Hà Nội:

Huy động Sở, ngành vào cuộc “giải cứu” dân cư vùng quy hoạch “treo” 45 năm

(Dân trí) - Bên cạnh việc lập hai phương án tháo gỡ những khó khăn hàng nghìn nhân khẩu khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn đang gánh chịu, Sở Quy hoạch Kiến trúc còn đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành và UBND quận Hai Bà Trưng cùng vào cuộc tìm phương án “giải cứu”.

 

Liên quan đến việc khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn gặp khó khăn vì rơi vào vùng quy hoạch “treo” gần nửa thế kỷ, sau khi UBND phường Thanh Nhàn và UBND quận Hai Bà Trưng thống kê kết quả lấy ý kiến với 532 phiếu thăm dò thu về/580 phiếu thăm dò được phát ra, người dân có chung đề xuất Thành phố xem xét đưa ra khỏi vùng quy hoạch để người dân sớm ổn định cuộc sống. Từ kết quả thăm dò trên, Quận ủy - UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội đã tổ chức họp bàn thống nhất các nội dung báo cáo, đề xuất hai phương án “giải cứu” khu dân cư số 4.

 

Hàng trăm gia đình phải sống chen chúc 6 - 10 người trong căn hộ xây tạm rộng chưa đầy 10m2 suốt nhiều năm.
Hàng trăm gia đình phải sống chen chúc 6 - 10 người trong căn hộ xây tạm rộng chưa đầy 10m2 suốt nhiều năm.

 

Phương án 1, “Tiếp tục triển khai dự án, giữ nguyên ranh giới dự án, không điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt”. Theo phương án này, Thành phố cần bố trí đủ kinh phí, quỹ nhà tái định cư để GPMB theo đúng ranh giới dự án, đồng thời giải quyết tồn tại của Chủ đầu tư (sau khi sáp nhập) để lựa chọn đơn vị tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đồng bộ các hạng mục bằng tiền ngân sách Nhà nước theo quy hoạch được duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí kinh phí, quỹ nhà tái định cư sẽ phân kỳ đầu tư, xác định rõ ranh giới giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án cũng như thời gian tiến độ triển khai dự án, công khai cho người dân biết, tập trung GPMB dứt điểm giai đoạn 1; Khi đủ điều kiện sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2. Trong khi chưa triển khai giai đoạn 2 cần phải điều chỉnh Quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ, để người dân được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nằm trong quy hoạch khi chưa triển khai dự án, kết hợp giải quyết kiến nghị của khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn.

 

6 nhân khẩu nhà số 257b sống trong căn nhà một tầng rộng chừng 8m2.
6 nhân khẩu nhà số 257b sống trong căn nhà một tầng rộng chừng 8m2.

 

Phương án 2, “Điều chỉnh ranh giới dự án và điều chỉnh quy hoạch, đưa khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn ra khỏi ranh giới quy hoạch, giải quyết kiến nghị của cử tri”. Phương án này sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng: Cho phép cải tạo chỉnh trang một phần khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn kết hợp với xem xét dành 1 phần quỹ đất để tái định cư tại chỗ cho toàn bộ các hộ dân còn lại cần phải GPMB, mở tuyến đường vào khu vực Công viên từ phố Kim Ngưu, đảm bảo trục “xanh” nối từ đường Trần Khát Trân với phố Kim Ngưu, điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt từ đất cây xanh sang đất ở, đất giao thông và đất cây xanh; Hoặc giữ nguyên toàn bộ khu dân cư số 4 theo hiện trạng để đảm bảo các hộ dân được thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định hiện hành, điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt từ đất cây xanh sang đất ở (khu dân cư được phép cải tạo, chỉnh trang và xây dựng mới).

Để giải quyết triệt để vấn đề và sớm tháo gỡ khó khăn cho khu dân cư số 4, Sở QHKT kiến nghị TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành và UBND quận Hai Bà Trưng cùng vào cuộc rà soát theo chức năng, nhiệm vụ, tham mưu phương án tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Cụ thể, với UBND quận Hai Bà Trưng, trong khi chờ các thủ tục giải quyết tồn tại của chủ đầu tư và lựa chọn đơn vị tiếp tục thực hiện dự án, điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch, quận Hai Bà Trưng chủ trì cùng Sở TN&MT tham mưu cho Thành phố xác định rõ mốc, ranh giới giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án. Tham mưu điều chỉnh Quyết định thu hồi đất theo Luật đất đai số 45/2013/QH13 và các quy định có liên quan, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho người dân tại khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, ổn định cuộc sống giống như người dân nằm trong quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án, giải quyết kịp thời những kiến nghị cử tri phát sinh, giữ ổn định tại địa phương.

 

Hàng trăm ngôi nhà xuống cấp phải dùng bạt phủ tạm để chống dột mùa mưa.
Hàng trăm ngôi nhà xuống cấp phải dùng bạt phủ tạm để chống dột mùa mưa.

 

Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị có liên quan báo cáo UBND Thành phố giải quyết tồn tại sau khi sáp nhập Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Thủ đô (chủ đầu tư) vào Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, đề xuất đơn vị tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt, hoặc điều chỉnh quy hoạch. xây dựng kế hoạch tiến độ triển khai dự án phân kỳ đầu tư dự án phù hợp với tiến độ kế hoạch cân đối nguồn vốn, kinh phí GPMB và quỹ nhà tái định cư cho tổng số các hộ dân còn lại phải di dời theo quy hoạch.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ Luật đầu tư công bổ sung dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vào danh mục dự án trọng điểm trong kế hoạch 2016-2020. Bố trí vốn ngân sách, hướng dẫn thủ tục cho đơn vị thực hiện dự án giải quyết các thủ tục điều chỉnh dự án theo đúng quy định hiện hành; Sở TN&MT chủ trì, phối hợp và hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện thủ tục đất đai, tham mưu điều chỉnh lộ trình thu hồi đất phù hợp với Kế hoạch phân kỳ triển khai dự án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân nằm trong ranh giới dự án nhưng chưa triển khai thực hiện. Hướng dẫn Quận giải quyết cấp Giấy chứng nhận QSDĐ có thời hạn.

Nếu UBND Thành phố quyết định điều chỉnh quy hoạch, Sở QHKT chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng tham mưu UBND Thành phố về quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ các quy hoạch liên quan; hướng dẫn đơn vị triển khai dự án triển khai thủ tục điều chỉnh cục bộ các quy hoạch theo đúng trình tự quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô...

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Hữu Căn, cử tri phường Thanh Nhàn, đồng thời là người trực tiếp viết và gửi hàng chục lá đơn gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, khẳng định mong muốn được ra khỏi dự án “treo” gần nửa thế kỷ của người dân khu dân cư số 4, ông Căn cho biết: “Đối chiếu với các quy định hiện hành và Luật Đất đai 2013 có thể thấy dự án trên không còn phù hợp. Dự án được lập năm 1970, nhưng tiến độ triển khai không có. Theo thông tin tôi có được, năm 2001, chủ đầu tư đã có Quyết định bàn giao đất và được duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Theo quy định về đầu tư, đến năm 2004, chủ đầu tư phải triển khai dự án nếu không sẽ hết thời hạn, thực tế diễn ra thế nào tất cả đều đã rõ. Trong khi dự án bị “treo” vô thời hạn, những người sở hữu nhà đất hợp pháp lại không được cấp sổ đỏ, không được cấp GPXD khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn, kìm hãm đời sống của trên 2000 nhân khẩu đang sinh sống tại đây. Giống như phiếu thăm dò đã gửi UBND phường, người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn chỉ mong muốn được xem xét đưa ra ngoài vùng quy hoạch để người dân thoát khỏi cảnh sống khó khăn...”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương