Khó khăn của trường bán công chuyển thành tư thục
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trong thời gian qua, nhiều trường THPT hệ bán công đã chuyển thành trường tư thục, nhưng không ít trường phải đương đầu với nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Trên cấp độ vĩ mô, việc chuyển các trường bán công sang mô hình ngoài công lập là chủ trương đúng bởi sẽ giúp cho nhà nước giảm bớt gánh nặng ngân sách. Từ đó có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cho các trường vùng sâu, vùng xa. Mặc dầu vậy, trên thực tế, một số trường hệ bán công đã gặp không ít khó khăn do chưa có sự chủ động trong việc lựa chọn hướng đi cũng như sự định hướng rõ ràng khi thực hiện việc chuyển đổi. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.
Khi chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang tư thục, nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các trường bán công không khỏi xuất hiện tâm lý hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ, sau nhiều năm hoạt động dưới sự bảo trợ một phần của Nhà nước, khi chuyển sang loại hình trường tư thục, thực hiện hạch toán độc lập về mặt tài chính, đời sống vật chất của giáo viên sẽ ít nhiều bị xáo trộn. Nhất là đối với những giáo viên vốn nằm trong diện biên chế nhà nước, sau khi chuyển sang mô hình trường tư thục, số giáo viên này sẽ đứng trước nguy cơ “mất” suất biên chế.
Có một thực tế là, hiện nay, cơ chế hoạt động đối với loại hình trường ngoài công lập chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Các chế độ chính sách dành cho giáo viên ngoài công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó đã xảy ra tình trạng nhiều giáo viên đang công tác ở các trường hệ công lập, bán công không thích dạy ở trường ngoài công lập. Khi chuyển đổi loại hình trường, một số giáo viên có năng lực và kinh nghiệm đã tìm mọi cách “xoay xở” cho bằng được một chỗ đứng trong một trường công lập. Điều này đã dẫn đến việc các trường tư thục phải đối mặt với bài toán khá nan giải về chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhiều trường tư thục hiện nay đã phải thực hiện phương án mời các giáo viên đã về hưu, những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các trường công lập về dạy “thỉnh giảng” ở một số bộ môn.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Bên cạnh chất lượng đội ngũ giáo viên, mức thu học phí cũng là mối quan tâm của các trường tư thục, nhất là của đông đảo phụ huynh học sinh. Khi chuyển sang mô hình tư thục, các trường sẽ phải tự hạch toán thu, chi về tài chính. Từ việc xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất đến việc chi trả lương cho giáo viên. Do đó, mức thu học phí của các trường tư thục thường cao hơn từ 2 đến 3 lần so với trường công lập. Trong khi đó, nhiều trường bán công trong diện chuyển đổi sang loại hình trường tư thục trong năm 2010 thuộc các vùng miền núi, trung du, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi mô hình trường sẽ kéo theo gánh nặng học phí, ảnh hưởng lớn tới việc đến trường của không ít học sinh. Không những thế, đây còn là nguyên nhân khiến cho chất lượng “đầu vào” của các trường ngoài công lập thường thấp hơn so với các trường hệ công lập. Chất lượng “đầu vào” thấp sẽ dẫn tới chất lượng “đầu ra” không cao, đồng nghĩa với việc không tạo được sức hút đối với học sinh. Cái vòng luẩn quẩn đó đang khiến cho các trường tư thục gặp không ít khó khăn. Đồng thời, ảnh hưởng tới lộ trình chuyển đổi mô hình hoạt động của hệ thống các trường bán công theo mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
Với những khó khăn nêu trên, trong điều kiện hiện nay, việc chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang tư thục cần được tiến hành thận trọng. Theo dó, không nhất thiết phải chuyển hết các trường bán công sang tư thục. Nhất là với những vùng nông thôn, kinh tế người dân còn khó khăn. Đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa vãn cần phải tiếp tục duy trì loại hình trường công lập, bán công nhằm mục đích nâng cao dân trí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các vùng đồng bằng, thành phố, thị xã – những nơi có điều kiên kinh tế thuận lợi, mức sống của người dân đã được cải thiện hơn có thể chuyển đổi loại hình trường bán công sang tư thục song không nên quá ồ ạt. Ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương để cụ thể hóa những ưu đãi hiện hành của chính phủ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, năng lực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục: ưu tiên cấp đất, mở rộng mặt bằng xây dựng trường; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ban đầu. Về lâu dài, tùy vào năng lực tài chính và định hướng phát triển, các trường sẽ tự đầu tư. Tóm lại, dù các trường hoạt động theo mô hình nào, chất lượng dạy và học phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, các trường tư thục phải tìm cách nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng những cơ chế đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút những người có năng lực về công tác. Đồng thời luôn ở thế chủ động, chấp nhận sự cạnh tranh và từ những động lực bên trong mà các trường tự làm “mới” mình theo xu hướng tích cực nhằm thu hút học sinh và khẳng dịnh “thương hiệu”.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)
LTS Dân trí - Những vướng mắc nêu ra trong bài viết trên đáng được các cấp quản lý giáo dục quan tâm trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi các trường bán công sang tư thục, để vừa bảo đảm được quyền lợi của những giáo viên lâu năm có năng lực và kinh nghiệm trong nghề vừa bảo đảm sự ổn định trường lớp cũng như chất lượng dạy và học. Mặt khác, chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện cho các trường mới chuyển đổi khắc phục những khó khăn trước mắt, sớm ổn định về tổ chức cũng như trường sở, để nhà trường tập trung vào công việc chuyên môn nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.
Đặc biệt, đối với những nơi kinh tế chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chưa có năng lực đóng học phí theo thông lệ các trường tư thục thì nên cân nhắc kỹ khi quyết định và nói chung chưa nên chuyển trường bán công sang tư thục ở miền núi, hoặc vùng sâu, vùng xa.