Không để cảnh nhếch nhác chờ nhận tiền chấm thi!
(Dân trí) - Mỗi năm có 2 đợt chấm thi quan trọng mà các Sở GD&ĐT thường phải điều động một số lượng giáo viên khá lớn ở nhiều trường, từ nhiều vùng, miền trong tỉnh. Đó là đợt chấm thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT và đợt chấm thi tuyển sinh vào lớp 10.
Do số lượng bài thi lớn, tính chất của các kỳ thi rất quan trọng nên Sở đều có yêu cầu các giám thị phải thực hiện đúng quy trình chấm, chấp hành đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Hầu hết các giám thị đều nỗ lực thực hiện đúng nội quy, quy chế và làm đúng quy trình chấm thi.
Do tính chất căng thẳng của công việc và để phù hợp với thời giá hiện nay, chế độ thù lao cho giám khảo bao gồm cả tiền chấm thi và tiền lưu trú đã được cải thiện ít nhiều. Tuy nhiên, trong khi chế độ chấm thi tăng lên đáng kể so với các năm trước thì các giám khảo lại không mấy mặn mà, hào hứng, phấn khởi khi cầm trên tay những đồng tiền do chính mồ hôi, công sức của mình bỏ ra. Vì sao lại có sự bất thường như vậy?
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Có tình trạng trên là do nhiều vị giám khảo do nhận thấy công việc đã hoàn tất, cứ ngỡ là được thanh toán "chế độ" ngay nên đã trả phòng khách sạn, nhà nghỉ trong khi số tiền dắt lưng mang theo đã tiêu gần hết. Sau một thời gian khá dài làm việc trong sức ép căng thẳng, tâm lý chung của mọi người là muốn trở về ngay với mái ấm của mình. Sự chờ đợi đã làm gia tăng cảm giác mệt mỏi xen lẫn buồn bực.
Bên cạnh đó là cách thức chi trả tiền chế độ chấm thi của những người có trách nhiệm lo công tác “hậu cần”. Để nhận được tiền, giám khảo phải chờ đợi kế toán, thủ quỹ thực hiện nhiều công đoạn khá rườm rà mà theo cách lý giải của họ là để đảm bảo thủ tục tài chính. Hầu như tiền chỉ được “tập kết” tại điểm chấm vào giờ G, nghĩa là ngay sát giờ giám khảo được nhận tiền.
Khi tiền đã về đến điểm chấm, giám khảo cũng chưa được nhận tiền ngay mà phải tiếp tục trải qua một số công đoạn nữa. Một tình trạng đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay là cảnh chen lấn xếp hàng, vòng trong, vòng ngoài. Nhất là những người ở xa, ai cũng muốn mình được nhận chế độ sớm để còn kịp chuyến xe chiều. Và thế là không ít người đã “tiếng nặng, tiếng nhẹ” với nhau.
Đó là chưa kể đến việc tiền công tác phí, lưu trú của giáo viên không hiểu vì lý do gì thường bị “ngâm” trong một khoảng thời gian dài, có khi là đến 5, 6 tháng mới được nhà trường chi trả cho giáo viên. Khi thắc mắc thì giáo viên chỉ nhận được lời giải thích qua loa, đại khái của những người có trách nhiệm: “Để đảm bảo thủ tục tài chính theo quy định chung”, tạo ra tâm lý ức chế không đáng có.
Để không còn tái diễn tình trạng trên trong các đợt chấm thi tới, những người có trách nhiệm cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Theo đó, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để kinh phí chấm thi có thể được nhận về điểm chấm từ đầu đợt chấm thi.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
Trong quá trình các giám khảo đang chấm thi, bộ phận lãnh đạo điểm chấm, kế toán, thủ quỹ phối hợp tính toán cụ thể số tiền mà mỗi giám khảo được nhận theo dự kiến tiến độ chấm thi. Tiền sau đó có thể được chuyển về các tổ chấm. Tổ trưởng tổ chấm thi của từng môn có trách nhiệm phát chế độ và giám khảo lần lượt kí nhận theo đúng thủ tục quy định.
Việc trả chế độ cho giám khảo cần được tiến hành nhanh chóng, tốt nhất là ngay sau đợt chấm, trong buổi họp tổng kết rút kinh nghiệm của từng tổ chấm. Tiền công tác phí, lưu trú của giám khảo cũng cần được thanh toán ngay sau khi các đợt chấm thi kết thúc, tránh dây dưa, kéo dài.
Bên cạnh đó, để tránh những dị nghị hiểu lầm không đáng có, lãnh đạo phụ trách điểm chấm cần giải thích rõ ràng, công khai về chế độ thù lao, lưu trú mà mỗi giám khảo được nhận theo đúng quy định. Làm được như vậy, công việc “hậu cần” sau mỗi đợt chấm thi sẽ trở nên nhẹ nhàng, nhanh gọn hơn nhiều. Đồng thời động viên kịp thời, tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm cho giám khảo sau một quá trình làm việc căng thẳng.
Bùi Minh Tuấn
(Nghệ An)
LTS Dân trí - Làm nhiệm vụ chấm thi trong những ngày hè nóng bức là một công việc vất vả, cần đãi ngộ thỏa đáng và kịp thời đối với những giáo viên có đủ tín nhiệm được điều động tham gia chấm thi. Đáng tiếc là việc thực hiện chế độ bồi dưỡng xảy ra những điều đáng chê trách như bài viết trên đây đã phản ánh.
Mong rằng các Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Tài Chính thống nhất chế độ chung và chỉ đạo các Hội đồng chấm thi cũng như các trường thanh tóan nhanh gọn và đúng chế độ cho mọi giáo viên được điều động tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển học sinh vào lớp 10 hằng năm.