Ba phút cùng luật sư:
Không phải tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có quyền cho vay không?
(Dân trí) - Dù không phải tổ chức tín dụng nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể cho vay để giải quyết công nợ trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, các hoạt động vay nợ này không được thanh toán bằng tiền mặt.
Nhiều người thường nhầm tưởng chỉ có các tổ chức tín dụng mới được phép cho vay, nhưng thực ra các doanh nghiệp khác cũng có quyền cho vay để giải quyết các công nợ, hỗ trợ đối tác… Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn kỹ hơn về các hình thức mà doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng được phép cho vay.
Thưa luật sư, một bạn đọc thắc mắc như sau: “Công ty tôi không phải là tổ chức tín dụng nhưng vừa qua có một đối tác cần vốn để kinh doanh và công ty tôi có một khoản tiền nhàn rỗi để hỗ trợ doanh nghiệp này. Họ muốn vay tiền của công ty tôi. Vậy chúng tôi có quyền cho vay không?”
Theo Điều 4 Thông tư 09 năm 2015 của Bộ Tài chính thì: “1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.”
Như vậy, doanh nghiệp của bạn được quyền cho doanh nghiệp khác vay tiền.
Vậy doanh nghiệp có được quyền dùng tiền mặt làm hình thức thanh toán khi cho vay không, thưa ông?
Như đã viện dẫn ở trên thì hình thức thanh toán khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau phải theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 09 năm 2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể đó là, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Các doanh nghiệp phải sử dụng các hình thức trên mới hợp lệ và không được đưa tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch vay tiền.
Mặt khác, tiền lãi vay cũng được hạch toán kế toán theo thông tư số 26/2015 và 219/2013 của Bộ Tài chính.
Như vậy, doanh nghiệp của bạn được quyền cho doanh nghiệp khác vay tiền, nhưng việc cho vay này là không phải hoạt động kinh doanh, đây là hoạt động cho vay riêng lẻ và không cung ứng thường xuyên như một tổ chức tín dụng.
Theo quy định hiện nay thì lãi suất vay được quy định như thế nào, thưa luật sư?
Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)