Sóc Trăng:
Kiểm sát viên đánh người “được” xử bồi thường cho nạn nhân 3,4 triệu đồng
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Dự đám cưới, kiểm sát viên túm cổ đánh người rồi chây ỳ trách nhiệm”, ngày 4/8, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tòa Dân sự (thuộc TAND tỉnh Sóc Trăng) đang thụ lý phúc thẩm vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm hại” giữa nguyên đơn là ông Thạch Phú Lãnh và bị đơn là ông Lý Út Hoài.
Như Dân trí từng phản ánh, theo hồ sơ, ngày 23/5/2015, ông Thạch Phú Lãnh (38 tuổi, ngụ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đi dự tiệc ở nhà của một cán bộ phụ nữ xã Liêu Tú. Trong buổi tiệc, ngồi gần bàn nhậu còn có ông Lý Út Hoài (33 tuổi, Kiểm sát viên đang công tác tại VKSND huyện Trần Đề).
Trong khi nhậu, giữa ông Lãnh và ông Hoài có lời qua tiếng lại với nhau. Ông Lãnh bị ông Hoài đánh gây thương tích, phải điều trị tại bệnh viện huyện Trần Đề từ ngày 24/5- 2/6/2015 xuất viện. Giấy chứng nhận thương tích ngày 2/6/2015 của Trung tâm Y tế huyện Trần Đề ghi rõ “ Chấn thương vùng thái dương (T) 3x5cm, tăng huyết áp độ 1".
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Lãnh làm đơn tố cáo ông Lý Út Hoài gửi Viện KSND huyện Trần Đề, nhưng cơ quan này không lên tiếng. Mãi đến ngày 2/10/2015 (tức là gần 5 tháng sau khi ông Lãnh làm đơn tố cáo), Viện KSND huyện Trần Đề mới cho mời ông Lãnh đến trụ sở cơ quan này làm việc. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Viện KSND huyện Trần Đề, ông Lý Út Hoài thừa nhận đánh ông Lãnh là sai, cơ quan sẽ xử lý, kiểm điểm; ông Hoài phải bồi thường chi phí điều trị, xin lỗi ông Lãnh.
Ngày 8/10/2015, Viện KSND huyện Trần Đề tiếp tục có buổi làm việc với ông Thạch Phú Lãnh. Tại cuộc họp này, ông Lãnh yêu cầu ông Hoài bồi thường cho ông tổng số tiền 29.980.000 đồng gồm chi phí điều trị, thuê xe, ngày công lao động, người nuôi,…; phải tổ chức họp dân xin lỗi ông Lãnh. Kết thúc buổi họp cũng không giải quyết được việc gì bởi không có mặt ông Lý Út Hoài.
Tiếp đó, ngày 9/12/2015, Viện KSND huyện Trần Đề có buổi làm việc thứ 3 với ông Thạch Phú Lãnh và lần này có sự tham gia của ông Lý Út Hoài. Tại buổi họp, ông Lãnh vẫn giữ nguyên yêu cầu bồi thường như trước và họp dân xin lỗi. Đại diện Viện KSND huyện Trần Đề là ông Nguyễn Việt Hoàn (Viện trưởng) cho biết: Ông Hoài bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng yêu cầu họp dân xin lỗi là “quá mức so với Viện kiểm sát”; còn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì “phải do đồng chí Hoài có chấp nhận hay không”. Còn ông Lý Út Hoài chỉ chấp nhận bồi thường 2.380.000 đồng. Ý kiến này của ông Hoài bị ông Lãnh phản ứng.
Ông Lãnh nói: “Tôi là lao động chính trong nhà, vợ hiện đang bị ung thư, 2 con còn nhỏ, những ngày tôi nằm viện điều trị, ông Hoài không một lần đến thăm hỏi, không một lời xin lỗi nên tôi đã nộp đơn khởi kiện đến TAND huyện Trần Đề”.
Theo đơn khởi kiện, ông Thạch Phú Lãnh yêu cầu tòa án buộc ông Lý Út Hoài có trách nhiệm bồi thường cho ông với số tiền trên 26 triệu đồng gồm các chi phí: Tiền thuốc, tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất, tiền người nuôi bệnh, tiền xe, bồi dưỡng sức khỏe sau trị bệnh...
Thật trớ trêu, ông Thạch Phú Lãnh kể: “Ngày 14/12/2015, tôi đến TAND huyện Trần Đề nộp đơn khởi kiện. Sau khi xem hồ sơ xong, một cán bộ tòa án trả lại đơn với lý do là hồ sơ thiếu các loại giấy tờ như: Biên lai thu tiền của người chạy xe ôm chở tôi đi bệnh viện; Biên lai nhận tiền đi làm mướn mỗi ngày; Xác nhận người nuôi bệnh trong thời gian tôi điều trị ở bệnh viện và số nhà của tôi và ông Út Hoài. Những yêu cầu của tòa tôi không thể thực hiện bởi từ hồi nào đến giờ đi xe ôm chỉ biết trả tiền chứ làm gì có biên nhận, đi làm mướn thì nhận tiền từ người thuê mình mỗi ngày chứ làm gì có biên nhận, người nuôi bệnh cũng làm gì có giấy xác nhận nuôi bệnh, còn số nhà thì chúng tôi ở nông thôn vùng sâu vùng xa thì địa chỉ là ấp, khóm chứ không có số nhà. Đòi như vậy thì dân chúng tôi thua. Không được nhận đơn trực tiếp, tôi ra bưu điện gửi theo đường phát chuyển nhanh”.
Ông Thạch Thi (cha ruột ông Lãnh) nói: “Khi xảy ra sự việc, vốn là chỗ quen biết nên chúng tôi cũng chỉ muốn anh Út Hoài đến thăm, nhận lỗi với con tôi là xong chuyện nhưng thái độ của anh ta rất kiêu ngạo, chứng tỏ quyền lực của mình nên không thăm, không xin lỗi, vì vậy con tôi mới khởi kiện”.
Ông Nguyễn Việt Hoàn - Viện trưởng Viện KSND huyện Trần Đề thừa nhận, vụ việc xảy ra như đơn của ông Thạch Phú Lãnh là đúng. Cơ quan đã phối hợp với UBND xã Liêu Tú nơi ông Lãnh và ông Hoài cư trú tổ chức hòa giải nhưng không xong, bởi mỗi bên có yêu cầu riêng, không bên nào chịu bên nào nên đến nay vẫn chưa xong.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 19/5/2016, ông Lý Út Hoài thừa nhận việc đánh ông Lãnh. Từ đó, HĐXX khẳng định, việc ông Hoài gây chấn thương vùng thái dương trái của ông Lãnh là có cơ sở.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chỉ buộc ông Lý Út Hoài “phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân trên 3,4 triệu đồng gồm: Tiền thuốc, xe ôm đưa đi cấp cứu, thu nhập thực tế đã mất của ông Lãnh và người nuôi bệnh. Không chấp nhận các chi phí tiền ăn người bệnh, nuôi bệnh, bồi dưỡng sức khỏe sau ra viện, tổn thất tinh thần”.
Không đồng ý với phán quyết của TAND huyện Trần Đề, ông Lãnh kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên ông Hoài bồi thường thêm 22,6 triệu đồng.
Bạch Dương