Không có cơ sở kết luận cán bộ dùng bằng giả

(Dân trí) – Liên quan đến một số nội dung tố cáo ông Bẩy, Thanh tra Chính phủ từng có thông báo số 2066/TB-TTCP công bố kết quả xác minh hồ sơ cán bộ của ông B. Để rộng đường dư luận, Báo Dân trí thông tin đến bạn đọc nội dung này.

Ngày 16/7/2013, PV Dân trí đã có buổi xác minh tài liệu tại Thanh tra Chính phủ. Theo đó, ngày 16/7/2010, ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký văn bản số 2066/TB-TTCP thông báo kết quả xác minh hồ sơ cán bộ của ông Lê Sỹ Bẩy.

Thông báo trên nêu rõ: Thời gian qua, tại cơ quan Thanh tra Chính phủ có một số thông tin tố cáo ông Lê Sỹ Bẩy hiện là Phó Vụ trưởng Vụ I, với nội dung: Ông Lê Sỹ Bẩy không có bằng lớp 10; không học hành gì, dùng tiền mua bằng Cao đẳng Ngân hàng; Bằng tốt nghiệp đại học không hợp pháp; trước khi vào cơ quan Thanh tra Nhà nước là người buôn bán tại chợ trời Hà Nội, được hợp thức hóa lý lịch bản thân qua một Công ty rồi chạy chọt về cơ quan Thanh tra từ năm 1993; năm 2009 được cử đi thi nâng ngạch Thanh tra viên cao cấp là hoàn toàn vô lý, vi phạm quy định, điều kiện về mức lương và năm công tác; việc nâng lương sai nguyên tắc, tùy tiện...
 
Thông báo kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ do ông Mai Quốc Bình ký
Thông báo kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ do ông Mai Quốc Bình ký
Thông báo kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ do ông Mai Quốc Bình ký

Căn cứ báo cáo kết quả xác minh ngày 10/7/2010 của tổ kiểm tra theo quyết định số 779/QĐ-TTCP ngày 14/4/2010 của Tổng Thanh tra tại cuộc Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ ngày 28/6/2010, kết quả kiểm tra cho thấy:

Việc cấp bằng tốt nghiệp PTTH (lớp 10), bằng Cao đẳng Ngân hàng và bằng Đại học Ngân hàng của ông Lê Sỹ Bẩy là căn cứ kết quả học tập tại các trường và căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước; Ý kiến nêu ông Lê Sỹ Bẩy không có bằng lớp 10, không học hành gì, dùng tiền mua bằng cao đẳng Ngân hàng; Bằng tốt nghiệp Đại học không hợp pháp là không có cơ sở.

Việc ông Lê Sỹ Bẩy đang được cử đi học cao cấp chính trị; đại học Ngân hàng nhưng lãnh đạo cơ quan lại quyết định cử đi tham gia làm trưởng, phó các đoàn thanh tra; trách nhiệm thuộc lãnh đạo Vụ I tại thời điểm đó trong việc tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Nhà nước quyết định cử ông Lê Sỹ Bẩy tham gia đoàn thanh tra.

Trước khi về Thanh tra Nhà nước, ông Lê Sỹ Bẩy là cán bộ của Công ty Thực nghiệm xây lắp và vật liệu xây dựng Hà Nội được tiếp nhận về công tác tại Vụ I Thanh tra Nhà nước theo đúng trình tự, quy định. Ý kiến nêu trước khi vào cơ quan Thanh tra Nhà nước (Thanh tra Chính phủ), ông Bẩy là người buôn bán tại “chợ trời”- Hà Nội, được hợp thức hóa lý lịch bản thân qua một Công ty rồi chạy chọt về cơ quan Thanh tra từ năm 1993 là không có cơ sở.

Việc thi nâng ngạch Thanh tra viên chính, thời điểm 2000-2001 ông Lê Sỹ Bẩy chưa đủ điều kiện dự thi theo quy định tại Quyết định số 818/TTCP-VP ngày 21/10/1993 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và công văn số 519/BTCCBCP-CCVC ngày 10/11/2000 của Bộ Nội vụ hướng dẫn sơ tuyển thi nâng ngạch công chức, nhưng vẫn được Hội đồng thi nâng ngạch cơ quan xét duyệt đồng ý cho phép được thi, là không đúng; trách nhiệm này thuộc về Hội đồng thi nâng ngạch cơ quan Thanh tra Nhà nước năm 2000.

Việc thi nâng ngạch Thanh tra viên cao cấp năm 2009, ông Bẩy chưa đủ điều kiện về bậc lương theo quy định (hệ số 5,42) là có sự vận dụng của Thanh tra Chính phủ và sự chấp thuận của Bộ Nội vụ (cùng với nhiều trường hợp khác) khi đủ điều kiện về lương mới bổ nhiệm; Ý kiến nêu việc ông Lê Sỹ Bẩy được cử đi thi Thanh tra viên cao cấp là hoàn toàn vô lý, vi phạm quy định, điều kiện về mức lương và năm công tác; việc nâng lương sai nguyên tắc, tùy tiện... là không đúng và không có cơ sở.

Quyết định bổ nhiệm Thanh tra viên chính của ông Lê Sỹ Bẩy
Quyết định bổ nhiệm Thanh tra viên chính của ông Lê Sỹ Bẩy

Căn cứ kết quả kiểm tra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ yêu cầu: Lãnh đạo, Chi ủy Vụ I thông báo kết quả kiểm tra đến cán bộ, công chức, đảng viên trong Vụ, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng chính trị; làm tốt công tác phê bình và tự phê bình; đảm bảo đoàn kết nội bộ.

Lãnh đạo Vụ I trước tiên là đồng chí Vụ trưởng Vụ I phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ trong công tác quản lý cán bộ, công chức.

Giao Vụ Tổ chức cán bộ đôn đốc thực việc thực hiện và báo cáo kết quả với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.


 
Ban Bạn đọc