Khai man giá đất có bị xử lý hình sự tội trốn thuế?
(Dân trí) - Chỉ cần có hành vi trốn thuế thì chủ thể hành vi này đã bị xử lý. Tuy nhiên, số tiền trốn thuế sẽ quyết định chủ thế đó bị xử lý hành chính hay hình sự và bị xử lý như thế nào.
Việc khai man giá mua bán nhà đất khi công chứng hợp đồng với mục đích trốn thuế xảy ra thường xuyên. Cụ thể, hợp đồng để đi công chứng và làm các thủ tục thuế, sang tên với giá ảo, thấp hơn giá thật để được nộp mức thuế thấp. Còn hợp đồng chính là hợp đồng viết tay để hai bên ghi giá giao dịch thật làm cơ sở thanh toán trên thực tế.
Việc làm này theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị thì ngoài vi phạm các quy định về thuế, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng về trách nhiệm nộp thuế còn gây ảnh hưởng rất lớn đến việc áp giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và dễ dẫn đến những xung đột triền miên giữa người dân với chính quyền.
Để xây dựng phương án giá bồi thường đất, các công ty thẩm định giá phải thu thập ít nhất là ba mẫu giao dịch thành công của công chứng. Do vậy, giá giao dịch công chứng nếu là giá ảo 5 triệu đồng trong khi giá giao dịch thật là 15 triệu đồng thì công ty cũng không có cơ sở để xác định giá 15 triệu đồng là giá thật.
Hơn nữa, khi tòa án công nhận giá trên giấy tay để tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu thì vô tình đã không thừa nhận tính pháp lý, giá trị hợp pháp của hợp đồng mà các công chứng viên đã chứng nhận.
Ngoài ra, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật và còn có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế. Tội trốn thuế theo quy định Điều 200 Bộ luật Hình sự:
Căn cứ khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người khai man giá đất nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Hoặc trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, tính chất nguy hiểm cho xã hội đáng kể để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế là số thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên, nếu trốn thuế với số tiền dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, ngay cả khi trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Số thuế trốn được tính như thế nào?
Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định cách tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2%
Trong đó, giá chuyển nhượng được quy định như sau:
Thứ nhất, giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Thứ hai, giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định, thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Trường hợp UBND cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.
Đối với công trình xây dựng hình thành trong tương lai, trường hợp hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng thấp hơn tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng nhân với giá đất và giá tính lệ phí trước bạ công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định, thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá UBND với tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng.
Trường hợp UBND cấp tỉnh chưa có quy định về đơn giá thì áp dụng theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố, đang áp dụng tại thời điểm chuyển nhượng.
Như vậy, số thuế trốn được xác định bằng số thuế của tiền chênh lệch giữa hai hợp đồng do các bên thỏa thuận, cụ thể:
- Hợp đồng 1: Hợp đồng dùng để khai, nộp thuế. Hợp đồng này theo quy định phải công chứng hoặc chứng thực.
- Hợp đồng 2: Hợp đồng do các bên thỏa thuận theo giá thực tế (giá tại hợp đồng này thường cao hơn nhiều so với giá được ghi tại hợp đồng 1).
Theo đó, để trốn từ 100 triệu đồng tiền thuế trở lên thì số tiền chênh lệch của 02 hợp đồng này phải từ 05 tỷ đồng trở lên
Số thuế trốn được tính theo công thức sau:
Số thuế trốn = 2% x (Giá chuyển nhượng của hợp đồng thực tế - Giá chuyển nhượng của hợp đồng công chứng, chứng thực).