Khoe ảnh “tự sướng” với cây cần sa, nam thanh niên nhận hình phạt gì?

(Dân trí) - Luật sư nhận định Nguyễn Văn H. chụp “tự sướng” với cây cần sa đăng tải lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu mức án phạt cao nhất đến 5 triệu đồng

Như Dân trí đã đưa tin, Nguyễn Văn H. chụp “tự sướng” với cây cần sa tại số nhà 98 khu Phú Lộc 4, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn đăng tải lên mạng xã hội. Qua xác minh, Công an thành phố Lạng Sơn xác định chủ nhà là anh Nguyễn Văn H. (SN 1990), đồng thời lập biên bản và tổ chức phá nhổ gần 30 cây cần sa (mỗi cây cao trên 1m) được Nguyễn Văn H. trồng trong vườn nhà của mình.

Khai nhận với cơ quan chức năng, Nguyễn Văn H. thừa nhận đã nhặt được túi hạt cần sa, do tò mò, muốn xem thế nào nên đã trồng thử.

Nhận định về vụ việc, Luật sư TS Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho biết: Theo quy định tại Thông tư Số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 11 năm 2015 Sửa đổi, bổ sung một số điểm của thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP NGÀY 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được”. Do vậy, ngay khi phát hiện vụ việc cơ quan chức năng cần tiến hành trưng cầu giám định để xác minh.

Khoe ảnh “tự sướng” với cây cần sa, nam thanh niên nhận hình phạt gì? - Ảnh 1.

Nguyễn Văn H "tự sướng" với cây cần sa rồi khoe trên mạng là vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP: “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 192 của BLHS là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).”

Đối với hành vi gieo trồng, chăm bón cây cần sa, tùy vào mức độ của hành vi sẽ có các hình thức xử lý như sau:

Thứ nhất, xử lý hình sự là việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Điều 192 Bộ luật hình sự quy định tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy: “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”

Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 3, điều 21, mục 2 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.”

Ngoài ra, mục 1.3 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP: Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

“Như vậy, đối với trường hợp của Nguyễn Văn H, do nhặt được túi hạt cần sa, vì tò mò nên đã trồng thử. Đây là lần đầu vi phạm, chưa đủ các yếu tố cấu thành truy cứu trách nhiệm hình sự nên Nguyễn Văn H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng” - LS An nói.

Phạm Thanh

.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm