Khi ly hôn có đòi lại được của hồi môn đã cho chồng mượn?
(Dân trí) - Theo văn hóa của người Việt, khi con cái kết hôn bố mẹ hai bên thường ngại nói rõ về của hồi môn, nên được hiểu ngầm là “cho chung hai vợ chồng” và nghiễm nhiên trở thành tài sản chung của họ.
"Ngày tôi cưới, bố mẹ cho tôi một số vàng lớn làm của hồi môn, sau cưới ít ngày chồng tôi mượn số vàng đó lấy vốn làm ăn. Hơn 1 năm sau công ty anh ta làm ăn thua lỗ sạch. Nay vợ chồng tôi ly hôn, không biết tôi có thể đòi lại toàn bộ số của hồi môn đó với tính chất là tài sản cho mượn không hay chỉ đòi lại được một nửa do là tài sản phát sinh trong hôn nhân?
Trao đổi với PV Dân Trí về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Lan Hương - Công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:
Nếu của hồi môn được cho trước thời kỳ kết hôn (trước khi đăng ký kết hôn) thì đương nhiên là tài sản riêng của bạn. Nếu của hồi môn được cho trong thời kỳ hôn nhân (sau khi đăng ký kết hôn), nhưng xác định được rằng đây là tài sản bố mẹ bạn cho riêng bạn thì được xác định là tài sản riêng của bạn.
Còn nếu của hồi môn được cho trong thời kỳ hôn nhân (sau khi đăng ký kết hôn), nhưng không xác định được rằng đây là tài sản bố mẹ bạn cho riêng bạn thì được coi là tài sản chung của vợ chồng và được chia đôi cho vợ chồng theo Điều 59 Luật HNGĐ.
“Trên thực tế, theo văn hóa truyền thống của người Việt, khi con cái kết hôn bố mẹ hai bên thường ngại nói rõ về tài sản (của hồi môn) là cho riêng con mình hay cho chung hai vợ chồng họ, nên thường được hiểu ngầm là “cho chung hai vợ chồng lấy vốn làm ăn” và nghiễm nhiên trở thành tài sản chung của vợ chồng”, luật sư Nguyễn Lan Hương cho biết.
Cũng theo nữ luật sư, trong trường hợp này để xác định được của hồi môn là tài sản riêng, bạn cần chứng minh được số vàng đó là tài sản bố mẹ bạn tặng riêng cho bạn.
Vậy có đòi lại được tài sản riêng của vợ cho chồng mượn trong thời kỳ hôn nhân không?
Luật sư Nguyễn Lan Hương: Nếu của hồi môn của bạn được xác định là tài sản riêng của bạn thì nếu bạn cho chồng bạn mượn (có chứng cứ chứng minh: Hợp đồng mượn tài sản) thì vợ chồng bạn đã thiết lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mượn tài sản.
Theo Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS), “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Chồng bạn - bên mượn tài sản có nghĩa vụ như “giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa; không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn; bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn; bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả” theo quy định tại Điều 496 BLDS.
Bạn - bên cho mượn tài sản, có quyền “đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý; đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra” theo quy định tại Điều 499 BLDS.
Như vậy, nếu của hồi môn là tài sản riêng của bạn, xét về mặt lý thuyết, bạn hoàn toàn có quyền đòi lại toàn bộ mặc cho chồng bạn đã làm ăn thua lỗ hay không.
Trước những vấn đề trên, luật sư Nguyễn Lan Hương đưa ra một số nhận định: Trên thực tiễn tư vấn, cũng lại là vấn đề về văn hoá không minh bạch tài chính giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân – theo kiểu “của chồng công vợ”, chúng tôi hiếm khi thấy vợ cho chồng mượn tài sản để làm ăn mà lại có thỏa thuận bằng văn bản, giấy viết tay hay hợp đồng. Dẫn đến việc rất khó để xác định quan hệ dân sự này được thiết lập và người vợ có thể đòi được từ người chồng khi ly hôn.
Xác định của hồi môn là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của vợ:
Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ) quy định:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Khoản 1 Điều 43 Luật HNGĐ quy định về tài sản riêng của vợ, của chồng như sau:
“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật HNGĐ thì “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”.