Cửa sổ giáo dục:

Khổ cho "con kiến"!

(Dân trí) - Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo xây dựng cơ chế tài chính để huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trường ĐH, CĐ. Trong đó có những chuyện rất to tát và cả những chuyện bé tí tẹo như con kiến được đặt ra…

Theo Bộ GD-ĐT, ngân sách chi cho giáo dục ĐH tăng hàng năm nhưng phần tăng thêm chủ yếu là để thực hiện cải cách tiền lương. Mọi hoạt động của trường hiện nay được thu từ bốn nguồn tài chính chủ yếu: kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN); học phí; kinh phí từ các hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh; kinh phí từ các nguồn hỗ trợ và hợp tác nghiên cứu... Mặc dù, thực thu từ bốn nguồn nói trên nhưng kinh phí mà các trường có được còn rất hạn hẹp, thêm vào đó là một số cơ chế quản lý tài chính hiện còn gây khó cho các trường trong việc sử dụng vào những hoạt động mang tính chiến lược.

Chi thường xuyên cho giáo dục ĐH đã tăng hơn 2,4 lần trong giai đoạn 2002-2006 và mức chi bình quân cho bậc đào tạo này chiếm từ 10-12% tổng chi ngân sách giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, mức chi thường xuyên bình quân cho 1 đầu sinh viên chỉ tăng 1,7 lần từ 2,229 năm 2001 lên 3,725 triệu đồng/sinh viên năm 2006.

Cũng theo tính toán của Bộ, chi lương và các khoản phụ cấp theo lương thường chiếm từ 50-60% tổng chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ. Với mức chi này, hàng năm các cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng về kinh phí mua tài liệu, dụng cụ học tập, chỉ đảm bảo chi lương ở mức tối thiểu... Bên cạnh đó, nguồn NSNN cấp cộng với mức thu học phí còn thấp không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu...

Ngồn ngộn giữa các lý do, các giải pháp nhưng nhiều trường vẫn không "quên" được lý do tưởng như chỉ nhỏ bằng con kiến rằng chính sách học phí và miễn giảm học phí không minh bạch! Điều này thể hiện qua việc bắt nhà trường phải chi trả cho những học sinh diện chính sách, con thương binh. Điều này là không đúng, mà nên đưa về địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm, quản lý đúng đối tượng chính sách thì lúc đó mới có hiệu quả!

Chính cái “nhỏ như con kiến” đã khiến không ít "phận kiến" gặp lắm gian nan.

Lê Châu