Hưởng chữ Thọ đúng ý nghĩa
Gần đây, nhân dịp Ngày quốc tế Người cao tuổi, trên Diễn đàn Dân trí có trao đổi ý kiến về ý nghĩa của Chữ Thọ và có nêu lên thực trạng nhiều cụ vì tuổi cao sức yếu, lại không còn minh mẫn, phải nằm liệt giường nhiều năm. Thọ như vậy liệu có hạnh phúc không?
Tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng chữ Thọ chỉ có ý nghĩa khi người cao tuổi được sống những năm tháng cuối đời một cách thanh thản, không phải lo nghĩ, buồn phiền, không bị bệnh tật dằn vặt hết ngày này sang tháng khác.
Nhớ lại lúc còn là đứa trẻ, tôi rất mong và chờ đón Ngày Tết (Tết Nguyên đán) để được mặc quần áo mới, chạy tung tăng theo bố mẹ đi chúc Tết, được đi chơi nhiều nơi, lại được người lớn phát vốn vì đã lớn thêm 1 tuổi. Đấy là niềm vui của con trẻ, còn các cụ già thì sao? Mỗi khi Tết đến, được con cháu mừng tuổi và chúc Thọ, các cụ cũng thấy vui vì mình đã Thọ thêm một tuổi, được nhìn con cháu sum vầy, lớn khôn và trưởng thành.
Có nhiều cụ tâm sự: Mặc dù soi gương nhìn thấy mặt mình đã có nhiều vết nhăn nheo, mỗi năm thêm cũ kỹ, già nua, mất hết vẻ thanh xuân, tươi trẻ ngày xưa, nhưng “nhờ trời” tinh thần còn minh mẫn, vẫn túc tắc tự đi lại được, vẫn giúp được con cháu đôi ba việc ở nhà, vẫn có dịp thăm nom, chuyện trò với hàng xóm láng giềng, thì khi ấy còn thấy ý nghĩa của chữ Thọ. Còn lúc nào phải “ra đi” thì cầu mong được ra đi nhẹ nhàng như đi ngủ, không bị ốm đau bệnh tật kéo dài vừa đau khổ cho mình, vừa phiền lụy con cháu.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Vì vậy trong thời đại dân trí tiến bộ bây giờ, chúng ta (tất cả mọi người - kể cả người trẻ, người già và người cao tuổi) nên tư duy “điều chỉnh kỳ tử”, thay đổi vế thứ 2 câu nói của các cụ ngày xưa: “Sinh có hạn, tử bất kỳ”. Bằng cách, có thể kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền bổ sung Luật pháp có thêm điều quy định đối với người già, người cao tuổi mà ốm đau, bệnh tật, phải nằm “liệt giường, liệt chiếu” quá lâu, không còn cơ hội chạy chữa, nhiều khi tinh thần không còn minh mẫn, được cơ quan y tế xem xét và xác định rõ tình trạng bệnh tật, thì lúc đó bản thân người già bị bệnh hoặc khi không còn minh mẫn thì các con cháu được phép đại diện đề đạt nguyện vọng với thầy thuốc cho phép được “ra đi” thanh thản bằng một mũi tiêm, hay viên thuốc nhân đạo.
Người viết bài này đã nhiều dịp được hầu chuyện các cụ cao tuổi, tôi thấy nhiều cụ đồng tình với cách giải quyết có ý nghĩa nhân đạo như vậy. Các con cháu cũng không phải băn khoăn về ý kiến đề xuất của mình vì đấy là thực hiện theo đúng nguyện vọng các cụ. Ai cũng muốn đến lúc “về cõi” thì được ra đi một cách thanh thản, không ai muốn kéo dài cuộc sống đau khổ làm gì.
Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)
LTS Dân trí - Nhiều ý kiến gửi đến Diễn đàn Dân trí trao đổi ý kiến về ý nghĩa của chữ Thọ nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi đều nói lên nguyện vọng của các cụ là được sống vui, sống khỏe, sống có ích. Đấy chính là nguồn hạnh phúc lớn lao của các cụ cao tuổi được hưởng Chữ Thọ. Còn nếu kéo dài những năm tháng cuối đời mà bị bệnh tật, nhất là những bệnh không còn hy vọng chạy chữa, phải nằm liệt giường nhiều năm, chỉ kéo dài những ngày đau đớn cho bản thân và làm khổ lây cho con cháu, thì hầu hết các cụ lâm vào cảnh ngộ như vậy đều có nguyện vọng được “ra đi” thanh thản.
Đấy là nguyện vọng chính đáng, cũng là một vấn đề xã hội đáng quan tâm mà các nhà lập pháp và hành pháp nên cân nhắc, xem xét.