Khách mua nhà cuống cuồng truy tìm chủ đầu tư

(Dân trí) - Nhiều khách hàng cho biết nhiều ngày nay họ đã không thể liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, chủ đầu tư dự án chung cư 409 Lĩnh Nam.

Khách mua nhà cuống cuồng truy tìm chủ đầu tư

Theo chị B – một khách hàng tại dự án 409 Lĩnh Nam để thanh lý hợp đồng vay vốn đã ký kết trước đó với Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng thông qua Sàn giao dịch bất động sản của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long chị đã phải đi đòi khắp các cửa cửa. Nhưng cũng chỉ nhận được những cú “đá sân” qua lại giữa cả Công ty Hạ Long và Công ty Vĩnh Hưng.

Khách hàng lao đao vì đã lỡ đầu tư tiền vào dự án này. Chủ đầu tư cũng hết sức lao đao bởi “canh bạc” này mà theo họ, nguồn cơn của mọi vấn đề bắt đầu từ việc giải ngân và chiếm dụng vốn.

Đi theo hành trình tìm lại số tiền đầu tư của nhiều khách hàng như chị B “điểm nghẽn” về vốn đầu tư tại dự án 409 Lĩnh Nam phần nào lộ dần.

Theo đó, do cần vốn để xây dựng Dự án này theo đúng tiến độ, Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công Ty Vĩnh Hưng) đã thế chấp dự án này để vay vốn tại một ngân hàng TMCP. Tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là 400 tỷ, được giải ngân chia làm 2 đợt (đợt 1: 225 tỉ; đợt 2: 175 tỷ).

Cũng theo phản ánh của phía Công ty Vĩnh Hưng thì: để được giải ngân số tiền 400 tỷ, công ty Vĩnh Hưng phải mua thép của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi (CPXDVPTCN).

Ngày 6/12/2012, phía Vĩnh Hưng đã ký hợp đồng kinh tế số 12/2012/HĐKT/CN-VH với Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi để mua thép xây dựng làm mục đích giải ngân. Theo như hợp đồng này thì phía Vĩnh Hưng đồng ý mua 32.000 tấn thép từ Công ty CPXDVPTCN với tổng số tiền là 512 tỷ. Phía Vĩnh Hưng phải tạm ứng trước cho Công ty CPXDVPTCN số tiền 226 tỷ đồng. Sau 5 ngày nhận được toàn bộ số thép theo như hợp đồng, phía Việt Hưng phải thanh toán nốt số tiền còn lại. Hợp đồng kinh tế này cũng ghi rõ: sau khi phía Việt Hưng có đơn đặt hàng, trong vòng 5 ngày nếu Công ty CPXDVPTCN không cung cấp hàng cho phía Vĩnh Hưng thì phải hoàn trả lại số tiền tạm ứng là 226 tỷ đồng.

Ngày10/12/2012, Công ty CPXDVPTCN đã có văn bản yêu cầu Vĩnh Hưng cho tạm ứng số tiền 226 tỷ như đã ký kết trong hợp đồng kinh tế trước đó.

Sau khi hợp đồng này được ký kết, Ngân hàng TMCP trên đã chuyển số tiền 225 tỉ đến tài khoản của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi nhận được 225 tỷ từ ngân hàng này, Doanh nghiệp Vĩnh Hưng không nhận được thép từ Công ty CPXDVPTCN như hợp đồng Kinh tế mà trước đó, hai bên đã ký kết.

Cho rằng phía đơn vị cung ứng thép cố tình chiếm đoạt số tiền 225 tỉ để sử dụng vào mục đích riêng, phía Vĩnh Hưng đã gửi văn bản yêu cầu đơn vị cung ứng thép hoàn trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng ban đầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía Công ty CPXDVPTCN vẫn cố tình phớt lờ.

Điều đặc biệt nghiêm trọng hơn, theo như phản ánh thì số tiền 225 tỷ mà phía ngân hàng TMCP trên đã không được sử dụng để mua thép như mục đích giải ngân.
 
Không nhận được tiền giải ngân, thép cũng chẳng thấy đâu, tuy nhiên phía Vĩnh Hưng vẫn phải è cổ trả khoản lãi suất khổng lồ theo như Hợp đồng tín dụng. Rất nhiều lần, phía Vĩnh Hưng yêu cầu ngân hàng TMCP trên và Công ty CPXDVPTCN làm rõ vụ việc này nhưng đều bị khước từ.
Ban Bạn đọc

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm