Bài 4:
Kiên Giang: Không có cơ sở để buộc người dân đập nhà, trả đất!
(Dân trí) - Năm 2016, Tòa phúc thẩm tuyên bà Hiền không có hành vi bao chiếm đất của nhà nước quản lý. Thế nhưng, 2 năm sau, Chủ tịch huyện Phú Quốc ra quyết định buộc bà Hiền trả đất cho nhà nước?
Diễn biến vụ việc…
Vào 2002, bà Trương Thị Hiền có khai khẩn và sử dụng diện tích 6.514,5 m2 tọa lạc tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để trồng điều .
Năm 2011 bà Hiền xây 01 móng nhà trên phần đất này, thời điểm đó UBND xã có đến kiểm tra nhưng không xử lý. Đến 4/2014, UBND xã Cửa Dương mời bà Hiền đến làm việc về nguồn gốc đất đai và đến 9/2014 lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng không ban hành quyết định xử phạt.
Đến 24/8/2015, UBND xã đến đo đạc diện tích đất bà Hiền đang sử dụng và lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Hiền về lỗi không kê khai đất đai và ban hành quyết định số 192, 193 phạt bà Hiền với số tiền là 4.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến 03/02/2015, chủ tịch xã Cửa Dương ban hành quyết định số 250 hủy bỏ các quyết định do chính mình ban hành trước đó. Ngày 04/12/2015, cán bộ xã lập lại biên bản vi phạm hành chính mới (số 106), nội dung cho rằng bà Hiền chiếm đất xã quản lý vào đầu năm 2014.
Đến 8/12/2015, căn cứ vào biên bản số 106, chủ tịch xã Cửa Dương ban hành quyết định số 255 buộc bà Hiền trả lại đất. Bức xúc, bà Hiền khởi kiện đến tòa án nhân dân huyện Phú Quốc.
Tòa tuyên chủ tịch xã thua kiện…
Ngày 31/5/2016, TAND huyện Phú Quốc đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa đại diện UBND xã không trả lời được lý do vì sao năm 2011 bà Hiền xây móng nhà trên phần đất này xã có đến kiểm tra nhưng không xử lý như vậy các biên bản và các quyết định lại cho rằng bà Hiền chiếm đất vào đầu năm 2014? Thực tế, bà Hiền chiếm đất vào thời điểm nào?
Trong khi đó, đại diện UBND xã không chứng minh được quyền sử dụng đất của mình nằm ở thửa nào và kế hoạch sử dụng đất ra sao theo quy định tại điều 49 luật đất đai năm 2013 và hướng dẫn tại điều 11 nghị định 43/2014 của chính phủ.
Trong quá trình làm rõ tại phiên tòa, TAND huyện Phú Quốc đã quyết định tuyên hủy toàn bộ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND xã Cửa Dương. Chủ tịch UBND xã Cửa Dương kháng cáo đến tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Ngày 27/9/2016, TAND tỉnh Kiên Giang đưa vụ án ra xét xử và bát toàn bộ nội dung kháng cáo của chủ tịch UBND xã Cửa Dương và công nhận bản án sơ thẩm của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc.
Phán quyết của 2 cấp tòa đồng nghĩa thể hiện bà Trương Thị Hiền không có hành vi vi phạm hành chính, không có hành vi bao chiếm đất của nhà nước quản lý.
Không có cơ sở áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, bà Hiền về chia đất cho các con, cất nhà ở ổn định, không ai đến lập biên bản xây dựng trái phép.
Tuy nhiên đến 5/10/2018, UBND xã Cửa Dương tự lập 01 biên bản vi phạm hành chính số 447 cho rằng bà Hiền chiếm đất, với nội dung: Từ 05/4/2014 đến 24/8/2015, bà Hiền chiếm đất với tổng diện tích là 6.514,5m2 do hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên lập biên bản này để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc trả lại đất.
Đến 15/10/2018, Chủ tịch xã Cửa Dương lập tờ trình số 199 gửi đến chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đề nghị chủ tịch huyện Phú Quốc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trương Thị Hiền.
Ngày 23/10/2018, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định số 4321 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trương Thị Hiền buộc trả lại đất cho nhà nước quản lý. Nếu thực hiện việc này, bà Hiện đập hết các căn nhà của bà cũng như của các con bà đang ở ổn định.
Cho rằng bản thân không có hành vi vi phạm hành chính và việc bà sử dụng đất là phù hợp với luật đất đai 2013. Việc chủ tịch huyện Phú Quốc ban hành quyết định 4321 buộc bà trả lại đất cho nhà nước quản lý là xem nhẹ bản án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy bà đã ủy quyền cho ông Nguyễn Huy Toàn khởi kiện quyết định số 4321 của chủ tịch UBND huyện Phú Quốc yêu cầu quý tòa tuyên hủy quyết định nêu trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Tòa án là cơ quan xét xử thuộc quyền lực của nhà nước. Vụ án hành chính mà UBND xã Cửa Dương xử phạt bà Hiền đã được 02 cấp tòa tỉnh Kiên Giang tuyên hủy vào năm 2016 và bản án đã có hiệu lực pháp luật đồng nghĩa với việc bà Hiền không vi phạm pháp luật hành chính.
Vì vậy tổ chức, cá nhân, có liên quan trong vụ án này cần phải tuân thủ chấp hành, việc chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định số 4321 cho rằng bà Hiền vi phạm hành vi hành chính và buộc khắc phục hậu quả là một nghịch lý. Điều đó gây hoang mang trong dư luận làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính quyền. Bản án có hiệu lực cần phải được tôn trọng vì nó thể hiện quyền lực của pháp luật nhà nước. Là nền tảng ổn định xã hội và là sự công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ngày 4/3, TAND tỉnh Kiên Giang đưa vụ án hành chính ra xét xử, tuy nhiên, tại phiên tòa, người có quyền lợi liên quan là UBND xã Cửa Dương vắng mặt nên tòa đã tạm hoãn. Dự kiến, phiên tòa được mở lại vào ngày 16/3 tới.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Chủ tịch Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Trong vụ việc này để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Hiền, ngành chức năng bắt buộc phải chứng minh được bà Hiền có vi phạm hành chính.
Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính đã nêu rõ về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đã nêu rõ rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; Đồng thời chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Cần nhìn rõ trong trường hợp này, UBND xã Cửa Dương đã từng ban hành Quyết định 255 để xử lý vi phạm vì cho rằng bà Hiền chiếm đất vào đầu 2014, nhưng sau đó Quyết định đã bị hủy bởi TAND bằng bản án phúc thẩm có hiệu lực, đồng nghĩa với việc đã được chứng minh không có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong trường hợp này.
Tuy nhiên, UBND xã sau đó ban hành tờ trình để Chủ tịch UBND huyện Phúc Quốc ban hành quyết định số 4321 với lý do cho rằng bà Hiền chiếm đất vào ngày 05 tháng 4 năm 2014 đến 24 tháng 8 năm 2015, tức là cố tình lùi về thời hạn để tạo ra sự kiện mới nhằm làm căn cứ xử phạt và áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Nhưng cần lưu ý trong trường hợp này, hành vi của bà Hiền đã xảy ra từ trước năm 2014, tức chỉ có duy nhất 01 hành vi từng bị xem xét, không thể ngắt quãng giai đoạn để tiến hành xem xét như một hành vi mới được. Vì việc bà Hiền sử dụng đất ở khu vực đó mang tính liên tục, không bị ngắt quãng nên không thể được xem là phát sinh hành vi mới như cách UBND xã Cửa Dương đã trình bày. Đồng thời biên bản cũng không có chữ ký của người vi phạm nên chưa được xem là phù hợp theo quy định (vì chưa có thông tin về việc bà Hiền không hợp tác trong việc lập biên bản này).
Nhìn nhận tổng quan, có thể thấy cách hành xử của UBND các cấp tại Phú Quốc là biểu hiện của hành vi trù dập và cố tình xử lý một hành vi đã được chứng minh là không vi phạm pháp luật và cần được thanh tra làm rõ”.
Ngô Nguyễn - Huy Toàn