Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Huyện Đông Anh kiểm tra hồ sơ vụ “Mất nhà thờ họ vì tin cháu gái”

(Dân trí) - Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đã giao Phòng Tài nguyên & Môi trường phối hợp cùng xã Uy Nỗ, các ban ngành chức năng kiểm tra việc cấp sổ đỏ mảnh đất có nhà thờ họ Hoàng do bà Hoàng Thị Hồng đứng tên.

 
Như thông tin Dân trí đã đưa, ngày 9/7/2013, ông Phạm Chí Công, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ký và ban hành văn bản số 3358/VP-TNMT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, yêu cầu UBND huyện Đông Anh kiểm tra và xử lý vụ mất nhà thờ họ do báo Dân trí phản ánh trong bài viết “Hà Nội: Mất nhà thờ họ vì đặt niềm tin vào cháu gái”.

Nội dung văn bản số 3358/VP-TNMT ngày 9/7/2013 nêu rõ: “Báo Dân trí điện tử ngày 28/6/2013 có bài viết “Hà Nội: Mất nhà thờ họ vì đặt niềm tin vào cháu gái”, phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhà thờ họ Hoàng ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh cho bà Hoàng Thị Hồng là không đúng quy định, dẫn đến việc bà Hồng đem bán khu đất này.

Về việc này, Văn phòng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố như sau: Giao UBND huyện Đông Anh kiểm tra cụ thể, kết luận và xử lý theo thẩm quyền, thông tin trả lời báo Dân trí điện tử và tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND Thành phố”.
 
Nhà thờ dòng họ Hoàng ở xã Uy Nỗ đã có từ hàng trăm năm nay
Nhà thờ dòng họ Hoàng ở xã Uy Nỗ đã có từ hàng trăm năm nay

Để làm rõ vụ tranh chấp nhà thờ họ giữa đại diện dòng họ Hoàng và cháu gái Hoàng Thị Hồng, ngày 26/7/2013, PV báo Dân trí đã đến làm việc UBND huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Hoàng Hải Đăng, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh cho biết, sau khi nhận được văn bản số 3358/VP-TNMT ngày 9/7/2013 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, lãnh đạo huyện Đông Anh đã giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường tiến hành kiểm tra hồ sơ để có báo cáo bằng văn bản.

Theo lời ông Hoàng Hải Đăng, trong tuần tới Phòng Tài nguyên & Môi trường, cùng các phòng, ban chức năng liên quan sẽ hoàn tất việc kiểm tra hồ sơ, trình tự cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho mảnh đất 1432m2 ở xã Uy Nỗ có dòng thờ họ hiện diện ở trên mang tên bà Hoàng Thị Hồng. Sau khi có kết luận, UBND huyện Đông Anh sẽ trao đổi cụ thể với PV báo Dân trí, đồng thời có báo cáo kết quả lên UBND TP. Hà Nội.

Trước đó, 52 người đại diện cho dòng họ Hoàng ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội gửi đơn khiếu nại gửi đến báo Dân trí phản ánh: Gia đình bà Hoàng Thị Hồng đã làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trùm lên diện tích nhà thờ họ do tổ tiên dòng họ Hoàng xây dựng từ 300 năm trước. Khi làm giấy tờ xin cấp Giấy chứng nhận, bà Hồng ký cam kết sẽ trả lại diện tích nhà thờ họ Hoàng để làm nơi thờ tự, lễ, tết. Tuy nhiên, sau khi cầm Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2004, bà Hồng không thực hiện lời cam kết, dù đại diện dòng họ nhiều lần họp yêu cầu.

Dựa trên gia phả, dòng họ Hoàng ra đời từ khoảng 600 năm trước và trải qua 14 đời. Về nguồn gốc tài sản, ngôi nhà từ đường của dòng họ Hoàng có khoảng 300 năm trước, được sửa chữa trùng tu vào năm 1975 bằng tiền đóng góp của các thành viên trong dòng họ.
 
Thỏa thuận của các chị em nhà bà Hồng đã thuyết phục lòng tin của dòng họ
Thỏa thuận của các chị em nhà bà Hồng đã thuyết phục lòng tin của dòng họ
Thỏa thuận của các chị em nhà bà Hồng đã thuyết phục lòng tin của dòng họ
 

Về đất ở tổng diện tích đất của dòng họ là 1432m2, quá trình hình thành đất do cụ tổ của họ Hoàng về đây lập nghiệp tạo dựng lên, các đời sau có mở mang và tôn tạo thêm mới có được diện tích đất như ngày nay.

Trước khi UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ cho bà Hoàng Thị Hồng, khu đất 1432m2 mang tên ông Hoàng Văn Phát (bố bà Hồng) là trưởng chi 1, đồng thời cũng là trưởng họ.

Sau khi ông Phát qua đời năm 1975, vợ và những người con gái của ông Phát tiếp tục được giao quản lý và sử dụng khu nhà thờ họ. Năm 2004, đại diện dòng họ Hoàng đồng ý để bà Hoàng Thị Hồng thay mặt dòng họ làm các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích 1432m2 nêu trên.

Trước khi nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho phần diện tích 1432m2, bà Hồng và các chị em ruột của bà cam kết với dòng họ Hoàng là làm Giấy chứng nhận QSDĐ thay cho dòng họ, khi hoàn thành thủ tục xong sẽ chuyển giao lại cho dòng họ quản lý hương khói lâu dài. Cụ thể, ngày 2/11/2004, chị em bà Hoàng Thị Hồng cùng lập giấy thỏa thuận với nội dung cam kết sẽ trả lại cho dòng họ diện tích và các công trình trên đất của dòng họ để dòng họ quản lý thờ cúng lâu dài.

Nhưng bà Hồng không thực hiện cam kết mà chủ động làm sổ đỏ đứng tên hộ gia đình gồm bà, chồng là ông Đào Ngọc Hà cùng con Đào Ngọc Huân, với mục đích nắm giữ toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất là nhà từ đường, tiền đường và các công trình phụ khác thuộc quyền sở hữu của dòng họ.
 
Đại diện dòng họ Hoàng đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ những
Đại diện dòng họ Hoàng đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ những
khuất tất, sớm trả lại nhà thờ họ để con cháu có nơi thờ tự, giỗ, tết

Phát hiện bà Hoàng Thị Hồng được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên hộ gia đình, đại diện họ Hoàng nhiều lần có ý kiến yêu cầu bà Hoàng Thị Hồng trả lại cho dòng họ khu nhà thờ họ, các công trình trên đất và một phần diện tích khuôn viên làm nơi thờ cúng, giỗ, tết nhưng bà Hồng không trả lại, đồng thời có lời lẽ thách thức nhằm cản trở việc thờ cúng ảnh hưởng đến tín ngưỡng.

Trong lúc UBND xã Uy Nỗ đang tiến hành hòa giải tranh chấp, ngày 18/8/2011, ông Đào Ngọc Hà (chồng bà Hồng) ra phòng công chứng làm văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế phần tài sản do bố là ông Đào Ngọc Tước để lại, trong đó bao gồm cả phần diện tích đất 1432m2 có khu nhà thờ dòng họ Hoàng trên đó khiến mâu thuẫn ngày càng căng thẳng.

Qua 3 lần hòa giải bất thành tại trụ sở UBND xã Uy Nỗ, ngày 14/6/2012, đại diện dòng họ Hoàng xã Uy Nỗ làm đơn khởi kiện vụ tranh chấp tài sản ra TAND huyện Đông Anh yêu cầu gia đình bà Hoàng Thị Hồng trả lại dòng họ 1/2 mảnh đất 1432m2, gồm 2 nhà thờ họ, các công trình trên đất và một phần khuôn viên để làm nơi sinh hoạt của con cháu trong các dịp giỗ, tết.

Làm việc với PV Dân trí, ông Hoàng Đình Hè, Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ cho biết: “Trước đây, khi cấp giấy chứng nhận là do có sự thống nhất của cả gia đình và bà Hồng cũng cam kết họ đã thống nhất. Cả khuôn viên nhà chị em bà Hồng đang ở, bà Hồng đủ quyền đứng tên nhưng chỉ là đứng tên đại diện chứ không phải cho riêng gia đình nhà bà Hồng. Xã cũng đã có nhiều lần hòa giải và quan điểm anh em ở xã vẫn là đề nghị gia đình bà Hồng cắt một phần đất nơi thờ tự và khoảng 1 vài mét đất phía sau trả lại cho dòng họ”.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự cho hay: Ngày 2/11/2004, bà Hồng và các chị em nhà bà Hồng lập biên bản thỏa thuận trong đó có nội dung “Nhất trí sau khi làm xong Giấy chứng nhận QSDĐ trên sẽ làm thủ tục giao lại phần đất và nhà thờ cho dòng họ quản lý và trông nom hương khói lâu dài”. Vì có biên bản thỏa thuận đại diện dòng họ mới tin và không cản trở việc làm Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên bà Hoàng Thị Hồng.

Tuy nhiên, sau khi có Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên hộ gia đình nhà bà Hồng bao gồm bà, chồng bà, con bà và bố mẹ chồng thì bà Hồng đã lật lọng, không thực hiện đúng cam kết mà yêu cầu dòng họ phải mua lại bằng tiền (Sự việc này có bằng chứng tại Văn phòng công chứng huyện Đông Anh).

Với hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm lừa đảo các thành viên dòng họ, phục vụ mục tiêu chiếm nhà thờ và đất đai của dòng họ để bán lấy tiền đã rõ ràng, Cơ quan điều tra có đủ cơ sở vào cuộc làm rõ dấu hiệu “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc