An Giang:

Hơn 7 năm vẫn chưa được hầu toà

(Dân trí) - Ông Trí không biết vì sao vụ việc của ông bị ngành toà án An Giang “trì hoãn” hơn 7 năm qua. Đến năm 2010, TAND tối cao đã ra quyết định yêu cầu TAND huyện Thoại Sơn xét xử lại, nhưng đến nay ông Trí vẫn chưa được hầu toà.

Vụ việc nêu trên là của ông Nguyễn Văn Trí (1951) ngụ ấp Phú An, thị trấn Phú Hoà, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau hơn 13 năm gia đình ông Trí “mòn dép” đi gõ cửa ngành chức năng, nhưng vụ tranh chấp đất và tài sản trên đất với ông Nguyễn Tấn Thành (1968) ngụ ấp Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vẫn chưa được giải quyết.

Vợ nhỏ lập di chúc khống?

Trong hồ sơ vụ việc ông Trí được mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Phụng (1925) uỷ quyền và đại diện các cho các đồng thừa kế và thừa kế thế vị (gồm anh em của ông Trí - PV) tiến hành khởi kiện ông Nguyễn Tấn Thành (và những người liên quan) có hành vi chiếm đoạt căn nhà mái ngói và mảnh đất có diện tích 141,5m2 đất tại 128/13, nay là căn nhà số 17, (đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Núi Sập, huyện thoại Sơn, tỉnh An Giang) mà ông Thành đã đập căn nhà 128/13, xây dựng lại căn nhà số 17 hiện tại.

Ông Trí trình bày, chủ sở hữu căn nhà mái ngói và mảnh đất 141,5m2 tại 128/13 là của ông bà ngoại ông là cụ nguyễn Văn Diễu (chết 1980) và cụ Nguyễn Thị Tỏ (1984). Khi còn sống, ông Diễu có 2 vợ; vợ cả là cụ Nguyễn Thị Tỏ, cụ Diễu và cụ Tỏ có 3 người con chung là ông Nguyễn Khoái, bà Nguyễn Thị Phụng và ông Nguyễn Văn Cu; Vợ hai của cụ Diễu là bà Võ Thị Lẫy, cụ Diễu và cụ Lẫy không sống chung và cũng không có con chung, nhưng cụ Lẫy có 01 người con riêng là ông Nguyễn Văn Lén là cha của anh Nguyễn Tấn Thành.

Hơn 7 năm vẫn chưa được hầu toà

Dù đã có "chỉ đạo" của TAND tối cao từ năm 2010 nhưng đến nay TAND huyện Thoại Sơn vẫn chưa đưa vụ việc ra xét xử

Khi còn sống, cụ Diễu và cụ Tỏ tạo lập được ngôi nhà trên diện tích 141,5m2 đất tại số 128/13 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, còn cụ Lẫy ở nơi khác. Cụ Diễu chết năm 1980, cụ Tỏ chết năm 1984, ngôi nhà 128/13 làm nơi thờ phụng hai cụ và người trong họ tộc; giao cho ông Nguyễn Văn Cu trông coi, quản lý.

Năm 2001, ông Cu chết, anh Thành tự ý đập phá căn nhà trên và làm nhà ở cho mình. Khi hay chuyện, bà Phụng và các con yêu cầu chính quyền địa phương  giải quyết thì mới biết căn nhà và mảnh đất nêu trên đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận và quyền sử dụng đất cho anh Thành, dựa vào tờ di chúc do cụ Lẫy lập cho anh Thành trước khi cụ Lẫy chết năm 1990.

Giấy đất đã thu hồi, toà vẫn làm ngơ

Trước sự trớ trêu này, bà Phụng khiếu nại đến chính quyền địa phương vì bà cho rằng, nhà và đất là do cha mẹ của bà để lại; Hơn nữa cụ Lẫy không được cha bà là cụ Diễu lập di chúc hoặc uỷ quyền định đoạt tài sản nên không có quyền lập di chúc cho ông Thành. Sau khi xác minh lại sự việc, ngày 13/9/2005 UBND huyện Thoại Sơn đã ban hành quyết định số 17/QĐ.UB về việc thu hồi giấy chứng nhận và quyền sử dụng đất mà địa phương đã cấp cho ông Thành.

Tuy nhiên, ông Thành vẫn không đồng ý giao trả đất và bồi thường căn nhà mái ngói và vật dụng trong ngôi nhà 128/13, nên bà Phụng tiến hành khởi kiện (uỷ quyền cho ông Trí) và được toà án nhân dân huyện Thoại Sơn thụ lý số 40/TLST.DS ngày 28/4/2006 và hơn một năm sau, toà án huyện Thoại Sơn ra quyết định đình chỉ vụ án số 40/2007/QĐST – DS ngày 14/5/2007 lí do không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

Ngày 23/5/2007, ông Trí tiếp tục kháng cáo lên toà án nhân dân tỉnh An Giang thì bị toà án An Giang bác đơn với lí do kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của toà án nhân dân tỉnh An Giang (14/6/2007), ông trí làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng và Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Toà sơ thẩm “lờ” quyết định toà án tối cao?

Đến ngày 26/8/2010, toà án nhân dân tối cao ra quyết định số 567/2010/DS – GĐT về việc huỷ quyết định số 09/2007/QĐ.PT, ngày 14/6 của toà án nhân dân tỉnh An Giang và quyết định số 40/2007/QĐST – DS ngày 14/5/2007 của toàn án huyện Thoại Sơn. Đồng Thời yêu cầu toà án nhân dân huyện Thoại Sơn xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Khi có quyết định của toà án nhân dân tối cao, ông Trí rất vui mừng và nộp đơn khởi kiện cho toà án nhân dân huyện Thoại Sơn trả lại đớn khởi kiện cho ông Trí vì cho rằng không thuộc thẩm quyền.

Ông Trí gửi đơn khiếu nại lên toà án nhân dân tỉnh An Giang và được TAND tỉnh An Giang ra quyết định số 190/2012/QĐ.TA ngày 3/5/2012 huỷ quyết định 01 của Chánh án TAND huyện Thoại Sơn và yêu cầu TAND huyện Thoại Sơn nhận lại đơn khởi kiện, tài liệu và chứng cứ để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Hơn 7 năm vẫn chưa được hầu toà

Ông Trí đứng bên căn nhà mới do ông Thành đập phá căn nhà thờ họ tộc ông Trí và xây dựng lại căn nhà mới khang trang như thế này

Ông Trí cho biết: “Đến ngày 29/5/2012 TAND huyện Thoại Sơn mới ra thông báo số 131/2012/TLST – DS thụ lý vụ án nhưng đến nay hơn 1 năm trời nhưng vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử. Toà án cứ mời tới, mời lui, mỗi một lần mời cả chục anh em, bà con chòm xóm (những người uỷ quyền và làm chứng) phải bỏ công ăn việc làm lên toà rồi nghe nói mấy câu lại cho về, chẳng biết đến khi nào tui mới được hầu toà”.

Ngoài ra, ông Trí cho biết, ban đầu chỉ có 1 lá đơn nhưng qua 8 năm số đơn từ đã lên đến 30 – 40 kg giấy, tốn không biết bao nhiêu là tiền bạc, sức lực,… nhưng gì gia đình ông còn tin vào công công lý, vào pháp luật nên ông sẽ tiếp tục khởi kiện đến cùng, dù một hai vị nắm cán cân công lý nhưng lại nghiêng về một bên.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân - Văn phòng Luật sư Thanh Tân (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho biết: “Căn cứ nội dung khiếu nại và các chứng cứ, văn bản có trong hồ sơ: Ngày 29/5/2012 TAND huyện Thoại Sơn đã có thông báo thụ lý vụ án số: 139/2012/TLST-DS gởi cho ông Nguyễn Văn Trí. Nhưng cho đến nay 11 tháng mà Tòa án vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, việc TAND huyện Thoại Sơn kéo dài thời gian giải quyết vụ án như trên là không đúng quy định pháp luật. Cụ thể:
 
Căn cứ nội dung khởi kiện, quan hệ pháp luật tranh chấp: nguyên đơn ông Nguyễn Văn Trí: 1/ Yêu cầu ông Thành phải bồi thường giá trị căn nhà phủ thờ và các tài sản khác trong nhà như: tủ thờ, bàn thờ, ảnh thờ, lư hương, bàn ghế, giường nằm, cây trồng,.... 2/ Yêu cầu ông Thành, ông Quang, bà Duyên phải tháo dỡ căn nhà mới xây dựng giao trả diện tích đất 141,5m2 cho các thừa kế. Đây là tranh chấp theo khoản 2,6,7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
 
Theo quy định pháp luật tại điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTDS quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án quy định tại Điều 25 BLTTDS thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. (Thông báo thụ lý vụ án số 131/2012/TLST-DS ngày 29/5/2012). Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 điều này.
 
Theo LS Tân, việc TAND huyện Thoại Sơn không đưa vụ án ra xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự về thời hạn giải quyết vụ án được quy định trong BLTTDS đồng thời đã trực tiếp làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp  của công dân được pháp luật bảo vệ (về vật chất, về tinh thần).
 Nguyễn Hành