Hà Tĩnh:
Khai báo y tế gian dối có thể bị xử lý hình sự
(Dân trí) - Việc không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối không những gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc dập dịch, mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự tùy vào mức độ, tính chất của nó.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Tĩnh đang có những diễn biến phức tạp và một trong những nguyên nhân chính là do không tìm được, kiểm soát được nguồn lây trong cộng đồng.
Trong công điện khẩn của Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 9/6 cũng nêu ra thực tế có một số người tiếp xúc với các ca bệnh hoặc đi từ vùng có dịch về không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, gây khó khăn trong việc truy vết, kiểm soát dịch bệnh.
Liên quan đến hành vi không khai báo hay khai báo y tế gian dối, không trung thực sẽ bị xử lý thế nào, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty luật TNHH Hà Châu.
PV: Hiện nay luật xử lý hành vi vi phạm quy định và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Phan Văn Chiều: Trước tính chất nguy hiểm và tình trạng lan rộng của dịch Covid 19 trên toàn cầu, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc xác định dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Mọi hành vi vi phạm quy định và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ được áp dụng Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản hướng dẫn chuyên ngành để xem xét, xử lý theo quy định.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong việc xử lý hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch như trên, ngày 30/3/2020, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đến ngày 28/9/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
PV: Hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối, không trung thực sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Phan Văn Chiều: Tùy tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của từng trường hợp. Sau đó, căn cứ lời khai của người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở mức độ xử phạt hành chính, nếu người nào có hành vi khai báo, cung cấp thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo Điểm b, Khoản 3, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.
PV: Vậy cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt?
Luật sư Phan Văn Chiều: Thẩm quyền để xử phạt trực tiếp là cấp huyện. Đối với vi phạm hành chính thẩm quyền là Chủ tịch UBND cấp huyện, còn xử lý hình sự là cơ quan điều tra công an cấp huyện sẽ có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi có dấu hiệu hình sự. Còn UBND tỉnh, Sở Y tế và một số đơn vị liên quan có thẩm quyền phối hợp, chỉ đạo xử lý.
"Việc khai báo y tế đầy đủ không những giúp cho cơ quan chức năng phòng, chống dịch nhanh chóng xác minh, khoanh vùng và tiến hành dập dịch được thuận lợi, mà còn tránh được những hệ quả pháp lý phải gánh chịu nếu như không thực hiện việc khai báo, cung cấp thông tin gian dối liên quan đến dịch bệnh Covid 19", luật sư Phan Văn Chiều đưa ra lời khuyên.
Xin cảm ơn luật sư!