Hưng Yên: Người dân khốn khổ vì văn bản chỉ đạo “lạ lùng” của Phó chủ tịch huyện

Chỉ vì bố mẹ đang còn tranh cãi về khoản tiền phải nộp khi mua suất đất tái định cư (TĐC) của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn qua huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên mà hàng loạt người dân xã Tân Phúc phải gánh chịu hậu quả của một Văn bản khó có thể tưởng tượng nổi khi được ban hành bởi đương kim Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi.

 Văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ cho con cái về vận động bố mẹ đóng tiền.
 Văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ cho con cái về vận động bố mẹ đóng tiền.
 Văn bản chỉ đạo "giao nhiệm vụ" cho con cái về vận động bố mẹ đóng tiền.

Việc quan chức chỉ đạo miệng cho cấp dưới thực hiện các mệnh lệnh hành chính theo “cảm tính” không phải là hiếm, nhưng để đến mức ra Văn bản như trường hợp của ông Lê Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi thì không nhiều.
 
Sự việc xảy ra tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên khi ông Lê Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi ban hành Văn bản số 244/UBND - GPMB, ngày 23/7/2012 “dọa” sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với cán bộ viên chức và người dân nếu không tuyên truyền vận động được bố mẹ đóng tiền “còn thiếu” khi mua suất đất TĐC.
 
Theo Văn bản trên, “Để chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm túc, nhất là các gia đình có con đang là cán bộ viên chức, công tác và sinh sống trên địa bàn huyện. UBND huyện yêu cầu phòng Giáo dục và đào tạo huyện, phòng Nội vụ huyện, Trường THCS Bắc Sơn tạm thời giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thị Thủy, hiện là kế toán tại trường THCS Bắc Sơn là con gái ông Nguyễn Thanh Vang và bà Nguyễn Thị Huyền giành thời gian về tuyên truyền, giải thích để ông, bà chấp hành nộp số tiền còn thiếu về Hội đồng bồi thường huyện trước ngày 27/7/2012.
 
 Nếu quá thời hạn nêu trên, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Nội vụ, Trường THCS xã Bắc Sơn sẽ có biện pháp mạnh đối với cán bộ viên chức không làm tốt công tác vận động tuyên truyền để gia đình không chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước quy định.
 
Giấy khai sinh được cấp sau khi đứa trẻ chào đời được 3 năm.
Giấy khai sinh được cấp sau khi đứa trẻ chào đời được 3 năm.
 
Yêu cầu UBND xã Tân Phúc, mọi giao dịch quyền lợi của gia đình ông Nguyễn Thanh Vang và bà Nguyễn Thị Huyền đều không được xác nhận cho đến khi gia đình chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật của Nhà nước”.
 
Ngoài trường hợp của chị Thủy như đã nêu rõ trong Văn bản thì còn có trường hợp của anh Đặng Sỹ Đồng cũng ở xã Tân Phúc khi anh không thể làm giấy khai sinh cho con gái mình mặc dù cháu đã 3 tuổi chỉ vì anh còn tranh cãi về số tiền mà UBND xã bắt anh phải nộp thêm khi mua suất đất TĐC. Vụ việc này được PV phản ánh và UBND xã Tân Phúc đã cấp giấy khai sinh cho con gái anh.
 
Về vấn đề này, ông Dương Tuấn Doan - Chánh văn phòng UBND huyện Ân Thi giải thích "Mục đích của huyện là để thu hồi tiền về cho Nhà nước, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bằng mọi hình thức, cử đoàn thể tới tận nơi để thuyết phục nhưng họ kiên quyết không đóng tiền, chỉ đến khi không còn cách nào khác thì huyện mới phải ban hành văn bản đó. Mục đích chính khi ra văn bản chỉ là thu tiền về cho Nhà nước".
 
 Như vậy, dù mục đích ban hành văn bản nêu trên nhằm hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao phó nhưng cách chỉ đạo theo hướng "giao nhiệm vụ" cho những người không phải đối tượng chính trong việc phải đóng tiền còn thiếu khi mua suất đất TĐC của UBND huyện Ân Thi. Trao đổi với một số cán bộ làm việc tại xã Tân Phúc, họ cho rằng khi huyện ra văn bản này cũng “làm khó” cho cấp xã khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho các hộ dân trong diện TĐC.    
 
Có hay không việc UBND huyện Ân Thi ra văn bản trái Luật? Đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên, kiểm tra tính chính thống của văn bản này và sớm tìm ra cách giải quyết khác phù hợp hơn để người dân không bị cắt đi những quyền cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
 
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo Tuổi trẻ thủ đô