa, HĐXX lại xác định các thành viên của gia đình 194 phố Huế là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 54 Bộ luật tố tụng hình sự thì gia đình 194 phố Huế chỉ có quyền kháng cáo bản án về các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại dân sự mà không có quyền kháng cáo đối với hình phạt của bị cáo. Thế nhưng, tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên tách phần bồi thường thiệt hại dân sự thành một vụ án khác, xét xử sau nếu gia đình 194 phố Huế có yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình 194 phố Huế hoàn toàn không có quyền kháng cáo đối với bản án đã tuyên ngày 10/07/2014.

Dư luận một lần nữa chờ đợi bản án nghiêm minh, đúng quy định pháp luật của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao với bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

Anh Thế