Không thể coi thường việc rèn chữ viết

(Dân trí) - Người xưa đã từng khái quát nhận định về mối liên hệ giữa nét chữ với tính cách, tâm hồn con người qua câu: “Nét chữ nết người”. Quả thực, nhìn nét chữ viết có thể phần nào phỏng đoán được tính cách, tâm hồn của chủ nhân những nét chữ ấy.

Ý thức rèn luyện
 
Chỉ cần thoáng qua nét chữ là có thể nhận biết được người viết có tính cẩu thả, đại khái hay cẩn thận, chu đáo. Chữ viết của một người thường được rèn luyện và định hình trong những năm tháng học tập trong môi trường học đường. Vậy mà, hiện nay tỷ lệ học sinh viết chữ xấu đang có chiều hướng ngày càng tăng. Điều đáng quan tâm là, càng lên những cấp học cao hơn, càng có nhiều học sinh viết chữ xấu.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Qua tìm hiểu được biết, so với học sinh tiểu học, học sinh cấp THCS và THPT có tỷ lệ viết chữ xấu cao hơn nhiều lần. Những nét chữ chân phương, thẳng hàng, ngay ngắn, đúng chuẩn chính tả đang dần mất đi và thay vào đó là những nét chữ cẩu thả, thiếu nét với rất nhiều lỗi sai về chính tả.
 
Thực tế đáng buồn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

 

Trong thời hiện đại, trước sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, thay vì phải viết tay những văn bản, lá đơn, lá thư…, ngày nay con người đã có sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật như: máy vi tính, điện thoại di động…  nên xuất hiện tâm lý xem nhẹ việc rèn luyện nét chữ.

Viết chữ xấu hay đẹp phụ thuộc nhiều vào quá trình uốn nắn, rèn luyện cũng như tính cẩn thận của mỗi người, nhất là thói quen luyện viết trong thời gian học tập. Tuy nhiên, không ít bậc làm cha, làm mẹ và cả một số giáo viên hiện nay chỉ chú trọng đi sâu vào trang bị hệ thống kiến thức các môn học mà chưa thực sự chuyên tâm coi trọng việc rèn luyện chữ viết.

Điều kiện kinh tế được cải thiện, việc các gia đình đầu tư cho con một dàn máy vi tính để phục vụ cho việc học đã không còn là một việc khó khăn. Do quá lạm dụng vào công nghệ, ngay từ bậc tiểu học, trẻ đã sử dụng máy vi tính để đánh chữ nên dẫn tới việc nhiều học sinh ngày  nay chỉ thích ngồi máy tính và gõ bàn phím thay vì phải để ý trau chuốt chữ viết hàng ngày.

Ở đây, ý thức rèn chữ viết của bản thân từng học sinh đóng vai trò hết sức quan trọng. Có những em khi mới học những năm đầu của cấp tiểu học, chữ viết rất đẹp nhưng càng lớn lên, học những lớp cao hơn thì chữ viết càng xấu dần do viết nhanh, viết vội và chây lười trong việc rèn chữ, lâu dần trở thành thói quen khó sửa. Thậm chí có không ít học sinh hiện nay không còn mấy quan tâm đến chữ viết của mình đẹp hay xấu. Nhiều em còn quan niệm: học cho thật giỏi mới là điều quan trọng, chữ đẹp hay xấu không thành vấn đề?!
 
 Hàng năm, ngành giáo dục và các nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc thi vở sạch, chữ đẹp. Đây là việc làm cần thiết để khuyến khích học sinh tích cực trau dồi nét chữ của mình. Mặc dầu vậy, phạm vi tổ chức thường mới chỉ dừng lại ở cấp tiểu học nên mức độ lan tỏa, tác động chưa cao.
 
Cây bút truyền thống

 

Từ vài thập niên trở lại đây, việc học sinh ở tất cả các cấp học phổ thông ở nước ta sử dụng cây bút bi thay cho các loại bút máy thông thường đã trở nên phổ biến. Những cây bút máy ngòi “lá tre” có nét thanh, nét đậm kèm theo lọ mực tím trước đây đã không còn được nhiều học sinh ưa chuộng, sử dụng.

Sự ra đời của cây bút bi là một tiến bộ về công nghệ bởi những tiện ích về mặt sử dụng. Mặc dầu vậy, theo ý kiến của nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh thì sử dụng cây bút bi thường xuyên trong học tập hàng ngày là một bước thụt lùi trong việc viết chữ đẹp của học sinh.

Nét chữ của các em đã mất đi dáng vẻ mềm mại, chân phương so với trước đây. Các em cũng chỉ viết được một kiểu chữ nét đều, không viết được kiểu chữ có nét thanh, nét đậm. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều em học sinh khi đi dự thi các cuộc thi viết chữ đẹp xem việc sử dụng cây bút máy “truyền thống” là lựa chọn số một.

 

Không thể coi thường việc rèn chữ viết - 1
Nhiều học sinh hiện nay không còn chú trọng nhiều tới việc rèn luyện nét chữ

 

Nếu như thống kê, so sánh về khả năng viết chữ đẹp của học sinh vùng đồng bằng, thành phố và miền núi, vùng sâu thì có thể nhận thấy, tỷ lệ học sinh viết chữ đẹp ở các vùng đồng bằng, thành phố cao hơn. Ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, việc vận động học sinh đến lớp còn gặp nhiều khó khăn nên việc rèn luyện chữ viết cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức.

Mặt khác, các phương tiện và đồ dùng dạy học cần thiết, tối thiểu như: bảng, bàn ghế, giấy, bút, mẫu chữ tập viết của những trường ở các địa bàn này còn nhiều thiếu thốn và phần lớn là chưa đạt quy chuẩn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của việc dạy và học viết cũng như khả năng rèn luyện chữ viết của học sinh.
 
Dấu ấn người thầy

Trong bộ môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học, việc viết mẫu chữ của giáo viên là một phương pháp dạy học trực quan đã được áp dụng bấy lâu nay trong các nhà trường. Từ việc quan sát giáo viên viết chữ mẫu, học sinh nắm được cấu tạo của các nét chữ, nắm được quy trình viết từng chữ cái và thực hành bắt chước viết theo. Nét chữ của giáo viên thường để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí học sinh.

Một giáo viên có chữ viết đẹp sẽ có thể có nhiều học trò viết chữ đẹp và ngược lại. Chữ viết đẹp vì thế trở thành một phẩm chất chuyên môn cần có của người giáo viên, nhất là ở bậc tiểu học. Hiện nay, không phải giáo viên nào cũng có nét chữ đẹp, đúng quy chuẩn. Trong khâu tuyển dụng giáo viên, chữ viết của giáo viên cũng chưa được xem là một tiêu chí cần phải tính đến. Khi mà chữ viết của giáo viên chưa đẹp, chưa đúng quy chuẩn thì rất khó có thể đặt ra yêu cầu viết chữ đẹp đối với học sinh.

Muốn học sinh có chữ viết đẹp, gia đình và nhà trường cần quan tâm, chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện chữ viết của học sinh ở trên lớp và ở nhà.
 
Hiện nay, có một số bậc phụ huynh có con học tiểu học sẵn sàng chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm gia sư rèn chữ tại nhà hay gửi con đến các trung tâm luyện viết chữ đẹp.  Tuy nhiên, khi con học lên ở cấp cao hơn thì lại không còn mấy quan tâm để ý đến việc rèn luyện chữ viết của con.
 
Thực tế cho thấy, quá trình rèn chữ viết của học sinh phải diễn ra liên tục, đều khắp ở các cấp học mới mong phát huy hiệu quả. Đối với mỗi học sinh, muốn viết chữ đẹp trước hết phải khổ luyện. Luyện viết chữ, thường xuyên trau dồi nét chữ còn là một công việc góp phần rèn luyện đức tính kiên nhẫn và ý chí của bản thân.   

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Ngày nay, dù máy tính xách tay đã trở nên khá phổ biến, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn cần ghi chép và viết bằng tay. Thật khó chấp nhận một học sinh tốt nghiệp THPT, nhất là tốt nghiệp đại học mà chữ viết nguệch ngoạc, còn sai nhiều lỗi chính tả. Tiếc rằng những trường hợp như vậy không phải là hiếm.

Bài viết trên đây đã nêu lên những nguyên nhân làm cho học sinh càng học lên cao thì chữ viết càng xấu, trước hết phải nói đến ý thức rèn chữ viết của bản thân học sinh cũng như sự thiếu quan tâm của cha mẹ các em và thầy cô giáo. Cho nên muốn khắc phục tình trạng này, cần có sự quan tâm của cả nhà trường, gia đình và bản thân mỗi em học sinh phải kiên trì rèn luyện chữ viết, lâu dần trở thành thói quen cẩn thận và đức tính kiên nhẫn của các em. Vì vậy, việc rèn chữ ngoài mục tiêu trực tiếp là để có chữ đẹp, còn có ý nghĩa giáo dục tính cách con người.