Kiên Giang: 17 năm chưa nhận được đất, dù Tỉnh, Bộ chỉ đạo giao đất đúng luật
(Dân trí) - Ông Đức và bà Thắm tranh chấp 1.035,22m2 đất từ 1996. Đến 1999, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định công nhận 1.035,22m2 đất cho bà Thắm, giao huyện Vĩnh Thuận tổ chức giao đất. Nhưng đã 17 năm, bà Thắm vẫn chưa nhận đất, con cháu bà sống khốn khổ trong căn nhà sắp sập.
Hai công dân tranh chấp mảnh đất 1.035,22m2 nêu trên là gia đình ông Đinh Văn Đức và bà Đinh Thị Hồng Thắm, cả hai đang ngụ tại ấp Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Và nay bà Thắm mất, con bà là ông Trần Tuấn Khanh đang đội đơn kêu cứu khắp nơi, đề nghị UBND huyện Vĩnh Thuận tổ chức giao đất cho gia đình, nhằm sửa lại căn nhà tổ tiên đang xuống cấp trầm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào.
Nguồn gốc đất như thế nào?
Trong đơn gửi đến báo điện tử Dân trí, ông Khanh trình bày, nguồn gốc diện tích đất 1.035,22m2 đang tranh chấp giữa gia đình và ông Đinh Văn Đức nằm trong diện tích đất 29.230m2 trước năm 1930. Diện tích đất này là của ông Trần Văn Nhiểu sử dụng, khoảng năm 1930 ông Nhiểu hoán đổi cho ông Đinh Văn Lào (ông cố ông Khanh) phần đất 29.230m2 để lấy phần đất của ông Lào ở ấp Kinh 1, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận.
Sau khi hoán đổi đất, ông Lào cho ông Đinh Văn Hiệp và bà Quách Thị Trí (ông bà ngoại của ông Khanh) phần đất 1.035,22m2, diện tích còn lại, ông Lào cho ông Đinh Trung Thu (cha của ông Đinh Văn Đức) sử dụng. Khi ông Hiệp mất, bà Trí tiếp tục sử dụng phần đất 1.035,22m2, việc sử dụng phần đất này có hàng rào ranh giới rõ ràng với gia đình ông Đức. Tuy nhiên, đến năm 1996 ông Đức tranh chấp phần đất 1.035,22m2 của gia đình ông Khanh sử dụng ổn định gần 70 năm với lí do ông bà ngoại ông Khanh mượn phần đất này để ở.
Ông nội rồi cha mẹ, anh chị em ông Trần Văn Khanh đều ở trong căn nhà này. Việc này chính quyền địa phương và những cụ cao niên ai cũng biết
Trao đổi với PV Dân trí, ông Khanh cho biết nguyên nhân ông Đức có “cơ hội” tranh chấp phần đất 1.035,22m2 là do nguồn gốc, giấy tờ mảnh đất này là của ông Trần Văn Nhiểu có địa bộ thời Pháp thuộc, khi ông Nhiểu và ông cố ông Khanh hoán đổi đất vào năm 1930 không có lập thủ tục sang tên địa bộ. Do đó vào năm 1967, ông Trần Văn Hoài (con ông Nhiểu) có làm thủ tục xác nhận sang địa bộ cho ông Đinh Trung Thu (cha ông Đức), từ đó vô tình phần đất 1.035,22m2 nằm trong địa bộ của cha ông Đức nên đến năm 1995 ông Đức làm thủ tục xin cấp giấy chựng nhận quyền sử dụng đất và được UBND huyện Vĩnh Thuận cấp giấy CNQSĐ với tổng diện tích 29.230m2 bao gồm luôn diện tích 1.035,22m2 của gia đình tôi”.
Gia đình ông Đức trình bày, phần đất tranh chấp 1.035,22m2 nằm trong diện tích đất 102.639m2 của ông Trần Văn Nhiểu khai khẩn từ 1940. Khi ông Nhiểu mất để lại cho ông Trần Văn Hoài quản lý đến năm 1965, ông Hoài làm giấy nhìn nhận và giao đất lại cho ông Đinh Trung Thu (cha ông Đức). Đến tháng 6/1967 ông Thu được Ty Điền Địa cấp sơ đồ hiện trạng cho ông Thu. Năm 1968 ông Thu chết để lại cho ông Đức canh tác đến năm 1982 và được Ban quản lý ruộng đất cấp giấy chứng nhận thực trạng diện tích ruộng. Năm 1995, ông Đức được UBND huyện Vĩnh Thuận cấp giấy CNQSDĐ với tổng diện tích 29.230m2.
Tỉnh, Bộ chỉ đạo giao đất… huyện chần chừ
Khi vụ tranh chấp phần đất 1.035,22m2 giữa gia đình ông Đức và bà Thắm phát sinh vào năm 1996, UBND thị trấn Vĩnh Thuận hòa giải không thành, UBND huyện Vĩnh Thuận sau khi xem xét khiếu nại của ông Đức, ngày 24/6/1998, UBND huyện Vĩnh Thuận ra Quyết định 1831/QĐ – UB về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Đinh Văn Đức, công nhận phần đất 1.035,22m2 cho gia đình bà Thắm sử dụng nhưng gia đình bà Thắm phải trả tiền thành quả lao động cho gia đình ông Đức. Tuy nhiên, ông Đức không chấp nhận, khiếu nại lên UBND tỉnh Kiên Giang.
Sau khi xem xét, ngày 14/4/1999, UBND tỉnh Kiên Giang ra Quyết định 728/QĐ – UB về giải quyết đơn khiếu nại của ông Đinh Văn Đức, trong quyết định này, UBND tỉnh Kiên Giang xác định nguồn gốc đất hai bên tranh chấp như sau: Phần đất 1.035,22m2 đang tranh chấp giữa ông Đinh Văn Đức và bà Đinh Thị Hồng Thắm nằm trong tổng diện tích 29.230m2 (tại ấp Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) do ông Đinh Trung Thu (cha ruột ông Đức) khai phá sử dụng từ năm 1940, đến năm 1959 chính quyền chế độ cũ quy khu, dồn dân, lập ấp. Do đó, diện tích đất trên cấp lại cho nhiều hộ dân ở, trong đó có gia đình ông Đinh Văn Hiệp (ông Hiệp là em ruột ông Thu) với diện tích 1.035,22m2. Sau năm 1968, ông Hiệp qua đời, phần đất trên được vợ ông Hiệp là bà Quách thị Trí tiếp tục sử dụng. Sau năm 1975 những hộ ở trên phần đất của ông Thu đã chuyển đi nơi khác sinh sống, riêng hộ bà Trí vẫn sử dụng phần đất. Do đó, có cơ sở để công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Trí theo quy định tại Điều 2 Luật Đất đai năm 1993.
Trong 1995, ông Đức được UBND huyện Vĩnh Thuận cấp giấy CNQSDĐ có cả diện tích đất 1.035,22m2 trên là có ý đồ chiếm đất, vi phạm vào Điều 6 Luật Đất đai năm 1993… Từ những cơ sở trên, UBND tỉnh Kiên Giang ra Quyết định 728 điều chỉnh một phần Quyết định 1831 của UBND huyện Vĩnh Thuận, cụ thể: UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục công nhận 1.035,22m2 cho gia đình bà Quách Thị Trí (mẹ bà Thắm) sử dụng, gia đình bà Trí không phải trả thành quả lao động cho ông Đức. Ngoài ra, tại Quyết định 728, UBND tỉnh Kiên Giang giao cho UBND huyện Vĩnh Thuận thu hồi giấy CNQSDĐ số H17015, ngày 30/3/1995 của ông Đinh Văn Đức để điều chỉnh diện tích cho phù hợp, đồng thời tổ chức giao đất cho gia đình bà Thắm.
Gia đình ông Đức không chấp nhận Quyết định 728, ông Đức khiếu nại ở nhiều cấp, sau đó Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thuận có công văn xem xét lại vụ việc; UBND huyện Vĩnh Thuận nhiều lần lấy lí do dân chưa đồng tình; UBND huyện Vĩnh Thuận không nhận được công văn tổ chức triển khai quyết định 728 của UBND tỉnh; gia đình ông Đức kiên quyết không giao đất… Từ những lí do nêu trên, ngày 26/5/2015 UBND tỉnh Kiên Giang ra công văn số 525/UBND – NCPC gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến giải quyết khiếu nại của ông Đinh Văn Đức. Sau khi xem xét lại vụ việc, ngày 1/7/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra công văn 2675/BTNMT – TTr trả lời về khiếu nại của ông Đinh Văn Đức. Tại Công văn 2675, Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào Hiến pháp 1980, 1992; Khoản 1, Khoản 2, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993, việc ông Đức tranh chấp, đòi quyền sử dụng đất bà Trí đang sử dụng nêu trên là không có cơ sở giải quyết; việc giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tại Quyết định 728/QĐ – UB ngày 14/4/1999 là đúng pháp luật, đề nghị Quý Ủy ban tổ chức thực hiện quyết định 728/QĐ –UB nêu trên theo quy định.
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang ra Công văn số 3168/VP – NCPC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi giao cho Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 728. Tuy nhiên, thêm một lần nữa UBND huyện Vĩnh Thuận “chần chừ” bằng báo cáo số 68 ngày 27/11/2015 về việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 728. Tại báo cáo này, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Mai Hoàng Khởi nêu gia đình ông Đức kiên quyết không cho đo giao đất, kiên quyết ngăn cản… Đồng thời Chủ tịch Khởi còn đề nghị UBND tỉnh cần xem xét lại diện tích bà Trí đang sử dụng với diện tích nêu trong Quyết định 728; xem lại ý kiến nhân dân tại cuộc họp dân ngày 25/9/2014… Từ những diễn biến trên, Chủ tịch Mai Hoàng Khởi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh phúc tra lại toàn bộ hồ sơ vụ việc tranh chấp.
Ông Khanh chia sẻ: “Trên mảnh đất đang tranh chấp, ông bà ngoại cất căn nhà mái lá sinh sống rồi đến cha mẹ và mấy anh em tôi cũng sống trong căn nhà đó. Qua mấy chục năm, căn nhà vách gỗ, mái lá xuống cấp trầm trọng, cột kèo mối mọt xông rệu rã… Nhưng xã, huyện không cho cất lại dù vật tư xây dựng đã mua sẵn cả chục năm qua. Đã vậy, gần đây ông Đức lên bờ nuôi tôm, sau nhà không có lôi thoát nước nên vào mùa mưa, nước ngập ở căn nhà sau từ 0,4 – 0,6m. Những hôm như vậy gặp thêm cảnh trời mưa khắp nhà lênh láng nước, anh em chúng tôi sống khổ sở vô cùng. Bởi vậy tôi rất mong cơ quan chức năng Nhà nước sớm giải quyết vụ việc để anh em tôi sửa lại căn nhà, có nơi thờ cúng ông bà cho đàng hoàng”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Đủ - Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thuận cho biết: “Tôi vừa nhận nhiệm vụ mới đây nên thông tin chi tiết vụ việc không nắm rõ lắm, nhưng vừa qua, sau khi UBND Huyện Vĩnh Thuận có kiến nghị xem xét lại vụ việc thì UBND tỉnh Kiên Giang có giao cho Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phúc tra lại. Vừa rồi, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường có đến xác minh lại vụ việc nhưng đến nay chưa có kết quả”.
Qua 4 đời Chủ tịch tỉnh Kiên Giang và cơ quan cao nhất về quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường đều công nhận phần đất 1.035,22m2 thuộc quyền sở hữu của bà Trí nhưng đến nay con cháu bà Trí vẫn chưa nhận được đất. Thiết nghĩ, qua 17 năm, từ cấp tỉnh đến Bộ có nhiều công văn chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận tổ chức triển khai Quyết định 728 giao đất cho gia đình bà Trí nhưng đến nay việc giao đất cho gia đình bà Trí vẫn giậm chân tại chỗ là vì sao? Từ sự dùng dằng này, dư luận đang đặt dấu hỏi vì sao Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận chưa triển khai Quyết định 728 của UBND tỉnh? Có không sự việc “trên bảo dưới không nghe” trong vụ việc này?
Nguyễn Hành