Quảng Nam:
Hơn 8 tỷ đồng tiền cổ phần tự dưng “bốc hơi” ở Công ty Đại Hưng
(Dân trí) - Phát hiện số cổ phần trị giá 8,25 tỷ đồng của mình tại Công ty Đại Hưng (Quảng Nam) đột nhiên biến mất, bà Kim Đan, trú tại K84/15, đường 2/9, Q.Hải Châu, Đà Nẵng đã viết đơn khiếu nại phản ánh vụ việc gửi tới các cơ quan pháp luật và Dân trí.
Cổ phần hợp pháp, tự dưng biến mất
Với tâm trạng hoang mang lo lắng, bà Đan cho biết: Cty Đại Hưng có vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng chẵn, tương đương 60.000 cổ phần, trong đó ông Dư Đình Mỹ góp nhiều nhất là 3 tỷ đồng, tương đương 30.000 cổ phần, ông Phan Quang Công góp 1,8 tỷ đồng, tương đương 18.000 cổ phần và nắm chức danh Giám đốc điều hành, 2 bà Kim Thị Thủy và Đoàn Phan Kim Đan cùng góp 600 triệu đồng, tương đương 6000 cổ phần.
Qua gần 5 năm hoạt động, đến trước ngày 20/4/2011, công ty Đại Hưng đã 6 lần xin thay đổi Giấy phép đăng ký kinh doanh với những lý do như: thay đổi tên cổ đông và tỷ lệ vốn góp, bổ sung ngành nghề kinh doanh. Ngày 20/4/2011, Công ty Cổ phần Đại Hưng có thông báo số 49/2011 - CV gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam về việc “Đăng ký danh sách cổ đông của Công ty” trong đó thể hiện rõ 3 cổ đông còn lại của Công ty vào thời điểm bấy giờ là ông Phan Quang Công, ông Trần Công Ích và bà Đoàn Phan Kim Đan, trong đó bà Đan sở hữu 825.000 cổ phần, tương đương 8,25 tỷ đồng. Căn cứ vào những giấy tờ hợp lệ này mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 7 cho Công ty.
Tiếp xúc với PV, bà Đan vô cùng bức xúc cho biết: “Sau khi nhận được thông tin mình tự nhiên mất số cổ phần tại Cty Đại Hưng, bà Đan đã trực tiếp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cũng như thông qua đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu sự việc. Và đến khi được Luật sư cung cấp các tài liệu liên quan, bà Đan mới ngã ngửa khi biết mình đã bị lừa và số cổ phần bị mất của bà đã được dàn xếp thông qua những giấy tờ giả mạo hết sức tinh vi”.
Giả mạo chữ ký, chiếm đoạt tài sản?
Làm việc với các phóng viên, bà Đan cho biết những giấy tờ mà bà cung cấp là do vị Luật sư của đoàn Luật sư Đà Nẵng đã đưa lại cho bà. Theo những giấy tờ mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cung cấp cho luật sư, những căn cứ pháp lý để họ quyết định cấp lại giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 cho Công ty Đại Hưng là do bà Đan đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trị giá 8,25 tỷ đồng cho 2 ông là Nguyễn An Hưng và Đỗ Như Quang đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội bằng hai bản Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/01-HĐCN và số 02/01-HĐCN được lập cùng một ngày 01/01/2012, và việc mua bán trên là hoàn toàn hợp lệ bởi đã có chữ ký của các bên liên quan.
Chưa dùng lại ở đó, khi được hỏi về một bằng chứng vô cùng quan trọng chứng minh việc mua bán cổ phần đã hoàn thành và hợp pháp đó là phiếu chi mà Công ty Cổ phần Đại Hưng đã lập ngày 01/01/2012, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cung cấp với nội dung công ty này chi trả 8,25 tỷ đồng vốn góp của bà Đan theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 và 02 nêu trên, trong đó có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan và bà Đan chính là người đã ký tên dưới phần người nhận tiền, một lần nữa bà Đan lại xác định chữ ký trên phiếu chi là hoàn toàn giả mạo và không phải do bà ký.
Tắc trách hay cố ý?
Trong suốt quá trình gặp gỡ bà Đan để tìm hiểu thông tin, các PV đều rất thắc mắc và có chung một câu hỏi là tại sao một sự việc tưởng chừng rất đơn giản và dễ giải quyết nhưng xảy ra đã khá lâu mà đến nay vẫn chưa cơ quan nào đứng ra giải quyết. Về phía bà Đan khi được hỏi bà cũng bày tỏ sự hoài nghi và búc xúc cho biết:
“Ngay từ cuối năm 2012, khi phát hiện sự việc số cổ phần của mình tại công ty Đại Hưng đột nhiên biến mất, tôi đã ngay lập tức đến tìm hiểu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Mặc dù đã trình bày rõ ràng mình là người có nghĩa vụ liên quan cũng như bị hại, nhưng cả 2 lần tôi đều bị các chuyên viên của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam từ chối cho tiếp xúc với hồ sơ. Tất cả những thủ tục, giấy tờ liên quan mà tôi cung cấp cho báo chí cũng chính do luật sư đưa cho chứ không phải nhận trực tiếp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam”.
Điều bà Đan thấy khó hiểu hơn cả là khi biết được chữ ký trong Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và Phiếu chi không phải là của mình, bà đã ngày lập tức gửi đơn khiếu nại qua đường bưu điện đến Sở kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, nhưng thời gian trôi qua bà vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào.
Cách đây 2 tuần, bà Đan trực tiếp đến Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam để hỏi thì các bộ phận liên quan đều trả lời không nhận được bất cứ văn bản nào từ phía bà Đan. Do lo sợ sự việc sẽ rơi vào im lặng nên lúc đó bà Đan đã phải ngay lập tức chạy ra ngoài thuê người đánh máy lại đơn tố cáo và đưa tận tay văn thư nhờ chuyển trực tiếp đến ông Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay đã gần nửa tháng trôi qua mà bà Đan vẫn không nhận được bất cứ sự hồi âm nào.
Tại sao trước một sự việc nghiêm trọng đến như vậy mà khi bà Đan đến báo cáo và xin tiếp xúc với hồ sơ vụ việc thì các chuyên viên của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam lại cố tình ngăn cản bà và không báo cáo lên cấp trên, để sự việc rơi vào im lặng? Khi bà Đan gửi đơn tố cáo qua đường bưu điện, có tên người nhận cùng địa chỉ rõ ràng nhưng khi hỏi lại thì không ai nhận được? Phải chăng đây là một sự vô trách nhiệm thường thấy ở các cơ quan công quyền, hay một sự cố ý bắt nguồn từ một động cơ nào đó nhằm tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật?.
Tất cả những câu hỏi trên xin được chuyển đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, xùng các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Quảng Nam tiến hành điều tra trả lời công dân theo đúng quy định pháp luật.
Ban Bạn đọc