Kết hôn giả để xuất, nhập cảnh, nhập quốc tịch sẽ bị xử lý ra sao?

Mục đích kết hôn của nam, nữ là nhằm xây dựng gia đình. Tuy nhiên thực tế có không ít trường hợp kết hôn giả để xuất, nhập cảnh, nhập quốc tịch.

Dư luận đang xôn xao trước thông tin một ca sỹ khá nổi tiếng trong nước vừa bị người vợ ở nước ngoài hơn mình tới hàng chục tuổi nộp đơn ly hôn. Chưa biết thực hư câu chuyện này ra sao, nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Thực tế có không ít trường hợp kết hôn giả để xuất, nhập cảnh, nhập quốc tịch… Theo quy định hiện hành, hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?

Kết hôn là sự kiện pháp lý gắn kết người nam và người nữ, theo đó mỗi bên có quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định cụ thể. Theo Luật hôn nhân và gia đình (HNGĐ) 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật HNGĐ được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Ngược lại, những hành vi vi phạm pháp luật làm tổn hại đến chế độ hôn nhân gia đình cũng bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi kết hôn giả tạo - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Kết hôn giả để xuất, nhập cảnh, nhập quốc tịch sẽ bị xử lý ra sao? - 1

 Pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn giả tạo (ảnh minh họa).

Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2015 cấm kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo. 

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật.

Về kết hôn giả tạo, Khoản 11 Điều 3 Luật HNGĐ nêu rõ, đó là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Có thể hiểu, kết hôn giả là cuộc hôn nhân theo những hợp đồng, thỏa thuận ngầm hoặc trái quy định với pháp luật vì những lý do khác vì lợi ích (về kinh tế, chính trị, tài sản, địa vị xã hội, cư trú, nhập cảnh...) chứ không trên cơ sở tình yêu.

"Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật HNGĐ.

Do vậy, việc kết hôn giả tạo là một trong những căn cứ để hủy việc kết hôn trái pháp luật" - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.

Về xử lý kết hôn giả tạo, Điều 11, Điều 13 Luật HNGĐ nêu rõ, xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.

Trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.

Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định.

Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, cá nhân kết hôn giả tạo có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm