Bài 11:

Kết cục buồn vụ canh tác trên đất sổ đỏ "dính" tội phá rừng tại Kiên Giang

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Sau một ngày xét xử, chiều 9/12, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc tuyên bị cáo Trần Kiều Hưng - nguyên Phó Bí thư xã Cửa Cạn 3 năm tù treo về tội phá rừng, cải tạo không giam giữ.

Cùng bị truy tố hành vi phá rừng còn có bị cáo bà Huỳnh Thị Bích Phượng (48 tuổi, vợ ông Hưng). HĐXX xét thấy bị cáo Phượng không có nghề nghiệp nên tuyên phạt 1 năm tù treo, cải tạo không giam giữ.

Hai bị cáo không nhận tội phá rừng

Như những phiên tòa trước, khi bước vào phần tranh luận, HĐXX làm rõ nguồn gốc đất của hai bị cáo; việc thuê người chặt cây; vị trí thửa đất được cấp sổ đỏ và diện tích này có nằm trong phần diện tích hơn 17.000m2 đất mà cha mẹ đã cho hai bị cáo từ 1987…

Tại phiên tòa, bị cáo Hưng và Phượng không thừa nhận hành vi phá rừng. Hai bị cáo cho rằng, toàn bộ diện tích đất đai hơn 17.000m2 là của cha mẹ để lại từ năm 1987. Và khi trong phần diện tích đó được nhà nước cấp sổ đỏ hơn 6.000m2, gia đình mới thuê người vào chặt cây chòi, bụi rậm để trồng cây ăn trái.

Kết cục buồn vụ canh tác trên đất sổ đỏ dính tội phá rừng tại Kiên Giang - 1

Bị cáo Trần Kiều Hưng  và bị cáo Huỳnh Thị Bích Phượng không thừa nhận hành vi phá rừng

Hai bị cáo không biết tọa độ, chỉ căn cứ vào cột mốc 104 cấm đầu trên thửa đất. Từ mốc giới này, bị cáo thuê người dọn đất từ trên xuống phía dưới con suối và chỉ lấn chiếm vào đất rừng hơn vài trăm mét vuông.

Đại diện VKS cho rằng căn cứ vào biên bản hiện trường và tọa độ, mốc giới nên có đủ căn cứ để truy tố vợ chồng Trần Kiều Hưng phạm tội phá rừng với diện tích hơn 3.600m2.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng luật sư bào chữa cho bị cáo Hưng và Phượng nêu ra nhiều vấn đề mà trước đó TAND huyện Phú Quốc trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan CSĐT bổ sung, nhưng vẫn chưa được làm rõ, như: vị trí thửa đất bị chặt phá nằm ở đâu, có thuộc phần đất hơn 17.000m2 mà cha mẹ hai bị cáo đã cho từ năm 1987? Chứng cứ chứng minh cột mốc bị di dời; hồ sơ quản lý ranh rừng chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt… Nhất là đất người dân canh tác từ năm 1987, rừng quốc gia có từ 2001 thì không thể áp dụng những văn bản có sau để xử lý người dân là chưa thỏa đáng.

Kết cục buồn vụ canh tác trên đất sổ đỏ dính tội phá rừng tại Kiên Giang - 2

Sau khi diện tích truy tố giảm xuống hơn 2.800, VKS đề nghị mức án từ 3 năm xuống 24-30 tháng tù treo cho bị cáo Hưng và Phượng.

Sau khi nghị án hơn 45 phút, HĐXX cho rằng phần diện tích hơn 3.600m2 mà VKS truy tố vợ chồng Trần Kiều Hưng chưa chính xác nên yêu cầu cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai cùng VKS, luật sư kiểm tra lại trên sơ đồ. Kết quả diện tích hai bị cáo chặt phát cây còn hơn 2.800m2.

Khi xác định được diện tích trên, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi. Lúc này, đại diện VKSND huyện Phú Quốc điều chỉnh phần đề nghị mức án từ 3 năm xuống 24-30 tháng tù treo cho cả ông Hưng và bà Phượng.

Sau lần nghị án thứ hai, HĐXX xét thấy hành vi của vợ chồng ông Hưng là xâm phạm đến chế độ quản lý rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây xói mòn, sạt lở đất nếu có mưa bão. Tuy nhiên, gia đình bị cáo sau đó đã trồng lại rừng, rừng phủ xanh; hành vi của bị cáo Hưng và Phượng không còn nguy hiểm cho xã hội…

Kết cục buồn vụ canh tác trên đất sổ đỏ dính tội phá rừng tại Kiên Giang - 3

HĐXX tuyên phạt bị cáo Hưng 3 năm tù treo, cải tạo không giam giữ, bị cáo Phượng 1 năm tù treo, cải tạo không giam giữ

Từ những căn cứ trên, HĐXX tuyên bị cáo Trần Kiều Hưng 3 năm tù, cải tạo không giam giữ và bị cáo Huỳnh Thị Bích Phượng 1 năm tù, cải tạo không giam giữ.

Hai bị cáo chịu án phí 400.000 đồng, ngoài ra Ban quản lý rừng Quốc gia Phú Quốc cũng không yêu cầu hai bị cáo Hưng và Phượng bồi thường khoản gì, vì rừng đã được trồng cách đây hơn 5 năm.

Diễn biến vụ việc

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2011, vợ chồng ông Hưng thuê người vào khu rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 81, phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Phú Quốc để chặt cây lấy đất làm rẫy. Diện tích rừng bị phá hủy được xác định khi đó là trên 4.000 m2, làm chết 179 cây rừng các loại; trong đó, 87 cây có trữ lượng gỗ hơn 10 m3.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu ngày 16/5/2013, TAND huyện Phú Quốc chấp nhận cáo buộc của cơ quan công tố, tuyên phạt ông Hưng 3 năm tù giam, bà Phượng 3 năm tù treo. Vợ chồng ông Hưng kháng cáo. Tháng 3/2014, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử và tuyên hủy án sơ thẩm.

Kết cục buồn vụ canh tác trên đất sổ đỏ dính tội phá rừng tại Kiên Giang - 4

Gia đình bà Phượng chỉ canh tác từ cột mốc 104 trở xuống suối và cột mốc này được nhiều người dân làm chứng không bị thay đổi

Lần thụ lý xét xử sơ thẩm thứ hai vào tháng 11/2015, TAND huyện Phú Quốc xét thấy các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để kết luận hai bị cáo phạm tội. Vì vậy, HĐXX tuyên vợ chồng ông Hưng không phạm tội Hủy hoại rừng.

VKSND huyện Phú Quốc sau đó kháng nghị bản án sơ thẩm lần thứ hai. Tháng 10/2016, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKSND huyện Phú Quốc để cơ quan CSĐT điều tra bổ sung.

Kết cục buồn vụ canh tác trên đất sổ đỏ dính tội phá rừng tại Kiên Giang - 5

Như những phiên tòa khác, cuối buổi xét xử, bà Phượng gọi người thân để rước đứa con nhỏ. Theo bà Phượng, ngày hầu tòa đầu tiên, cháu mới học mẫu giáo, đến phiên tòa thứ 5, cháu đã học lớp 8....

Ngày 12/6/2018, HĐXX sơ thẩm của TAND huyện Phú Quốc tuyên bố tạm dừng phiên tòa này sau hai ngày xét xử vì còn nhiều nội dung cần làm rõ.

Sau hơn 2 năm tạm dừng, đến 9/12/2020, phiên tòa sơ thẩm thứ hai của phiên xét xử sơ thẩm thứ 3 cấp sơ thẩm được mở lại.

Trong 5 phiên tòa, hai bị cáo Hưng và Phượng không thừa nhận phá rừng, vì đất cha mẹ cho từ năm 1987 nên thuê người phát dọn đất trồng cây; còn ranh rừng quốc gia đến năm 2001 mới cầm mốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm