“Hot girl” 17 tuổi phạm tội môi giới mại dâm: Trách nhiệm thuộc về gia đình?

(Dân trí) - Mới 17 tuổi “hot girl” ở Hải Phòng đã phải đối mặt với mức án phạt của pháp luật do hành vi môi giới mại dâm. Luật sư cho rằng, để trẻ vị thành niên phạm tội là trách nhiệm không chỉ từ gia đình mà còn từ đoàn thể và cơ quan quản lý cấp chính quyền.

Như Dân trí đã đăng tải, tổ công tác trinh sát CATP Hải Phòng vừa xác định đường dây môi giới mại dâm trên mạng Internet, với các địa chỉ khá “hấp dẫn” như “Gái gọi Hải Phòng”, “Cave cao cấp Hải Phòng”. Theo điều tra từ cơ quan công an đối tượng Hoàng Duy Hùng (22 tuổi, trú tại Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) từ khoảng tháng 10/2015 đến khi bị phát hiện đã tạo lập nhiều “kênh” môi giới mại dâm, rồi thuê Nguyễn Thị Tuyết Ngân (17 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng), Hoàng Văn Hùng (23 tuổi) và Vũ Văn Hải (22 tuổi) cùng trú tại Kinh Môn, Hải Dương giúp sức đăng tải bài viết quảng cáo, trả lời điện thoại khi khách hàng mua dâm gọi và bố trí gái bán dâm. Trong đó, Ngân chính là đối tượng môi giới cho phi vụ mua bán dâm đã bị tổ công tác CATP Hải Phòng bắt quả tang chiều ngày 4/4 vừa qua.

Bình luận về sự việc Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trong trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra có đủ căn cứ chứng minh các đối tượng Tuyết Ngân, Văn Hùng, Duy Hùng, Văn Hải có hành vi môi giới mại dâm, thì họ sẽ bị xử lý theo điều 255 Bộ luật hình sự quy định về tội môi giới mại dâm:

“Hot girl” 17 tuổi phạm tội môi giới mại dâm: Trách nhiệm thuộc về gia đình? - 1

Cụ thể, “Điều 255 - Tội môi giới mại dâm”:

1. Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

Theo đó, môi giới mại dâm là hành vi làm trung gian, tổ chức móc nối, dụ dỗ, dẫn dắt để cho người mại dâm và người khác quan hệ tình dục với nhau. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện các hành vi dụ dỗ, móc nối, dẫn dắt người mại dâm và người mại dâm đã có sự nhận lời, thỏa thuận. Như vậy, nếu cơ quan điều tra có đủ các căn cứ và chứng cứ chứng minh 4 đối tượng trên có hành vi môi giới mại dâm thì hành vi của Duy Hùng, Ngân, Văn Hùng và Hải đã có dấu hiệu cấu thành tội môi giới mại dâm theo Điều 255 BLHS và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 255 BLHS.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của Nguyễn Thị Tuyết Ngân đã bị bắt giữ khi mới 17 tuổi - là người chưa thành niên. Tội môi giới theo Điều 255 BLHS có mức khung hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù giam và mức khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam, vì vậy căn cứ theo khoản 1 Điều 74 BLHS, hành vi của Nguyễn Thị Tuyết Ngân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà pháp luật quy định.

Ông Hòe cũng khẳng định những người mua dâm cũng sẽ phải chịu mức phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể, tùy theo tính chất và mức độ mà hành vi mua dâm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Đối với hình thức xử phạt hành chính, người mua dâm có thể bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ theo Điều 22 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình:

Đối với hình thức xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu những người mua dâm có hành vi mua dâm đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì họ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua dâm người chưa thành niên theo Điều 256 BLHS. Mức khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 15 năm tù giam. Nếu người mua dâm biết mình nhiễm HIV mà vẫn cố ý có hành vi giao cấu, lây truyền bệnh cho người khác thì người mua dâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo Điều 117 BLHS. Mức khung hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù giam” - Luật sư phân tích.

Đối với hành vi bán dâm của những đối tượng trong vụ việc, Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết: Trước tiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Cũng như môi giới mại dâm và mua dâm, hành vi bán dâm cũng bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể, điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi này:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.

3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Như vậy, người bán dâm có thể sẽ bị phạt tiền với mức cao nhất là 500.000 đồng. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính (hành vi bán dâm hoặc bán dâm cho nhiều người cùng một lúc) có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng giống như người mua dâm, nếu người bán dâm biết mình nhiễm HIV mà vẫn cố ý dùng các hình thức, thủ đoạn (ví dụ như giao cấu với người khác) để làm cho người khác cũng bị nhiễm HIV thì hành vi của họ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo Điều 117 BLHS.

Bày tỏ băn khoăn về trường hợp của đối tượng Tuyết Ngân, mới 17 tuổi đã có hành vi môi giới mại dâm, Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng: Cần phải nhắc đến đầu tiên chính là trách nhiệm của bố mẹ và gia đình đã không quan tâm sát sao tới Tuyết Ngân, để em bước vào con đường phạm pháp khi còn chưa thành niên. Ở tuổi 17 đáng lẽ em sẽ là một thiếu nữ vô tư, trong sáng cùng bạn bè trang lứa học tập ở trường và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và con đường tương lai vẫn còn rộng mở ở phía trước, nhưng Ngân lại trở thành một “tú bà” trong đường dây mại dâm.Thực tế, theo cơ quan chức năng không chỉ có một trường hợp Tuyết Ngân mà còn có nhiều vụ án khác mà đối tượng chưa thành niên nhưng đã trở thành người môi giới mại dâm.

“Pháp lệnh phòng chống mại dâm đã quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong vấn đề phòng chống mại dâm (từ Điều 11 cho đến Điều 21). Trách nhiệm này không thuộc về của riêng ai mà cần phải có sự phối hợp của toàn xã hội: gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục, Ủy ban nhân dân, cơ quan tuyên truyền và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền. Thế nhưng, tình trạng mại dâm ở trẻ vị thành niên vẫn xảy ra ngày càng phổ biến. Một lần nữa, cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề quản lý, giáo dục đối với trẻ vị thành niên để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng phạm tội ở trẻ vị thành niên”- ông Hòe bày tỏ.

Thanh Trầm