Kon Tum: Báo động "đỏ" nạn "chảy máu" khoáng sản ở vùng giáp ranh!

(Dân trí) - Khu vực giáp ranh giữa xã Ia Phí (Chư Păh, Gia Lai) và làng Plei Chor (xã Hòa Bình, Kon Tum) đã diễn ra tình trạng khai thác cát, đá rất rầm rộ với quy mô trong một thời gian dài. Đột nhập vào “thánh địa” khoáng sản trái phép này, chúng tôi đã phát hiện các xe hạng nặng như: Máy múc, máy hút cát, máy hơi khoan đá đang vận hành hết công suất…

Bới đất…tìm cát

Nhận được thông tin người dân phản ánh việc các loại xe máy múc, máy hút cát đang khai thác cát làm cho diện tích hoa màu của bà con bị sạt lở. Theo phản ánh đó, chúng tôi đã tiến vào làng Plei Chor (xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) ngay dưới chân đập Ia Băng đã chứng kiến cảnh các máy hút cát ngang nhiên hoạt động.

Cảnh nạn khai thác cát trái phép dọc chân đập Ia Băng

Theo đó, tại hiện trường, chúng tôi đã chứng kiến một chiếc máy múc khổ lớn đang múc cát lên những chiếc xe tải nhỏ và xe Kamax để chở đi tiêu thụ. Còn một chiếc máy hút cát được đặt ngay một ao nhỏ để hút cát lên bãi…

Nguy hiểm hơn những hình thức hút cát trái phép trước đó, thì tại bãi cát này các đối tượng đã dùng máy múc đã múc đất dọc quả núi xuống ao nhỏ để lọc lấy cát. Cứ âm thầm hoạt động nhưng vậy đã khiến con dòng suối dưới chân đập Ia Băng cạn khô. Tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn, ruộng lúa của bà con cũng vì vậy mà cao hơn so với mặt nước…


Các máy móc hạng nặng ngang nhiên vào xới ngọn núi để lấy cát.

Các máy móc hạng nặng ngang nhiên vào xới ngọn núi để lấy cát.

Theo bà con trên địa bàn cho biết, bãi cát này hoạt động một cách rất công khai. Chúng mở những con đường lớn để đưa các máy móc hạng nặng vào và đưa cát ra. Thời gian hoạt động của bãi cát thường từ 7h sáng đến 5h chiều tùy theo mùa mưa, nắng. “Bãi cát này hoạt động lâu lắm rồi…Như các anh nhìn thấy thì dọc con núi này bị họ cạo nát xuống rồi hút cát...Đất nương rẫy của bà con cứ thế trôi dần…Chính quyền thấy có vào mấy lần nhưng rồi đâu lại vào đấy…”, một người dân bản địa bộc bạch.


Cạo nát ngọn đồi để lấy cát, khiến tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng.

Cạo nát ngọn đồi để lấy cát, khiến tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng.

Ngay sau đó, chúng tôi đã đến phản ánh với UBND xã Hòa Bình (TP.Kon Tum) để có hướng ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở vùng giáp ranh này. Theo ông Phạm Phước - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Bãi cát này chúng tôi đã liên tục xử lý hành chính. Lần đầu tiên vào ngày 14/8/2017, chính quyền đã bắt quả tang và xử phạt 4 triệu đồng. Sau đó đến ngày 6/9/2017, đoàn do Sở Tài Nguyên-Môi trường Kon Tum đi kiểm tra phát hiện bãi cát hoạt động nên đã xử phạt tiếp 40 triệu đồng và bắt chủ không được khai thác trái phép nữa…Từ đó đến nay chúng tôi luôn chú ý không thấy hoạt động lại…. Sau khi nhận thông tin báo chí thì chúng tôi đã liên hệ nhưng chưa có ai ra nhận điểm khai thác này. Hiện tại chúng tôi sẽ cử đoàn xuống tại hiện trường để lập biên bản và tịch thu các máy móc và để có câu trả lời sớm…”.

Xẻ núi…để khai thác đá

Cách điểm khai thác cát đó khoảng 1km là bãi khai thác đá mồ côi. Theo con đường độc đạo dẫn lên đỉnh núi chính chính là điểm khai thác đá mồ côi và được xẻ thành những viên có đường kính khoảng 2-3cm ngay tại đỉnh núi. Trong vai một người đi mua đất, chúng tôi đã tiếp xúc được với những phu đá đang dùng những máy khoan hơi để xẻ đá.

"Đá tặc” "xẻ núi" để khai thác đá

Nhìn quanh còn có 2 căn nhà tạm được dựng tạm, tựa lên những phiến đá lớn để cho những phu đá ở. Nhìn từ xa rất khó phát ra những căn chòi, nhưng do bãi đá được khai thác rầm rộ, lại dùng máy hạng nặng lên rất dễ phát hiện. Tuy vậy, bãi đá này hoạt động hơn tháng nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề biết đến sự tồn tại của nó.

Theo chúng tôi quan sát, thì những phu đá này đã dùng những máy hơi hạng nặng để đâm mũi khoan và xẻ những khối đá mồ côi cao 7-10m thành những viên nhỏ khoảng 2-3cm. Theo những người phu đá nói thì con đường này chỉ dẫn lên bãi đá chứ không có phương tiện hay dân cư nào lên đây làm…


Những căn nhà tạm trên đỉnh núi cho các phu đá ở

Những căn nhà tạm trên đỉnh núi cho các phu đá ở

Ngay khi nắm được thông tin về những khoáng sản đá, cát đang bị “chảy máu” trong một thời gian dài thì chúng tôi đã phản ánh với UBND xã Hòa Bình và phòng Tài nguyên- Môi trường thành phố Kon Tum. Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, đại diện phòng TN-MT và UBND xã Hòa Bình đã trực tiếp vào bãi đá tại làng Plei Chor.


Tình trạng khai thác đá diễn ra rầm rộ…chính quyền xã không biết

Tình trạng khai thác đá diễn ra rầm rộ…chính quyền xã không biết

Nhưng khi tới hiện trường thì những phu đá đang làm đã rời khỏi hiện trường. Nhìn quang cảnh thì những người này có thể đã nghe động nên đã bỏ chạy. Cảnh tượng để lại là 2 máy khoan hơi, các mũi khoan và các đồ dùng sinh hoạt trong các lán trại. Tại hiện trường thì đoàn đã tiến hành lập biên bản để thu giữ tang vật. Theo đoàn đánh giá, bãi đá này hoạt động một cách có tổ chức, dựng lán trại, mở đường để hoạt động lâu dài…

Theo ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Bãi đá này thì chúng tôi chưa biết. Theo thông tin báo chí thì đoàn đang tiến hành lập biên bản tịch thu tang vật và xử lý theo quy định pháp luật…”.

Phạm Hoàng - Việt Hiến