Bài 2:

Không thể thu hồi bìa đỏ đã cấp sai, cán bộ gây thiệt hại bị xử lý thế nào?

(Dân trí) - Nhà nước không thu hồi bìa đỏ đã cấp trái pháp luật khi nó được sang tên cho người thứ 3, tuy vậy việc xử lý cán bộ gây thiệt hại do việc cấp sai bìa đỏ sẽ phải thực hiện nghiêm theo bản án của Tòa.

Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) sẽ bị Nhà nước yêu cầu thu hồi lại theo điểm d, khoản 2, điều 106 Luật đất đai năm 2013 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai... 

Không thể thu hồi bìa đỏ đã cấp sai, cán bộ gây thiệt hại bị xử lý thế nào? - 1
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

"Trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Như vậy nếu người được cấp giấy chứng nhận đã làm thủ tục chuyển quyền hợp pháp theo quy định pháp luật thì Nhà nước cũng sẽ không thu hồi giấy chứng nhận đã cấp nữa", đó là khẳng định của Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).

Điều luật này là sự cụ thể hóa Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự được quy định tại điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015.

Có một số nhận thức chưa thống nhất trong việc có thu hồi bìa đỏ hay không, khi người được cấp bìa đỏ đã lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

Nhận thức chưa thống nhất này xuất phát từ quy định tại khoản 5, điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó: Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Dù Nghị định định này hướng dẫn Luật đất đai nhưng có thể do thiếu sót trong khâu soạn thảo nên đã không đưa trường hợp người sử dụng đất tặng, cho quyền sử dụng đất vào các trường hợp Nhà nước không thu hồi bìa đỏ.

Tuy nhiên theo khái niệm Chuyển quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 10, điều 3 Luật đất đai năm 2013 đã quy định rằng: Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Theo khái niệm này thì tặng, cho quyền sử dụng đất chỉ là một trường hợp của hoạt động chuyển quyền sử dụng đất. Hay nói cách khác khái niệm chuyển quyền sử dụng đất đã bao trùm cả hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, theo Nguyên tắc áp dụng pháp luật khoản 2 điều Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã nêu: "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn."

Trên thực tế vì sự thiếu sót trên khiến hoạt động áp dụng pháp luật tại cơ quan hành chính và hoạt tố tụng tại Tòa án gặp không ít khó khăn vì nhận thức pháp luật về nội dung này có những ý kiến trái chiều nhau.

Sự khắc phục kịp thời tại Nghị định 148/2020/-CP.

Để khắc phục những thiếu sót đó, chấm dứt tình trạng phải vận dụng, giải thích nhiều trong hoạt động áp dụng pháp luật, ngày 18 tháng 12 năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Với nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 87 như sau:

Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật, trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai, nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai".