Kẽ hở giúp "cò đất" dễ dàng qua mặt ngành thuế

Thái Bá

(Dân trí) - Để tránh phải nộp thuế thu nhập bằng 2% giá trị chuyển nhượng, giới buôn bán bất động sản ở Ninh Bình đã cố tình ghi giá để tính thuế thấp hơn giao dịch thực tế nhằm "qua mặt" cơ quan thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, những năm gần đây giá đất trên địa bàn có nhiều biến động. Giá đất thực tế trao đổi, mua bán trên thị trường cao hơn nhiều so với giá đất được quy định trong bảng giá đất do UBND tỉnh Ninh Bình ban hành.

Kẽ hở giúp cò đất dễ dàng qua mặt ngành thuế - 1

Thị trường bất động sản tại Ninh Bình trong năm 2021 tạo ra những "cơn sốt đất" khiến người dân chóng mặt (Ảnh: Thái Bá).

Tại nhiều địa phương, nhiều vị trí giá đất được UBND tỉnh quy định để làm cơ sở thu thuế khi chuyển nhượng chỉ bằng 20% so với giá thị trường. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều trường hợp khi tham gia mua bán, chuyển nhượng bất động sản đã thỏa thuận với nhau để trốn thuế.

Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh Ninh Bình) cho biết, tình trạng trốn thuế trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh hiện nay rất phổ biến.

Theo ông Trung, bảng giá đất được UBND tỉnh Ninh Bình ban hành 5 năm một lần. Giá thị trường bất động sản biến động liên tục cao hơn gấp 20 - 30% so với giá tỉnh quy định. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều người khi mua bán bất động sản dù giá giao dịch cao hơn gấp nhiều lần nhưng vẫn chỉ kê khai bằng hoặc cao hơn một chút so với giá quy định.

Kẽ hở giúp cò đất dễ dàng qua mặt ngành thuế - 2

Lợi dụng nhiều kẽ hở, giới buôn bán bất động sản tại Ninh Bình đã "qua mặt" cơ quan thuế (Ảnh: Thái Bá).

"Việc làm này của giới giao dịch mua bán bất động sản nhằm giảm đi số thuế phải đóng cho Nhà nước. Điều này đã gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước số tiền rất lớn" - Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh Ninh Bình) cho hay.

Một chiêu trò khác để giới "cò đất" qua mặt cơ quan thuế nữa là sử dụng các hình thức như giấy ủy quyền, hợp đồng công chứng để trống tên người mua... Ông Trung cho biết thêm, khi thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản, hai bên làm hợp đồng nhưng lại để trống tên người mua, người bán chỉ cần ký tên vào hợp đồng và làm giấy ủy quyền là xong. Chỉ khi nào bán cho người cuối cùng thì mới điền tên vào hợp đồng để làm thủ tục sang tên đổi chủ.

"Một thửa đất được giao dịch bán đi, bán lại cho nhiều người nhưng chỉ phải nộp thuế có một lần" - ông Trung nói.

Kẽ hở giúp cò đất dễ dàng qua mặt ngành thuế - 3

Một thửa đất ở Ninh Bình được bán cho nhiều người, giá cao hơn quy định từ 20 - 30% nhưng chỉ nộp thuế có một lần (Ảnh: Thái Bá).

Lãnh đạo Cục thuế tỉnh Ninh Bình cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn thuế trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản như hiện nay là do những kẽ hở, bất cập của chính sách pháp luật đang bị các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để "qua mặt" ngành thuế.

Được biết, mới đây Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát và bổ sung hệ số giá đất hàng năm sát với giá thị trường theo từng địa bàn để làm cơ sở tính thu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp.