Khổ sở vì tên quá dài nhưng không được sửa: Vừa "hành dân", vừa sai luật!

(Dân trí) - Theo các luật sư, việc chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương muốn thay đổi tên chỉ với mục đích thuận tiện trong làm giao dịch dân sự. Đây là căn cứ để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên. Việc UBND huyện Nhơn Trạch từ chối rút ngắn tên cho chị Phương là sai và máy móc do bám vào câu từ của luật.

Do quá trình đăng ký mở tài khoản, làm thẻ ATM nhưng không thể ra thẻ do tên quá dài, ngày 27/9, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (trú tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) gửi hồ sơ lên UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi tên thành Nguyễn Thị Kim Phương, tức là bỏ đi hai chữ “Hoàng Linh” trong tên của mình.

Ngày 3/10, UBND huyện Nhơn Trạch có văn bản gửi trả lời chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương là không giải quyết được yêu cầu của chị với lý do là không có cơ sở để giải quyết.

Khổ sở vì tên quá dài nhưng không được sửa: Vừa hành dân, vừa sai luật! - 1
Văn bản trả lời của UBND huyện Nhơn Trạch trước yêu cầu được thay đổi tên của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương. ảnh : Văn Thắng

Cụ thể, UBND huyện Nhơn Trạch trả lời rằng: “Quyền thay đổi tên là quyền dân sự của công dân, cá nhân được phép yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 28, Bộ Luật Dân sự 2015. Qua xem xét, UBND huyện Nhơn Trạch nhận thấy yêu cầu thay đổi chữ đệm của chị Phương là không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể là không thuộc một trong các trường hợp được công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại khoản 1, Điều 28, Bộ Luật Dân sự 2015”.

Ngày 30/10, ông Lê Thành Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), cho biết huyện đang làm việc với chị về yêu cầu được thay đổi tên vì quá dài. Tuy nhiên, việc sửa lại tên của chị Phương đang gặp khó khăn vì Phòng Tư pháp huyện Nhơn Trạch cho rằng không sửa được.

Theo đại diện Phòng Tư pháp huyện Nhơn Trạch, hiện đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Nhơn Trạch để cho hướng xử lý.

“Có thể khởi kiện UBND huyện Nhơn Trạch”

 Luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận định trường hợp này UBND huyện Nhơn Trạch tuy làm đúng nhưng hơi cứng nhắc. Việc chị Phương muốn thay đổi tên chỉ với mục đích thuận tiện hơn trong làm giao dịch dân sự nên chính quyền có thể linh động giải quyết cho người dân.

Trong khi đó, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) lại cho rằng việc UBND huyện Nhơn Trạch từ chối rút ngắn tên cho chị Phương là sai và máy móc do bám vào câu từ của luật.

Bởi ngay ở Điểm a, Khoản 1, Điều 28 quy định rõ các lý do để thay đổi.

Việc chị Phương do tên dài làm ảnh hưởng đến các giao dịch như thẻ ATM chính là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp. Ngoài ra, vì tên dài mà bị trêu chọc là ảnh hưởng đến danh dự, tình cảm hạnh phúc gia đình... Đây là căn cứ để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên.

Khổ sở vì tên quá dài nhưng không được sửa: Vừa hành dân, vừa sai luật! - 2

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho nhận định, riêng trong trường hợp này, chị Phương có thể khởi kiện UBND huyện Nhơn Trạch.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho nhận định, riêng trong trường hợp này, chị Phương có thể khởi kiện UBND huyện Nhơn Trạch hoặc làm lại hồ sơ, nêu rõ lý do thay đổi cụ thể là không thể làm thẻ ATM gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị theo Điểm a, Khoản 1, Điều 28.

 Đổi tên là quyền khi có căn cứ:

1. a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

Công dân nêu, xuất trình căn cứ thì cơ quan hành chính phải chấp nhận, tên dài sẽ gây khó khăn trong các giao dịch, tờ khai hộ chiếu, điều đó ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của công dân thì phải thay đổi tên cho họ.

Luật sư Lực dẫn luật: theo Điều 28 BLDS năm 2015,

Điều 28. Quyền thay đổi tên

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

2. a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

3. b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.

4. c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

5. d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

1. e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

2. g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

3. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

4. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.

Thủ tục

Hồ sơ: 

  • Tờ khai cả chính hộ tịch (theo mẫu sẵn)
  • Giấy khai sinh (Bản sao)
  • Giấy tờ khác theo yêu cầu của cán bộ tư pháp

Lưu ý:

  • Con trên 9 tuổi phải được sự đồng ý của con
  • Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục này ở Phường, Xã (UBND)
  • Người trên 14 tuổi thực hiện thủ tục này ở Quận, huyện (UBND)
  • Người trưởng thành (trên 18 tuổi) được tự quyết về tên của mình

Thẩm quyền: UBND xã, phường/Huyện, quận

Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc (theo luật định)

Xin cảm ơn luật sư!

Ngọc Hân (thực hiện)