Kinh hoàng gần 4000m3 chất thải nguy hại được “phù phép” trắng trợn tại Bắc Giang

(Dân trí) - Chỉ với 10m3 dầu thải đổ xuống nguồn nước sông Đà, những kẻ thủ ác đã khiến cả triệu người dân Hà Nội lao đao. Thủ tướng Chính phủ đã lập tức chỉ đạo phải làm rõ, xử nghiêm. Trong khi đó, suốt nhiều năm liền, Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang đã chuyển giao đến gần 4000m3 chất thải nguy hại cho các tổ chức không có giấy phép xử lý.

Qua quá trình rà soát, theo dõi công tác quản lý chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang (Công ty), ngày 10/10/2019, Sở TNMT tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 3554/TNMT-BVMT gửi Công ty này về việc yêu cầu thực hiện quản lý chất thải phát sinh theo quy định.

Năm 2013, Công ty (trước đây là Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang) đã lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại đối với Trạm xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và được Sở TN&MT cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại mã số QLCTNH:24.000085.T ngày 11/11/2013 và ngày 01/7/2015, Công ty đã được Sở TN&MT Bắc Giang cấp lần 02 Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại với cơ sở phát sinh gồm:

Văn phòng Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và Trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó Công ty đăng ký bùn thải phát sinh từ Trạm xử lý nước thải tập trung (ngưỡng CTNH là chất thải thông thường).

Kinh hoàng gần 4000m3 chất thải nguy hại được “phù phép” trắng trợn tại Bắc Giang - 1

Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang là chủ đầu tư khu công nghiệp Đình Trám và khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng.

Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ ngày 01/9/2015, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TNMT về quản lý chất thải nguy hại có hiệu lực thi hành, thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ TNMT, quy định: “bùn thải có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý sinh học của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác là mã 120607; Bùn thải có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý nước thải khác của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác là mã 120608” có ngưỡng CTNH, là chất thải nguy hại trong mọi trường hợp theo quy định tại điểm 1.8.2 mục 1.8 phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

Tuy nhiên, Công ty đã không thực hiện phân định, phân loại để quản lý theo chất thải nguy hại và không báo cáo Sở TN&MT Bắc Giang, không thực hiện đăng ký chất thải nguy hại vào Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, không quản lý theo quy định.

Bùn thải công nghiệp là chất thải được sản sinh ra sau quá trình xử lý nước thải công nghiệp. Trong những thành phần của bùn thải công nghiệp thường là những kim loại nặng và các chất thải nguy hại nên việc xử lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải rất phức tạp.

Bùn thải công nghiệp nguy hại là loại bùn tuyệt đối phải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường vì bùn thải công nghiệp nguy hại có chứa nhiều kim loại nặng như: Se, Al, As, su, Mn, Zn, Ni, Cd, Pb, Hg… Việc xử lý bùn thải nguy hại không đúng cách sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lâu dài.

Kinh hoàng gần 4000m3 chất thải nguy hại được “phù phép” trắng trợn tại Bắc Giang - 2

Đặc biệt, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cũng cung cấp một thông tin kinh hoàng: Công ty này đã ký hợp đồng và thực hiện chuyển giao chất thải nguy hại (bùn thải mã 120607, mã 120608) cho các tổ chức không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Cụ thể: Năm 2017 chuyển giao 1.357,3m3 bùn thải cho Công ty CP đầu tư xây dựng và kỹ thuật môi trường Á Châu; Năm 2018 chuyển giao 1.493m3 bùn thải cho Công ty CP dịch vụ môi trường Sông Thương và năm 2019 chuyển giao 912,5m3 bùn thải cho Công ty TNHH Môi trường Việt Nam Xanh.

Ngày 19/6/2019, Công ty này nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Sổ đăng ký nguồn chủ chất thải nguy hại, trong đó không đăng ký bùn thải phát sinh từ Trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Trám thuộc danh mục chất thải nguy hại theo quy định tại điểm 1.8.2, mục 1.8, phụ lục 1 thông tư số 36 nêu trên.

Kinh hoàng gần 4000m3 chất thải nguy hại được “phù phép” trắng trợn tại Bắc Giang - 3

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang phải chịu trách nhiệm thế nào trước phát lộ gây sốc này.

Từ thực tế trên cho thấy, Công ty CP phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang chưa thực hiện phân định, phân loại chất thải nguy hại phát sinh để quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; và không đúng khoản 2 Điều 6 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT;

“Ngoài ra, Công ty đã chuyển giao bùn thải của hệ thống xử lý nước thải KCN Đình Trám cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại (giai đoạn từ năm 2017-2019 như nêu trên). Các công ty tiếp nhận bùn thải (là chất thải nguy hại) của Công ty CP phát triển hạ tầng KCN Bắc Giang phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, kể từ ngày 09/10/2019, Sở TN&MT đã thu hồi Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại mã số QLCTNH:24.000085.T cấp lần 3 ngày 19/6/2019 để Công ty thực hiện đăng ký cấp lại theo quy định”, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang khẳng định.

Vậy gần 4000m3 bùn thải nguy hại này đã đi đâu? Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang cùng 3 doanh nghiệp tham gia “phù phép” số bùn thải nguy hại trên sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật? Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang phải chịu trách nhiệm thế nào trước phát lộ kinh hoàng này?

Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc!

Anh Thế - Ngọc Hân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm