Thanh tra Chính phủ:

Kết luận sai phạm trên 22 tỷ đồng tại ngân hàng ACB

(Dân trí)- Những sai phạm trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã được Thanh tra chính phủ kết luận là trên 22 tỷ đồng. Cơ quan này yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm túc các cá nhân để xảy ra sai phạm tại ACB.

Kết luận sai phạm trên 22 tỷ đồng tại ngân hàng ACB - 1
Qua kiểm tra, xác minh, Thanh tra Chính phủ phát hiện ACB
hỗ trợ lãi suất không đúng quy định phải thu hồi trên 22 tỷ đồng.

Tại Kết luận thanh tra số 3957/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của ACB trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra hồ sơ do ACB cung cấp, phát hiện 83 hồ sơ cho vay có khuyết điểm, sai phạm.

Phương án vay vốn không thể hiện được sự phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh tương ứng với những khoản vay. Việc thẩm định cho vay không đủ căn cứ để xác định thời hạn sử dụng vốn vay phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh. ACB đã không thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tình hình kinh doanh của khách hàng, dẫn đến việc HTLS không phù hợp với nhu cầu thực tế vay vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh của khách hàng…

Có 14/83 doanh nghiệp được vay vốn lưu động lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động kinh doanh đã sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, hưởng lãi trong thời gian được hưởng tiền hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể: Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (Công ty) (Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vay vốn để mua lúa gạo. Tuy nhiên, Công ty đã sử dụng tiền vốn lưu động để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (tại các Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Ngân hàng ANZ, Ngân hàng HSBC…); số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 3.468 triệu đồng.

Công ty Lương thực, Thực phẩm An Giang (Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) vay vốn để mua lúa gạo. Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (tại chính Ngân hàng ACB); số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 382 triệu đồng.

Công ty May Nhà Bè (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) vay vốn để sản xuất kinh doanh hàng may mặc. Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn trong năm 2009 với số tiền là 148.439 triệu đồng; số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 669 triệu đồng.

Công ty Liên doanh TNHH KFC Việt Nam (số 292 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vay vốn để thanh toán tiền mua nguyên liệu trong nước và kinh doanh hệ thống cửa hàng KFC. Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (trên tài khoản 128); số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 545 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Docimexco (Phường 1, Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vay vốn để bổ sung vốn lưu động thu mua gạo dự trữ từ nông dân. Thực tế, Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn; số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 1.776  triệu đồng.

Tương tự các công ty trên, các khách hàng dưới đây cũng có thực trạng vay vốn lưu động lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, điều chuyển vốn cho đơn vị khác như:Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH Domyfeed (tỉnh Đồng Tháp), Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (TP. Hải Phòng), Công ty Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Trung (tỉnh Bình Định), Công ty TNHH Minh Long I (tỉnh Bình Dương), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty Cổ phần sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (tỉnh Bình Dương).

Tổng hợp kết quả tính toán từ các dữ liệu, tài liệu do ACB cung cấp cho thấy: có 83/111 hồ sơ xác định thời gian cho vay, số lượng vốn vay lớn hơn nhu cầu vốn lưu động thực tế của khách hàng, dẫn đến việc hỗ trợ lãi suất cho cả những khoản vay không có nhu cầu sử dụng vốn; số tiền đã hỗ trợ lãi suất không đúng quy định phải thu hồi về Ngân sách Nhà nước tại 83 doanh nghiệp là 22.113 triệu đồng.

Ngoài ra, ACB hỗ trợ lãi suất với những hồ sơ cho vay không đủ căn cứ pháp lý để HTLS là 664 triệu đồng.

Kết luận thanh tra đã chỉ rõ nguyên nhân để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm trên là do việc cho vay HTLS là một chủ trương, chính sách mới, chưa có tiền lệ, ban hành và thực hiện gấp rút nên việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện còn khó khăn…

Tuy nhiên, về chủ quan do có sự chênh lệch lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay có HTLS là đáng kể, dẫn đến khách hàng vay có xu hướng lợi dụng khe hở của cơ chế nhà nước để trục lợi. Mặt khác, ACB và các doanh nghiệp vay vốn chưa tuân thủ các quy định về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng.

Do vậy, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc ACB phải chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành hệ thống để xảy ra những khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra.

Những cá nhân có nhiệm vụ thẩm định, quyết định việc cho vay, kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sử dụng vốn vay phải chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu về những sai phạm, khuyết điểm trong cho vay HTLS không đúng đối tượng, không đúng thời hạn cho vay, không đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ.

Trước vụ việc trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 493/VPCP-KNTN gửi Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Yêu cầu  ACB phải thu hồi từ khách hàng vay và hoàn trả ngay ngân sách Nhà nước số tiền HTLS không đúng là 22.778 triệu đồng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ; Kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm nêu trong kết luận Thanh tra; Tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động cho vay HTLS; Chấn chỉnh kịp thời và bảo đảm việc tuân thủ các quy trình cho vay theo quy chế cho vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vũ Văn Tiến