"Khuất tất tại Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu": Chi “vô tội vạ” từ nhỏ đến lớn

(Dân trí) - Không chỉ thu thi, sử dụng sai hàng trăm triệu đồng tiền liên kết đào tạo với các trường, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu còn chi sai nhiều khoản khác. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh chỉ đề nghị…kiểm điểm rút kinh nghiệm với lãnh đạo trường đã gây bức xúc dư luận.

Theo kết luận của Đoàn thanh tra (Thanh tra tỉnh Bạc Liêu), ngoài sai phạm trong thu chi tiền liên kết đào tạo với các trường hàng trăm triệu đồng, việc thu chi, sử dụng kinh phí của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bạc Liêu còn nhiều sai phạm khác.

Về thu, chi kinh phí ngân sách cấp từ năm 2012 đến tháng 3/2015, tổng thực rút từ ngân sách 10,872 tỷ đồng; tổng chi 10,592 tỷ đồng, tồn quỹ là 343,454 triệu đồng. Qua kiểm tra có sai phạm như theo Quyết định 18/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2007 của Bộ GD-ĐT quy định: “Khi thanh toán tiền tăng giờ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy 1,5 tiết đến 2 tiết thực hành thì được tính bằng 1 giờ chuẩn”. Nhưng trong năm học 2012 - 2013, trường thanh toán tiền tăng giờ cho ông Phùng Quốc Hưng 1,5 tiết thực hành bằng 1,5 giờ chuẩn là vượt so với quy định, tương ứng với số tiền hơn 3,2 triệu đồng.

Trường chi thanh toán số tiền 1.199.000 đồng đưa ông Phùng Quốc Hưng (Phó hiệu trưởng) đến sân bay Cần Thơ để đi công tác Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế là chuyến đi này ông Hưng đã thanh toán toàn bộ chi phí với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.

Năm 2012, trường thanh toán tiền phụ cấp ưu đãi đối với 2 giáo viên nghỉ thai sản từ tháng 8/2012 đến tháng 11/2012 (4 tháng) với số tiền 5.985.000 đồng. Trong đó, bà N.T.H.G. là 3.306.000 đồng, bà T.T.H. là 2.948.000 đồng. Nhưng thực tế số tiền này bà Trần Tú Anh (nguyên thủ quỹ) không chi trả cho giáo viên, không nhập quỹ. Sau đó, 2 giáo viên khiếu nại, đến tháng 1/2015, trường sử dụng nguồn kinh phí năm 2015 để thanh toán số tiền 5.985.000 đồng cho trả cho 2 giáo viên.

Tháng 3/2015, trường thanh toán tiền làm thêm giờ cho 18 giáo viên chức với số tiền hơn 9 triệu đồng để bù vào khoản tiền bồi dưỡng viết tiêu chuẩn, tiêu chí năm 2010 mà đơn vị đã cho các giáo viên tạm ứng.

Về việc thu tiền điện đối với các hộ phía sau trường và khu tập thể, trước đó, theo Tổ kiểm tra của Sở VH-TT&DL, nhà trường đã cho 4 hộ dân phía sau trường sử dụng điện từ tháng 7/2009 với số tiền thu được gần 59,997 triệu đồng. Trong đó, chi trả tiền điện 10,438 triệu đồng; cán bộ, giáo viên nhà trường tạm ứng 25 triệu đồng, thủ quỹ giữ tiền mặt 15,559 triệu đồng.

Tuy nhiên, Đoàn thanh tra kiểm tra cho thấy, từ năm 2009 - 2014, nhà trường thu tiền điện chia hơi là trên 86,782 triệu đồng (chênh lệch khá lớn so với con số Tổ kiểm tra của Sở). Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2010 do bà Nguyễn Thùy Nhiêu làm thủ quỹ, thu với số tiền 6,064 triệu đồng. Theo bà Nhiêu thì số tiền này đã chi trả tiền điện nhưng chứng từ bị thất lạc. Từ tháng 3/2010 - 12/2014 do bà Trần Tú Anh làm thủ quỹ, thu với số tiền 80,718 triệu đồng. Trong đó, chi trả tiền điện 10,438 triệu đồng; chi mua cây kiểng, quà lưu niệm, chi cho cán bộ viên chức các ngày lễ 40,900 triệu đồng; chi cho ông Trịnh Việt Xô tạm ứng 3 triệu đồng (tổng cộng 54,338 triệu đồng); số còn lại 26,379 triệu đồng theo lời trình bày của bà Tú Anh đã chi hết nhưng không có chứng từ.

Tính đến ngày 3/6/2015, số dư tạm ứng 196,930 triệu đồng; trong đó cho tạm ứng sử dụng công việc chung của nhà trường nhưng chưa thanh toán số tiền 133,547 triệu đồng (chi bồi dưỡng viết tiêu chuẩn, tiêu chí 9 triệu đồng; chi mua quà Tết 2015 là 18 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Thanh - Sở VH-TT&DL mượn 10 triệu đồng; chi thanh toán tiết chủ nhiệm lớp Đại học Mỹ thuật - Âm nhạc Đồng Tháp 59,700 triệu đồng; chi tạm ứng xây dựng 20 triệu đồng; mua máy chiếu 16 triệu đồng); Nợ tạm ứng cá nhân 63,383 triệu đồng; ông Thắng mượn đóng học phí cao học 36,500 triệu đồng.

Ngoài ra, năm 2010, ông Trương Hoài Nghiêm (cán bộ trường) tạm ứng nhưng không có giấy tạm ứng với số tiền 89,418 triệu đồng. Ông Nghiêm đã chuyển công tác khác, đến nay chưa hoàn ứng.

20150122-155305-864b1
Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu với nhiều sai phạm về tài chính trong thời gian qua.

Đoàn thanh tra kết luận, việc chi tăng giờ đối với ông Phùng Quốc Hưng 1,5 tiết thực hành bằng 1,5 giờ chuẩn là vượt so với quy định; Thanh toán 2 lần phụ cấp ưu đãi cho giáo viên nghỉ thai sản, trong đó lần đầu bà Trần Tú Anh không chi trả, không nhập quỹ là chiếm dụng cá nhân; Việc thanh toán công tác phí đưa ông Phùng Quốc Hưng đi công tác Cần Thơ là sai chế độ quy định; Thanh toán tiền làm thêm giờ cho 18 giáo viên để bù vào khoản tạm ứng bồi dưỡng viết tiêu chuẩn, tiêu chí là sai nguyên tắc; Thu tiền điện không phản ánh vào sổ kế toán là sai quy định (trong đó chi mua quà, chi thu nhập cho cán bộ, viên chức là sai nguyên tắc; một số chi không có chứng từ lai sai quy định…); Sử sụng kinh phí có những khoản chi không phù hợp, sai niên độ kế toán, chi sai mục đích nên chưa thanh toán được, vì vậy đến khi bàn giao quỹ thể hiện tồn tiền mặt nhưng thực tế số tiền này đã chi hết; Chi tạm ứng không thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định, việc thu hồi tạm ứng đã qua thiếu triệt để dẫn đến tiền tạm ứng chưa thu hồi được…

Điều đáng nói, dù Đoàn thanh tra đã chỉ rõ những sai phạm về thu, chi sai nguyên tắc tài chính của tập thể cũng như lãnh đạo Trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu nhưng khi kiến nghị xử lý lại có phần “quá nhẹ” đã gây bức xúc trong người tố cáo và dư luận địa phương.

Trong đó, nhìn chung, Đoàn thanh tra chỉ đề nghị rút kinh nghiệm đối với một số lãnh đạo trường như ông Trịnh Việt Xô, ông Phùng Quốc Hưng…Giới thiệu rút kinh nghiệm ông Châu Quốc Thanh (Trưởng Phòng Đào tạo) trong việc xác nhận bảng đề nghị thanh toán tiền dạy tăng giờ đối với ông Hưng không đúng chế độ. Đoàn Thanh tra còn kiến nghị nộp lại những khoản tiền đã chi sai nguyên tắc chứ không có kiến nghị xử lý rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

H.H