Cà Mau:
Hợp đồng thế chấp tài sản vay tiền nghi bị “phù phép”: Có dấu hiệu cố ý làm trái quy định?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Nghi vấn hợp đồng thế chấp tài sản vay tiền bị phù phép” xảy ra tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), theo luật sư Nguyễn Minh Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, trong vụ việc này có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định nhằm chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ “Nghi vấn hợp đồng thế chấp tài sản vay tiền bị phù phép”, phản ánh về trường hợp vợ chồng ông Tô Thiên Phong và bà Huỳnh Thị Hiền khi vay tiền ngân hàng không thế chấp toàn bộ nhà, đất nhưng khi ra tòa thì bất ngờ phát hiện trong hồ sơ vay tiền của họ lại có thế chấp, Luật sư Nguyễn Minh Hòa - Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, trong vụ việc này có hành vi cố ý làm trái nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Hòa, trong Hợp đồng tín dụng giữa vợ chồng ông Phong và Ngân hàng Agribank Cà Mau chỉ thế chấp phần đất là 6,5m x 18,25m và nhà 4,05m x 18,25m, chiều cao 5 tầng. Thế nhưng, biên bản thẩm định giá tài sản thế chấp ngày 16/2/2016 là toàn bộ đất ngang 6,5m, dài 18,25m và nhà cũng ngang 6,5m, dài 18,25m, chiều cao là 8 tầng; đồng thời, Ngân hàng Agribank Cà Mau yêu cầu phát mãi toàn bộ tài sản nêu trên là không có căn cứ.
Về đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ngày 24/10/2011 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Cà Mau mà ngân hàng trưng ra tại tòa thì Luật sư Hòa cho rằng, cần xác định lại tính trung thực của văn bản này. Bởi trước đây, vợ chồng ông Phong có liên hệ làm việc với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì đơn vị này trả lời không có đăng ký. Sau đó, TAND TP Cà Mau có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin và kết quả trả lời tương tự như đã trả lời cho vợ chồng ông Phong. Thế nhưng, ngày 28/5/2015, phía ngân hàng lại cung cấp văn bản của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Cà Mau với nội dung có thế chấp thì quả là điều vô lý.
Một vấn đề bất thường nữa là ngày 24/10/2011, vợ chồng ông Phong ký Hợp đồng tín dụng số 01-2011 và hợp đồng thế chấp cùng ngày. Thế nhưng, hồ sơ thể hiện ngày 11/11/2011 (tức sau đó gần 1 tháng), vợ chồng ông Phong mới hoàn thành nghĩa vụ trả tiền theo Hợp đồng tín dụng số 01-2010. Như vậy, vợ chồng ông Phong ký Hợp đồng tín dụng lần 2 và hợp đồng thế chấp trước khi hoàn thành nghĩa vụ của Hợp đồng tín dụng lần 1, tức hợp đồng lần 1 chưa hết hiệu lực.
Riêng đối với việc thế chấp tài sản của bên thứ 3 của ông Ngô Minh Chiến và bà Lâm Thị Hồng thì Luật sư Hòa cho rằng, ông Chiến - bà Hồng thừa nhận có ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ 3 số 01-2010 và Hợp đồng tín dụng này vợ chồng ông Phong đã hoàn trả, tất toán đủ số tiền cũng như lãi suất cho ngân hàng. Vì thế, ngân hàng cho rằng ông Chiến - bà Hồng ký hợp đồng thế chấp số 01-2010 để bảo lãnh cho Hợp đồng tín dụng số 01-2011 là không có cơ sở, trái với quy định của pháp luật.
“Bên thứ 3 không hề ký hợp đồng thế chấp cho Hợp đồng tín dụng số 01-2011 nên việc ngân hàng yêu cầu phát mãi tài sản của bên thứ 3 là không có căn cứ. Bởi, ngay phần hiệu lực của hợp đồng thế chấp có quy định, khi người vay thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ thì xem như hợp đồng thế chấp hết hiệu lực và ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận cho ông Chiến - bà Hồng. Từ cơ sở này có thể thấy phía ngân hàng đã có hành vi cố ý làm trái nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Chiến - bà Hồng”, Luật sư Hòa nhận định.
Như Dân trí đã phản ánh, vợ chồng ông Tô Thiên Phong và bà Huỳnh Thị Hiền (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có ký Hợp đồng tín dụng số 01-2010 với Ngân hàng Agribank Cà Mau để vay số tiền 8 tỷ đồng, thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng là 12 tháng. Khi vay, vợ chồng ông Phong thế chấp nhà, đất tọa lạc số 13 Hùng Vương (TP Cà Mau) do vợ chồng ông đứng tên và 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Ngoài ra, còn có hợp đồng thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất của bên thứ 3 là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở số 5901040305 do ông Ngô Minh Chiến - bà Lâm Thị Hồng đứng tên. Đến hạn mức tín dụng, vợ chồng ông Phong đã thanh toán lãi và vốn. Hai bên cũng đã tất toán Hợp đồng tín dụng theo quy định.
Về sau, vợ chồng ông Phong tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng số 01-2011 để vay số tiền 10,5 tỷ đồng. Mục đích vay là để kinh doanh cây kiểng, sản xuất đồ dùng bằng bê tông, kinh doanh trang trại giống cây trồng. Thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18,5%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Tuy nhiên, sau khi vay tiền, kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, cộng với việc lãi suất vay ngân hàng thời điểm này cao ngất ngưỡng nên đến thời hạn trả nợ nhưng vợ chồng ông Phong không thanh toán vốn và lãi cho ngân hàng.
Trước việc trên, Ngân hàng Agribank Cà Mau đã kiện vợ chồng ông Phong ra tòa án TP Cà Mau. Theo tính toán của ngân hàng này, tổng vốn và lãi phát sinh đến tháng 9/2016 là trên 20 tỷ đồng. Ngân hàng Agribank Cà Mau yêu cầu thanh lý tài sản thế chấp bảo đảm các khoản vốn vay trên để thu hồi nợ. Khi ra tòa, vợ chồng ông Phong xin giảm bớt lãi, rồi sẵn sàng trả nợ. Tuy nhiên, yêu cầu này không được phía ngân hàng chấp nhận.
Vấn đề đặt ra là khi tham dự tòa sơ thẩm, vợ chồng ông Phong rất bất ngờ trước hợp đồng thế chấp mà Ngân hàng Agribank Cà Mau đưa ra và cho rằng, một số chứng cứ trong hồ sơ vụ án là giả mạo, trong đó việc vợ chồng ông không có ký tên. Khi vợ chồng ông Phong yêu cầu xem xét làm rõ việc hồ sơ có giả mạo hay không và đề nghị cho xem hồ sơ gốc (bản chính) thì không được tòa cấp sơ thẩm chấp thuận.
Theo đó, vợ chồng ông Phong đã có đơn gửi cơ quan công an, đề nghị làm rõ việc giả mạo giấy tờ của vợ chồng ông để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình; đồng thời, xử lý các cá nhân, tổ chức đã làm giả mạo giấy tờ. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Cà Mau) đã trả lại đơn vì cho rằng trách nhiệm thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Tuấn Thanh