KPMG - Ngang nhiên sa thải nhân viên sai luật

(Dân trí) - KPMG một trong những công ty kiểm toán quốc tế hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Từ một vài người làm việc trong những ngày đầu thành lập, đội ngũ nhân viên của công ty đã có thời điểm con số này lên đến gần 1000 người.

Công ty cũng tự nhận là công ty chuyên nghiệp, và luôn nhấn mạnh “nhân viên là tài sản quí giá”, nhưng thực tế thì sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, KPMG vẫn không thành lập tổ chức công đoàn, dù đã từng có đơn khiếu nại của tập thể nhân viên công ty phản ứng về việc này. Nhiều sai phạm trong chế độ đối với người lao động cũng xảy ra tại Công ty.
 
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của KPMG
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của KPMG

Mới đây, vào tháng 9/2013, KPMG đã tiếp tục phải ra hầu tòa do mắc phải những sai phạm trong việc ra quyết định thôi việc với người lao động. Đáng nói là sự việc khiến KPMG bị người lao động khiếu kiện lặp lại chính những sai phạm mà công ty đã mắc phải từ hơn 10 năm trước.

Từ tháng 10/2011, ông Tuấn Anh ký làm việc tại Bộ phận Tư vấn của KPMG theo hợp đồng không xác định thời hạn. Trong quá trình làm việc ông được đánh giá cao và thuộc nhóm những nhân viên xuất sắc của Bộ phận tư vấn. Ông được KPMG cử đi học ở nước ngoài từ 13/5/2012 đến 16/5/2012 với mục tiêu làm cán bộ nguồn để có thể đào tạo lại cho các nhân viên khác của KPMG.

Tuy nhiên, trong lúc ông Tuấn Anh đang đi học tại Thái Lan, ngày 15/5/2012, KPMG Việt Nam họp hội đồng thành viên ra nghị quyết (có hiệu lực ngay lập tức), nội dung là: đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông Tuấn Anh và một số nhân viên khác với lý do thay đổi cơ cấu, mặc dù thực chất tại công ty không có bất cứ sự thay đổi cơ cấu nào và Bộ phận Tư vấn của KPMG cho tới nay vẫn hoạt động bình thường. Thư thông báo chấm dứt HĐLĐ cũng được từ lãnh đạo công ty cũng được ký cùng ngày.

KPMG cũng ra một văn bản khác quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 16/5/2012 với lý do dựa trên đơn xin thôi việc (không có thật) của ông Tuấn Anh. Như vậy, công ty KPMG đã cùng lúc cho người lao động nghỉ việc sai luật (buộc thôi việc khi đang đi công tác) và căn cứ buộc thôi việc là sai trái (ông Tuấn Anh không hề có đơn xin thôi việc).

Ngày 17/5/2012, ngay sau khi trở về từ chuyến công tác, ông Tuấn Anh nhận được thông báo từ công ty, đồng thời được yêu cầu bàn giao máy tính, thẻ ra vào, các tài sản khác … và rời khỏi văn phòng công ty ngay trong ngày.

Khi bị phản đối vì quyết định sai luật này, KPMG đã vội vàng có những hành động nhằm hợp pháp hóa quyết định của mình như gửi thông báo tới cơ quan chức năng, yêu cầu thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng dựa trên đơn xin thôi việc không có thật và ra quyết định (bổ sung) đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông Tuấn Anh (19/6/2012) dựa trên lý do thay đổi cơ cấu (cũng không có thật) ở bộ phận mà ông Tuấn Anh làm việc. Tất cả các quyết định này đều được khi ông đã bị buộc phải rời khỏi công ty từ ngày 17/5/2012.
 
Ông Warick Cleine - Tổng giám đốc KPMG Việt Nam
Ông Warick Cleine - Tổng giám đốc KPMG Việt Nam

Điều đáng nói là, người ký những quyết định sai trái, buộc ông Tuấn Anh nghỉ việc là ông Warick Cleine –Tổng giám đốc, người đã từng phải lên mặt báo cách đây hơn 10 năm. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Sau 10 năm, với những sai phạm đã từng mắc phải với người lao động, và đã từng bị đưa lên mặt báo, tại sao ông Warick Cleine vẫn không rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình? Với cương Tổng giám đốc một công ty lớn, đẳng cấp quốc tế, lẽ ra ông không được phép mắc lại sai lầm tương tự này thêm một lần nào nữa.

Chưa kể, sai phạm ông lặp lại, với mức độ có thể nói là không kém phần trầm trọng: Ra các văn bản trái luật, đưa các căn cứ ngụy tạo (đơn nghỉ việc của người lao động), các văn bản soạn thảo cẩu thả (người ra quyết định và người kí quyết định trên cùng một văn bản lại là 2 người khác nhau)…

Cũng xin nói thêm, đây cũng chỉ là một số ít trường hợp người lao động bị KPMG buộc cho thôi việc trái luật, mà người lao động quyết định lựa chọn cách lên tiếng trước công luận và pháp luật. Còn nhiều trường hợp khác, người lao động cũng bị công ty buộc thôi việc trái luật nhưng họ chọn cách im lặng vì nhiều lẽ, trong đó không thể không kể đến một nguyên nhân quan trọng, đó là họ hoài nghi sự công bằng mà pháp luật có thể mang lại cho họ.

Vì những gì họ đang được chứng kiến khiến họ hoàn toàn có quyền hoài nghi. Tại sao những sai phạm của KPMG, mà người đứng đầu là ông Warick Cleine đã được nói đến từ 10 năm trước, nó vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ, mà không bị xử lý một cách kiên quyết, triệt để? KPMG vẫn không có công đoàn cơ sở để bảo vệ người lao động. Ông Warick Cleine vẫn tiếp tục ký những văn bản sa thải người lao động một cách tùy tiện.

Báo chí đã lên tiếng, vậy xin hỏi, các cơ quan chức năng, họ nghĩ gì và sẽ làm gì? Tại sao vẫn tồn tại một công ty sử dụng hàng trăm, thậm chí tới cả nghìn lao động, suốt 20 năm qua hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng không hề có tổ chức công đoàn để bảo vệ người lao động theo đúng pháp luật Việt Nam? Tại sao người ra những quyết định sai luật với người lao động vẫn “bình chân như vại”?.

Xin hỏi, lãnh đạo Công ty KPMG, với những quyết định sa thải người trái luật, được ban hành ngang nhiên suốt nhiều năm qua, họ phải chăng đang bất chấp pháp luật Việt Nam? Cách làm này liệu có phải là cách của một công ty đẳng cấp quốc tế mà họ muốn gây dựng? Đối tác của họ, sẽ nghĩ gì về việc này?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc