“Khuất tất tại Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu”: Đề nghị làm rõ có hay không dấu hiệu chiếm đoạt tiền Nhà nước

(Dân trí) - “Nếu không thanh tra thì số tiền hàng trăm triệu đồng sẽ đi về đâu. Vì thế, trong những sai phạm tài chính của trường cần chuyển cho cơ quan công an điều tra làm rõ có hay không dấu hiệu chiếm đoạt tiền nhà nước”, người tố cáo kiến nghị.

 

tc-bd07c
Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu có hàng loạt sai phạm về tài chính. Tuy nhiên, lãnh đạo trường chỉ bị đề nghị xử lý rút kinh nghiệm khiến người tố cáo và dư luận địa phương rất bức xúc.

Sau khi Thanh tra tỉnh Bạc Liêu có kết luận thanh tra về một số sai phạm xảy ra tại Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu, trong đó đã chỉ rõ những sai phạm về tài chính của lãnh đạo trường mà ông Trịnh Việt Xô (nguyên Hiệu trưởng), ông Nguyễn Trường Thuận (nguyên kế toán), bà Trần Tú Anh (nguyên thủ quỹ), ông Phùng Quốc Hưng (Phó hiệu trưởng)…là những người chịu trách nhiệm chính nhưng chỉ bị đề nghị xử lý rút kinh nghiệm đã khiến người tố cáo và dư luận địa phương bức xúc.

Người tố cáo trong vụ việc này vừa có đơn gửi một số cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu và báo Dân trí đề nghị tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung đã thanh tra nhưng chưa rõ ràng, chưa thuyết phục. Ngoài ra, người tố cáo còn đề nghị cơ quan công an điều tra vào cuộc làm rõ có hay không dấu hiệu chiếm đoạt tiền nhà nước của một số cá nhân là lãnh đạo trường này.

Theo đơn kiến nghị của người tố cáo, một số nội dung cần làm rõ thêm như: Khi Tổ kiểm tra của Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu kiểm tra thì phát hiện trong chi giảng dạy cho giáo viên là 575,490 triệu đồng tiền liên kết với ĐH Đồng Tháp và ĐH Văn hóa TPHCM là trùng lắp, vì tiền giảng dạy này hai trường Đại học đã chi. Sau đó, Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu thanh tra lại thì chứng từ chi cho mục này đã biến mất. Vậy Tổ kiểm tra của Sở và Đoàn Thanh tra của tỉnh đã “không rõ ràng” trong vụ việc này. “Con số hơn nửa tỷ đồng không phải là nhỏ, việc chứng từ không rõ ràng thì không thể thuyết phục được ai”, người tố cáo bức xúc.

Việc lấy tiền liên kết đào tạo chi cho việc mua quà Tết cho lãnh đạo, thăm bệnh, tiếp khách…trùng với việc lấy kinh phí nhà trường (do Nhà nước cấp) hàng năm chi cho việc này. Một số giáo viên cho rằng, quà Tết gần 20 triệu đồng không thanh toán được đang tồn động tại trường và quyết toán không được nên nhiều tháng nay Kho bạc không cho rút kinh phí hoạt động, do đó cần xác minh lại việc này.

Một vấn đề nữa là Thanh tra tỉnh cho rằng tiền liên kết đã chi cho công tác chủ nhiệm của giáo viên thì theo người tố cáo việc này là không đúng. Bởi hiện nay, nhà trường đang nợ giáo viên số tiền quản lý lớp, chủ nhiệm lớp của các lớp Đại học của Trường ĐH Văn hóa TPHCM.

Người tố cáo cũng cho rằng, từ năm 2007- 2014, trường hoạt động không có quy chế chi tiêu nội bộ nên mọi thứ đều cho là chi tiếp khách và quà Tết cho lãnh đạo là không thể chấp nhận được.

“Trong những sai phạm về nguyên tắc tài chính, đề nghị cơ quan công an điều tra vào cuộc xác minh việc vừa lấy tiền ngân sách Nhà nước, vừa lấy tiền liên kết đào tạo Đại học nhưng chi cùng một nội dung là tiếp khách, quà Tết cho lãnh đạo, giáo viên, vì việc chi quà cho lãnh đạo là không có thật”, người tố cáo kiến nghị.

Ngoài ra, vụ của ông Trương Hoài Nghiêm (nguyên giáo viên nhà trường) tạm ứng không có giấy tờ, hàng năm trường không theo dõi để thu hồi số tiền trên 89 triệu đồng, đến khi thanh tra phát hiện thì lại cho thu hồi. “Nếu không thanh tra thì số tiền này có ai biết, vậy đây có phải là chiếm đoạt công quỹ nhà nước hay không?”, người tố cáo thẳng thắn đặt nghi vấn.

to-cao-1441267027074
Việc kiến nghị xử lý sai phạm của Thanh tra tỉnh chưa thuyết phục, người tố cáo tiếp tục có đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu kiến nghị thanh tra lại cũng như đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan công an điều tra làm rõ có hay không dấu hiệu chiếm đoạt tiền Nhà nước.

Liên quan đến những khuất tất tại Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu, như Dân trí đã có loạt bài phản ánh, trong đó nêu rõ, qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu xác định, công tác quản lý thu chi tài chính của Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật nên đã dẫn đến sai phạm. Trách nhiệm này thuộc Ban giám hiệu nhà trường, chủ yếu là ông Trịnh Việt Xô (nguyên Hiệu trưởng). Trong thời gian làm Hiệu trưởng, ông Trịnh Việt Xô thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, nhất là việc sử dụng tiền thu học phí của các trường liên kết đào tạo từ năm 2007- tháng 7/2014 sai quy định với số tiền hơn 440 triệu đồng. Ngoài ra, những thiếu sót, sai phạm còn có vai trò, trách nhiệm tham mưu của ông Nguyễn Trường Thuận (nguyên kế toán) và bà Trần Tú Anh (nguyên thủ quỹ).

Không chỉ thu chi, sử dụng sai quy định hàng trăm triệu đồng tiền liên kết đào tạo với các trường, Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu còn chi sai nhiều khoản khác. Thanh tra tỉnh kết luận, việc chi tăng giờ đối với ông Phùng Quốc Hưng 1,5 tiết thực hành bằng 1,5 giờ chuẩn là vượt so với quy định; Thanh toán 2 lần phụ cấp ưu đãi cho giáo viên nghỉ thai sản, trong đó lần đầu bà Trần Tú Anh không chi trả, không nhập quỹ là chiếm dụng cá nhân; Việc thanh toán công tác phí đưa ông Phùng Quốc Hưng đi công tác Cần Thơ là sai chế độ quy định; Thanh toán tiền làm thêm giờ cho 18 giáo viên để bù vào khoản tạm ứng bồi dưỡng viết tiêu chuẩn, tiêu chí là sai nguyên tắc; Thu tiền điện không phản ánh vào sổ kế toán là sai quy định (trong đó chi mua quà, chi thu nhập cho cán bộ, viên chức là sai nguyên tắc; một số chi không có chứng từ lai sai quy định…); Sử sụng kinh phí có những khoản chi không phù hợp, sai niên độ kế toán, chi sai mục đích nên chưa thanh toán được, vì vậy đến khi bàn giao quỹ thể hiện tồn tiền mặt nhưng thực tế số tiền này đã chi hết; Chi tạm ứng không thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định, việc thu hồi tạm ứng đã qua thiếu triệt để dẫn đến tiền tạm ứng chưa thu hồi được.

Bên cạnh đó, Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu còn tiếp nhận giáo viên giảng dạy không đúng thực tế. Trong đó, thời điểm còn làm Hiệu trưởng, ông Trịnh Việt Xô ký tờ trình gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu xin tiếp nhận giáo viên giảng dạy ngành mỹ thuật là ông Trần Đức Hải từ Trường Tiểu học Long Điền Đông B chuyển đến. Qua kiểm tra, ở thời điểm tiếp nhận, ông Hải chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bằng tốt nghiệp đại học ngành Hội họa (không có chứng chỉ chuyên môn sâu về Đồ họa). Và điều bất thường là tại thời điểm tiếp nhận, nhà trường đã có đến 4 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn này. Thanh tra tỉnh Bạc Liêu xác định, tờ trình của ông Trịnh Việt Xô ký phản ánh không đúng thực tế, việc tiếp nhận ông Hải là chưa cần thiết.

Ngoài ra, Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu đã không tuân thủ các quy định khi mua sắm tài sản. Thời điểm ông Phùng Quốc Hưng (Phó hiệu trưởng) sau khi nhận bàn giao phụ trách nhà trường từ ông Trịnh Việt Xô (nghỉ hưu từ tháng 8/2014), ông Hưng đã chỉ đạo mua sắm thiết bị văn phòng để phục vụ công tác giảng dạy, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục tại trường. Trong đó, tổng cộng 3 khoản mua sắm, nâng cấp, sửa chữa với số tiền trên 282,615 triệu đồng, chỉ mới thanh toán 45 triệu đồng, còn nợ trên 237,615 triệu đồng. Thanh tra tỉnh xác định, việc mua sắm tài sản, nâng cấp sửa chữa một số hạng mục tại trường không tuân thủ các quy định về mua sắm, sửa chữa là sai quy định.

Điều đáng nói là Thanh tra tỉnh chỉ đề nghị xử lý bằng hình thức giới thiệu rút kinh nghiệm đối với ông Trịnh Việt Xô; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Phùng Quốc Hưng; kiểm điểm có hình thức đối với ông Nguyễn Trường Thuận và bà Trần Tú Anh; giới thiệu rút kinh nghiệm ông Châu Quốc Thanh (Trưởng Phòng Đào tạo); đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Ban Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, trọng tâm là Giám đốc Sở (giai đoạn xảy ra những sai phạm)…

Trao đổi với PV Dân trí, người tố cáo cho rằng, việc kiến nghị xử lý của Thanh tra tỉnh đối với sai phạm của một số lãnh đạo trường là chưa nghiêm minh và liệu trong vụ việc này có sự nương tay, bao che cho sai phạm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

            H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm