Hà Nội:

Khu bãi đá sông Hồng xây dựng trái phép vẫn thoải mái nâng cấp, đặt tour

UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định khu vui chơi trên bãi đá sông Hồng không hề được cấp phép. Vậy vai trò của chính quyền ở đâu khi các công trình dịch vụ trên khu đất công càng được xây dựng khang trang và thậm chí còn được các tour du lịch tìm đến?

“Quan” phường bị che mắt?

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Tài (Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) khẳng định: Các công trình đã và đang được xây dựng ở khu vực bãi đá sông Hồng không hề được cấp phép.

Cũng theo ông Tài, các hộ dân tự ý xây dựng thuộc khu vực bãi đá gây nhức nhối từ nhiều năm nay. Nhiều đoàn thanh, kiểm tra của Sở Nông nghiệp & PTNT TP Hà Nội và UBND quận Tây Hồ đến hiện trường làm việc.

 

 Khu vui ch
 Khu vui chơi ngay tại bãi đá sông Hồng ngày càng quy mô và thu hút khách.

Mặc dù không hề được cấp phép nhưng chủ đầu tư vẫn qua mặt chính quyền và xây dựng các công trình tại bãi đá sông Hồng ngày càng nhiều hạng mục, kiên cố hơn. Trong khi đó, lời khẳng định của ông Tài là phường Nhật Tân thậm chí còn thành lập cả tổ công tác để kiểm tra, sát sao để ngăn các khu công trình được xây dựng ở khu vực bãi đá.

Ông Tài khẳng định không hề có công trình kiên cố được xây dựng ở khu vực bãi đá sông Hồng mà chỉ là những công trình tạm bợ. Khi được hỏi: Cổng chào cùng “lô – cốt” bán vé được xây án ngữ ngay trước lối vào khu vui chơi và cả hệ thống cầu, hàng rào… ở bên trong có phải là công trình kiên cố không? - ông Nguyễn Văn Tài không đưa ra bình luận mà chỉ giải thích: “Ý tôi nói là không có nhà kiên cố”. 

Khu vực bãi đá cách trụ sở UBND phường Nhật Tân gần 1km. Theo quan sát của chúng tôi, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách ra vào khu vực bãi đá. Những đoàn này thường rất dễ nhận ra đó là khách du lịch. Điều đáng nói là con ngõ trên đường Âu Cơ để đi vào bãi đá chỉ cách UBND phường Nhật Tân khoảng vài trăm mét, nhưng dường như chính quyền địa phương và cả “tổ công tác” bị che mắt không nhìn thấy.

Và tất nhiên, với món lợi lớn thu được từ khu vui chơi, cộng thêm việc “quan phường” bị “che mắt”, chẳng có lý do gì các chủ đầu tư không tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạng mục công trình để thu hút thêm nhiều khách tham quan.

Rầm rộ đặt tour, quảng cáo

Ông chủ tịch UBND phường Nhật Tân bày tỏ sự bức xúc khi các hộ dân xây dựng rồi thu lợi trên khu vực bãi đá vốn của Nhà nước quản lý. Chính quyền địa phương cũng không hề thu được một đồng ngân sách nào từ những người ngang nhiên sử dụng khu vực công cộng để thu lợi riêng cho mình.

Ông Tài cũng cho biết, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của Chi cục Quảng lý đê điều & PCLB (Sở NN&PTNT Hà Nội) và UBND quận Tây Hồ đã đến kiểm tra, lập biên bản tại hiện trường. Chẳng hiểu các cơ quan chức năng trên làm việc đến đâu nhưng hiệu quả thì hiển hiện, tình hình không những không có chuyển biến tích cực mà ngày càng phức tạp thêm.

 

 Bãi đá sông Hồng đã nằm trong ch
 Bãi đá sông Hồng đã nằm trong chương trình tour của nhiều công ty du lịch.

Chủ đầu tư hiện đang ngang nhiên quảng cáo rầm rộ khu vui chơi không phép trên tại các diễn đàn và các trang mạng xã hội. Với những lời “có cánh” về sự thơ mộng nơi đây cùng các dịch vụ chụp ảnh, cưỡi ngựa, dã ngoại… đang thu hút được rất nhiều bạn trẻ.

Từ lâu, các ảnh viện áo cưới trong các quảng cáo của mình cũng đưa khu du lịch bãi đá sông Hồng vào các địa điểm chụp ảnh. Đặc biệt, rất nhiều công ty du lịch đã chọn khu vui chơi ở bãi đá sông Hồng là một trong những điểm trên lịch trình tour.

Trong vai nhân viên công ty du lịch tìm đến khu vui chơi ở bãi đá sông Hồng để đặt tour, nhân viên ở đây chia sẻ, hiện tại có rất nhiều công ty cũng đã tìm đến đây hợp tác. Nếu hợp tác dài hạn, các công ty ở đây sẽ được giảm giá vé vào cửa và được tạo nhiều điều kiện để ăn uống, vui chơi trong khu vực bãi đá.

Hiện tại, không chỉ khách Việt mà có nhiều khách Tây cũng theo chân các hướng dẫn viên du lịch đến với khu vui chơi được xây dựng không phép một cách công khai này.

Khu vực hành lang bảo vệ đê điều đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi những công trình được dựng lên không phép. Có lẽ, sau  nhiều năm trời, tình hình vẫn không có nhiều chuyển biến, UBND phường Nhật Tân đã phải bất lực nhìn khu vui chơi ngày một quy mô hơn, nhiều khách tham quan hơn. Khi chính quyền địa phương đã bó tay, vậy vai trò của Chi cục Quản lý đê điều & Phòng chống lụt bão Hà Nội ở đâu?

PLVN sẽ tiếp tục liên hệ làm việc với cơ quan này để tìm câu trả lời.

Theo Hoàng Phan

Pháp luật Việt Nam

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm