Không nên tạo ra sự phân tâm đối với giáo viên!

Sách giáo khoa (SGK) xưa nay đều là căn cứ quan trọng nhất, là tài liệu chuẩn về kiến thức, có tính cơ bản nhất trong công việc dạy và học. Vậy mà tài liệu mới đây của Bộ GD-ĐT lại khuyên giáo viên “không nên quá lệ thuộc vào SGK”!

Trước đây, trong quá trình giảng dạy, giáo viên (GV) chủ yếu dựa vào sách giáo khoa-sách giáo viên (SGK-SGV) và Chương trình giáo dục (Chuẩn kiến thức-kĩ năng) do Bộ GD-ĐT ban hành. Còn tài liệu tham khảo thì rất phong phú, mỗi GV có sự lựa chọn riêng. Từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT phát hành cuốn tài liệu “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” cho tất cả các môn học. Môn Ngữ văn THPT có 3 cuốn dành cho 3 lớp.

Cấu trúc mỗi cuốn đều có hai phần: “Giới thiệu chung về chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông” (được in lại ở tất cả các tài liệu của các môn) và “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng”.
Không nên tạo ra sự phân tâm đối với giáo viên! - 1
Đến giáo viên còn phân vân việc "không quá lệ thuộc vào SGK" là như thế nào?

 
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Phần “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” gồm 2 phần: “Khái quát về các chủ đề”, thực chất là in lại nội dung “Chuẩn kiến thức kĩ năng của môn học” do Bộ GD-ĐT ban hành, đã có trong văn bản trước đó (Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006); và “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” hết sức vắn tắt, chỉ là tóm tắt lại SGV.

Về kiến thức, cuốn tài liệu có nhiều sai sót đáng tiếc.

Khi hướng dẫn bài “Tổng quan nền văn học Việt Nam” của chương trình Ngữ văn 10 Nâng cao (trang 108), các tác giả tài liệu đã bê luôn phần “Mức độ cần đạt” của bài này trong chương trình Chuẩn (trang 23). Trong hai cuốn SGK (Chuẩn và Nâng cao), hai bài này cấu trúc, nội dung nhiều điểm khác biệt.  

Các tác giả tài liệu đã hướng dẫn về nội dung (trong bài của chương trình Nâng cao): “Văn học Việt Nam thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm chính trị, văn hoá, đạo đức, thẩm mĩ của người Việt Nam trong nhiều mối quan hệ: quan hệ với thế giới tự nhiên, quan hệ với quốc gia dân tộc, quan hệ xã hội và ý thức về bản thân” (tr.109). Nhưng trong SGK Ngữ văn 10 Nâng cao không có kiến thức này, mà thuộc mục III trong SGK chương trình Chuẩn.

Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức bài “Phú sông Bạch Đằng”, tài liệu viết: “Hoàn cảnh ra đời: khi vương triều Trần đang có biểu hiện suy thoái, cần phải nhìn lại quá khứ anh hùng để củng cố niềm tin trong hiện tại” (trang 64). Trong khi SGK Ngữ văn 10, tập 2 viết: “Chưa rõ bài phú ra đời năm nào, có lẽ vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông-Nguyên thắng lợi” (trang 3).

Không hiểu tác giả tài liệu dựa vào đâu mà khẳng định tác phẩm được viết ra “khi vương triều Trần đang có biểu hiện suy thoái” rồi suy diễn “cần phải nhìn lại quá khứ anh hùng để củng cố niềm tin trong hiện tại”? Nếu theo số liệu khoảng 50 năm sau chiến thắng của SGK, thì cũng không phải là thời kì nhà Trần suy thoái.

Mặt khác, chúng ta đều biết hầu hết những tác phẩm nghệ thuật đích thực thường không ra đời theo yêu cầu chính trị “cần” thế này thế kia mà do xuất phát từ cảm hứng sáng tạo tự thân của nghệ sĩ. Suy diễn như vậy là không hiểu về bản chất sáng tạo nghệ thuật.         
 
Và còn rất nhiều sai sót, nhầm lẫn khác nữa…

Mục đích viết tài liệu là: “Tài liệu “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” được biên soạn theo hướng chi tiết hóa các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kĩ năng của Chuẩn kiến thức, kĩ năng bằng các nội dung chọn lọc trong SGK”.              

Đặc biệt, trong phần thứ nhất, tài liệu nêu rõ yêu cầu đối với GV: “Bám sát Chuẩn kiến thức, kĩ năng để thiết kế bài giảng, với mục tiêu là đạt được các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kĩ năng, dạy không quá tải và không quá lệ thuộc vào SGK”.

Bộ GD-ĐT yêu cầu GV bám sát “Chuẩn kiến thức-kĩ năng”, “không quá lệ thuộc vào SGK”. Vậy thế nào là “quá lệ thuộc vào SGK”, trong khi Luật Giáo dục 2005 đã quy định “Yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa ở giáo dục phổ thông” (khoản 3, điều 6).

Nghĩa là SGK chính là sự cụ thể hoá Chương trình giáo dục (hay Chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học). SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, do các chuyên gia đầu ngành chấp bút, là tài liệu chuẩn, bắt buộc đối với mọi học sinh. Nay Bộ GD-ĐT yêu cầu GV không “quá lệ thuộc vào SGK” (mà phải “bám sát Chuẩn kiến thức, kĩ năng”), thật khó hiểu.         

Đọc “Chuẩn kiến thức, kĩ năng” môn Ngữ văn do Bộ GD-ĐT ban hành, điều dễ nhận thấy là sự cô đúc đến mức tối đa.

Chẳng hạn mục “Thơ trung đại Việt Nam” yêu cầu: - Hiểu những đặc sắc về nội dung và giá trị nghệ thuật của các tác phẩm thơ trung đại (“Thuật hoài” -Phạm Ngũ Lão; “Bảo kính cảnh giới, số 43” - Nguyễn Trãi; “Nhàn” Nguyễn Bỉnh Khiêm; Độc "Tiểu Thanh kí" - Nguyễn Du; các bài đọc thêm: “Quốc tộ” - Đỗ Pháp Thuận; “Cáo tật thị chúng” - Mãn Giác; “Quy hứng” - Nguyễn Trung Ngạn): lí tưởng và nhân sinh quan của con người thời trung đại, tâm sự về số phận con người và thời cuộc; cách sử dụng sáng tạo thể thơ Đường luật và cách thể hiện cảm xúc trữ tình.

- Hiểu một vài đặc điểm cơ bản của thơ trữ tình trung đại Việt Nam.

- Biết cách đọc - hiểu tác phẩm thơ trữ tình trung đại theo đặc trưng thể loại”.

 
Nếu GV buộc phải “bám sát” vào Chuẩn đó để tự thiết kế bài giảng, thì trong đội ngũ GV hiện nay, số người làm được không nhiều, nếu không nói là chỉ đếm được trên đầu ngón tay. SGK hiện nay cũng đã biên soạn theo tinh thần cơ bản, tinh giản để học sinh có thể tự học. Nay lại yêu cầu GV không lệ thuộc SGK để tránh dạy quá tải thì quả là GV không biết dựa vào đâu!

Theo chúng tôi, kiến thức trong SGK là những yêu cầu tối thiểu, cơ bản mà mọi học sinh phải nắm được. Mỗi GV có trách nhiệm hướng dẫn học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức trong SGK. SGK là tài liệu chuẩn về kiến thức, là căn cứ quan trọng, cơ bản nhất trong công tác dạy học. Ngoài ra, tuỳ theo điều kiện cụ thể, GV có thể mở rộng, đào sâu, nâng cao kiến thức, kĩ năng cho học sinh. Nâng cao kiến thức, sáng tạo trong học tập là vô cùng. Đây là điều hết sức đáng khuyến khích.

Mặt khác, ở bậc THPT nếu GV chỉ dừng lại ở việc trình bày những kiến thức đơn giản, tối thiểu (mà HS dễ dàng tự học) thì dễ gây hiện tượng nhàm chán, chủ quan ở học sinh.

Thế nhưng Bộ GD-ĐT lại cứ luôn nhắc nhở GV chú ý “bám sát” chuẩn kiến thức (kiến thức tối thiểu) để tránh dạy “quá tải”. Mặc dù khái niệm “quá tải” không được diễn giải một cách rõ ràng. Làm thế có khác gì kìm hãm sự nỗ lực, sáng tạo, vươn tới tầm cao tri thức của GV và học sinh.

Thực tiễn dạy học cho thấy, nhiều khi để trình bày một nguyên lí đơn giản, GV phải vận dụng kiến thức Đông Tây kim cổ. Còn nếu trình bày vấn đề một cách quá vắn tắt, sơ lược thì chẳng khác gì đánh đố người học, và mới gây nên hiện tượng “quá tải” (tạm hiểu là học quá sức, học không hiểu, không tiêu hoá được kiến thức).          

Ngoài SGK, có tài liệu SGV đi kèm. SGV do chính các tác giả SGK viết, bám sát các yêu cầu trong SGK, có hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp từng bài. Với trình độ của mình, trên cơ sở SGK-SGV, bất cứ GV nào cũng có thể lựa chọn được những kiến thức cần thiết để truyền thụ, hướng dẫn học sinh. Vì vậy, việc biên soạn thêm một bộ tài liệu như cuốn “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” là không cần thiết, gây lãng phí lớn.

Mặt khác, cần có quan niệm đúng về vai trò của SGK đối với GV và học sinh, cũng như cần làm rõ hiện tượng “lệ thuộc SGK” và “quá tải” trong dạy học.  

   

                                     Trần Quang Đại

                                           Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây của một thầy giáo dạy môn ngữ văn lâu năm ở bậc THPT thể hiện đúng tâm trạng và suy nghĩ của một giáo viên có trách nhiệm với nghề. Không biết việc biên soạn và phát hành cuốn tài liệu “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng” coi như là một tài liệu “hướng dẫn hành nghề” đối với mọi giáo viên có cần thiết và có thực sự hữu ích hay không?

Những ý kiến đóng góp của tác giả bài viết nói trên là có căn cứ. Muốn thực hiện tốt những chuẩn kiến thức mà lại khuyên giáo viên không nên quá lệ thuộc vào sách giáo khoa thì vô hình trung đã khẳng định sách giáo khoa không thể hiện những kiến thức chuẩn hay sao. Khái niệm “quá tải” được đề cập trong “tài liệu chuẩn” này cũng còn mơ hồ.

Thiết nghĩ đối với giáo viên, trên cơ sở giáo khoa và sách giáo viên, mỗi người có thể tự tìm lấy những tài liệu tham khảo thích hợp để làm cho bài giảng hấp dẫn và lý thú hơn đối với cả thầy và trò. Nếu được như vậy thì giờ học sẽ trôi qua rất nhanh, cả thầy và trò đều không thấy “quá tải”.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm