Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên, ĐH Bách khoa TPHCM:

Không chấp nhận SV kỹ thuật “lè phè”!

(Dân trí) - Trường ĐH Bách khoa TPHCM vừa công bố bản nội quy học đường yêu cầu cán bộ, viên chức, sinh viên và cả khách liên hệ công tác... phải thực hiện. Trong đó, những quy định rất chi tiết về trang phục SV khi vào trường đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi.

Bản nội quy học đường quy định trang phục thường ngày của sinh viên (SV) nam là: quần tây, áo sơ mi (bỏ áo vào quần), giày da hoặc giày bít có quai hậu và thắt lưng màu tối; không được mặc quần lửng, áo thun không cổ (ngoại trừ đồng phục thể dục), dép lê; hạn chế mặc quần chất liệu jean và nhung.  

Với SV nữ, trang phục hàng ngày là áo sơ mi, quần tây hoặc váy (váy dài quá gối), giày bít chân hoặc có quai hậu; không được mặc quần lửng, quần đáy trễ, áo thun không cổ (ngoại trừ đồng phục thể dục), áo dây, áo ống, áo sát nách, áo lửng, dép lên, dép cao gót; hạn chế mặc quần chất liệu jean và nhung.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ngoài ra, đầu tóc của SV phải đảm bảo: gọn gàng, không cạo trọc (trừ các SV là nhà sư), không nhuộm tóc thời trang (so với tóc thật của bản thân).  

Thảo, một SV nữ năm cuối khoa Hóa cho biết bạn khá đồng tình với quy định mới vì “muốn có một môi trường học tập tốt, lịch sự”. Song phần lớn những SV nữ cùng lớp Thảo phản đối bản nội quy mới vì những quy định quá chi ly, nhiều khi làm họ không thoải mái. Rồi nhiều khi SV phải ở lại trường cả ngày nên không thể mặc quần áo nghiêm túc quá.  

Trong khi đó, các nam SV tỏ ra khá thoải mái với chuyện trang phục. Thạch, SV năm cuối khoa Vật liệu, cho biết bạn sẵn sàng thực hiện nội quy. Tuy nhiên, cậu SV này cũng tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của những quy định quá chi tiết này. 

Trước những ý kiến trái chiều của SV, ngày 26/2 chúng tôi tìm gặp Thạc sĩ Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị SV, người trực tiếp bổ sung những quy định chi tiết vào bản nội quy học đường của ĐH Bách khoa TPHCM để tìm hiểu ý kiến của nhà trường.

Thưa ông, xuất phát từ lí do nào để nhà trường bổ sung những quy định khá chi tiết về trang phục và đầu tóc cho SV và cả cán bộ, viên chức như vậy?

Bản nội quy cũ yêu cầu SV ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng. Nhưng 1-2 năm gần đây, một bộ phận SV có biểu hiện rất “lè phè”. Nhà trường có vận động các em mặc đồng phục trường Bách khoa. Không hiểu nghĩ gì mà các em vẫn ăn mặc hở hang. Thầy cô giáo trong trường rất khó chịu. Bao nhiêu lần, lực lượng giám thị rồi thầy cô nhắc nhở nhưng không có quy định cụ thể nên các em không thực hiện. Còn nhuộm tóc ở đây, nhà trường muốn nói là nhuộm tóc thời trang như 3 cọng đỏ, 4 cọng vàng, giữa có mấy cọng trắng.

Tôi không chấp nhận chuyện người ta nói dân kỹ thuật lè phè. Dân kỹ thuật phải đi đầu về giờ giấc, kỷ luật. Nếu sau này SV ra trường làm trưởng ca một dây chuyền công nghệ thì anh ta sẽ phải lãnh hậu quả trong trường hợp xảy ra tai nạn do tình cẩu thả của mình. Quy định này thật ra cũng để giúp SV tự rèn mình vào nề nếp.

Nhà trường có nghiên cứu kỹ về tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của SV trước khi đề ra những quy định chi tiết về trang phục hay không? 

Tôi có hỏi ý kiến ban giám hiệu, thầy cô giáo và SV, cả nam lẫn nữ. Bản nội quy này được công bố lần đầu vào tháng 12/2007. Sau đó, tôi có tiếp nhận phản hồi, chủ yếu là về câu cú, từ ngữ để công bố bản bổ sung vào đầu tháng này.

Có ý kiến cho rằng, quy định quá chặt về trang phục sẽ khiến các bạn trẻ không thể hiện  được bản thân?

Sống trong tập thể thì phải chấp nhận quy định ràng buộc của tập thể. Giống như gia đình, nhà trường cũng có truyền thống văn hóa. Nếu SV muốn làm đẹp, muốn thời trang thì vẫn có thể “thoải mái” trong ngày nghỉ hoặc chiều ra phố. Trong tiết học, nếu giả sử là thầy cô giáo, bạn cũng sẽ lấy làm khó chịu khi đang dạy thì có người vào trễ, đi giầy dép phát ra tiếng lộp cộp, rồi mặc áo có một khúc. Tôi nghĩ chắc các vị phụ huynh cũng khó mà đồng tính với việc con mình mặc áo ống đến lớp.

Người vi phạm nội quy sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Lực lượng bảo vệ, giám thị học đường và các thầy cô giáo được giao nhiệm vụ kiểm tra và nhắc nhở việc ăn mặc của SV. Nếu SV vi phạm quy định thì tức là không chấp hành nội quy nhà trường và sẽ bị trừ điểm rèn luyện. Còn nếu bị nhắc nhở đến 3 lần thì “mời em về nhà”. Tháng 4 tới, nhà trường sẽ làm gắt gao hơn về vấn đề này. Quy định đã có hiệu lực nhưng nhà trường muốn có thời gian vận động SV chứ không bắt buộc SV thực hiện ngay.  

Tôi nghĩ dần dần SV sẽ hiểu và chấp nhận chuyện này. Cái nào mới sẽ làm cho thói quen thay đổi nên sẽ gây khó chịu lúc đầu. Các bạn vẫn được mặc quần jean áo thun đi học bình thường, chỉ có động tác bỏ áo vào quần thôi (dành cho nam SV).

Hiếu Hiền