Kháng nghị bản án có dấu hiệu bất thường của Tòa án Hà Nội
(Dân trí) - Trải qua 4 phiên xét xử ở các cấp tòa trong suốt 5 năm, đến nay ông Nguyễn Xuân Cường vẫn chưa lấy được khoản tiền cho vay, mặc dù TAND Tối cao đã xác định việc vay mượn giữa vợ chồng ông Khánh với ông Cường năm 2007 là có thật và hợp pháp.
Bên vay (ông Khánh, bà Tuyết) cam kết và thống nhất biện pháp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ là dùng tài sản riêng của mình là toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ tại số nhà 38 Quán Sứ, phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội đứng tên ông Trần Quang Khánh và vợ Nguyễn Thị Ánh Tuyết để đảm bảo cho khoản gốc và lãi vay của ông Nguyễn Xuân Cường.
Vì đã nhận đủ số tiền vay của ông Cường chuyển thông qua vợ chồng ông Lê Phi Hồng và vợ là Lê Thị Quỳnh Hương, ngày 1/3/2007, vợ chồng ông Khánh, bà Tuyết đã viết giấy biên nhận xác định đã nhận đủ số tiền của ông Cường. Sau đó ông Khánh và bà Tuyết giao cho ông Cường hồ sơ gốc giấy tờ nhà và đất, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi theo như hợp đồng ký ngày 13/2/2007 tạo Phòng Công chứng số 3 TP. Hà Nội.
Do ông Khánh, bà Tuyết vi phạm các điều khoản cơ bản của hợp đồng, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngày 4/1/2008, ông Nguyễn Xuân Cường đã nộp đơn khởi kiện vợ chồng ông Trần Quang Khánh ra TAND TP. Hà Nội.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Xuân Cường, cùng vợ chồng ông Hồng có đơn kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 50/2010/DS- ST ngày 15/9/2010 của TAND TP. Hà Nội. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 18/3/2011, HĐXX nhận định, việc TAND TP. Hà Nội tuyên đối tượng giao dịch của hợp đồng vay tiền ngày 13/02/2007 vi phạm điều cấm của pháp luật là không có căn cứ, vì trong hợp đồng đã quy định: “Bên A đồng ý cho bên B vay một khoản tiền Việt Nam tương đương 700.000USD”.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 18/3/2011, ông Trần Quang Khánh và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết không khiếu nại về chữ ký của mình. Với những chứng cứ này thì không thể chấp nhận lập luận mà cấp sơ thẩm đã nêu, và phải khẳng định rằng giao dịch giữa các bên là hợp đồng vay tiền ngày 13/2/2007 mà các bên ký tại Phòng Công chứng số 3 TP. Hà Nội là giao dịch dân sự có hiệu lực, buộc các bên có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện cam kết của mình.
Sau khi xem xét chứng cứ và tài liệu liên quan, HĐXX tuyên giao dịch dân sự thể hiện bằng “Hợp đồng vay tiền” ngày 13/2/2007 và “Giấy biên nhận” ngày 1/3/2007 giữa nguyên đơn ông Nguyễn Xuân Cường và bị đơn ông Trần Quang Khánh và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết là giao dịch dân sự có hiệu lực. Buộc ông Trần Quang Khánh và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết có trách nhiệm hoàn trả ông Nguyễn Xuân Cường số tiền là 13.636.000.000 đồng Việt Nam tương đương 700.000USD (theo tỷ giá ngày 18/3/2011).
Ngày 15/4/2011, ông Khánh và bà Tuyết làm đơn khiếu nại bản án phúc thẩm số 50/2011/DSPT ngày 18/3/2011. Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 36/2012/QĐ - GĐT ngày 27/7/2012, Hội đồng thẩm phán kết luận: “Tòa án sơ thẩm buộc ông Hồng, bà Hương trả cho ông Cường giá trị 700.000 USD mà không xem xét nghĩa vụ của ông Khánh, bà Tuyết là không đúng. Còn Tòa án cấp phúc thẩm buộc vợ chồng ông Khánh, bà Tuyết trả cho ông Cường giá trị 700.000 USD là có căn cứ, nhưng lại không xác định nghĩa vụ của vợ chồng ông Hồng, bà Hương đối với vợ chồng ông Khánh, bà Tuyết là không đúng”.
Từ nhận định trên, Hội đồng thẩm phán tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm số 50/2011/DSPT ngày 18/3/2011 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội; hủy bản án dân sự sơ thẩm số 50/2010/DS - ST ngày 15/9/2010 của TAND TP. Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Hội đồng thẩm phán Giám đốc thẩm, Tòa án phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã chỉ ra những nhận định thiếu cơ sở pháp lý mà TAND TP. Hà Nội nêu ra tại bản án sơ thẩm số 50/2010/DS - ST ngày 15/9/2010. Tuy nhiên, điều trớ trêu là 3 năm sau, tại phiên xử sơ thẩm ngày 4/9/2013, HĐXX Tòa án TP. Hà Nội vẫn giữ nguyên nội dung bản án số 50/2010/DS - ST ngày 15/9/2010 từng bị 2 cấp tòa cao hơn kháng nghị khi tuyên bố “Hợp đồng vay tiền” ngày 13/2/2007 và “Giấy biên nhận” 1/3/2007 là giao dịch dân sự vô hiệu.
Sau đó, ông Khánh và bà Tuyết tự tay viết giấy xác nhận đã nhận đủ tiền cho vay theo Hợp đồng. Tiếp theo đó, bên vay không trả đủ tiền lãi đã dẫn đến việc ông Cường khởi kiện ra Tòa án yêu cầu vợ chồng ông Khánh và bà Tuyết phải trả lại khoản tiền cả gốc và lãi.
Vụ việc đã kéo dài 5 năm với 4 lần tòa án xét xử, kể cả cấp cao nhất là Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xác định bị đơn là vợ chồng ông Khánh, bà Tuyết có trách nhiệm trả lại cho ông Cường số tiền vay mà đến nay vẫn chưa có hồi kết. Sau khi TAND TP. Hà Nội xét xử lại theo quyết định Giám đốc thẩm, HĐXX sơ thẩm lần 2 đã quyết định sai với bản án Giám đốc thẩm, mặc dù HĐXX nhận định: “Tại phiên tòa lần 2 này, các bên đương sự không xuất trình thêm các tài liệu, chứng cứ nào khác”.
Cho rằng bản án sơ thẩm số 40/2013/DS - ST ngày 4/9/2013 của TAND TP. Hà Nội có những dấu hiệu bất thường cần làm rõ, ngày 19/9/2013, Viện KSND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 22/QĐ/VKS - P5 kháng nghị bản án sơ thẩm số 40/2013/DS - ST ngày 4/9/2013, đề nghị Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc