Bà Rịa – Vũng Tàu:
Hơn 5 năm bị “cô lập” bởi cảnh không điện, phải chui rào vào nhà
(Dân trí) – Muốn ra vào nhà, gia đình bà Lan phải vượt qua 2 lớp rào chắn, nếu không thì phải chui hàng rào rồi băng rẫy cà phê. Cơ cực gấp bội khi gia đình bà phải sống cảnh thắp đèn dầu mấy năm trời vì đường dây điện bị hàng xóm phá hoại từ lâu.
Bị hàng xóm “cô lập”
Dù tận mắt chứng kiến nhưng chúng tôi vẫn không tin nổi đó là sự thật. Một câu chuyện đắng lòng xảy ra ở nơi mà chính quyền địa phương đang bất lực trước sự lộng hành, ngang ngược, coi thường luật pháp của hai người dân.
Đường đến nhà bà Hoàng Thị Lan, ngụ tại tổ 16, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là những dãi rừng cao su sâu hun hút, bụi đất đỏ mịt mù, đá lộ lổm chổm. Nhà bà không có ngõ nên phải đi chui qua đám rẫy cà phê. Con trai của bà vừa dẫn chúng tôi “chui” rẫy vừa phân trần: “Ngõ thì có nhưng hàng xóm chắn mất rồi”.
Trong căn nhà trống giữa bốn bề là rẫy cà phê, hồ tiêu và cao su, bà Lan thở dài khi nói về nỗi thống khổ của gia đình khi hơn 5 năm qua không có lối đi.
Bà Lan kể, năm 1996, bà mua lại mảnh đất 2ha từ người em trai. Đến năm 1998 thì đăng ký quyền sử dụng đất. Trước đó, nhà bà có ngõ đi ra đi vào. Cái ngõ là con đường nông thôn dài hơn 200m, rộng hơn 3m. Để tiện việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất, gia đình bà đã đầu tư hơn chục triệu đồng để nâng cấp con đường. Vốn là đường đi chung do nhà nước quản lý nên việc đi lại của nhà bà Lan chẳng có ai cản trở, tranh chấp gì.
Thế nhưng, ngày 10/11/2008, ông Chề Văn Hùng (ngụ tổ 16, ấp Phú Lộc) cùng một số người khác đã rào chắn con đường, không cho người nhà bà Lan đi lại và còn tuyên bố là muốn đi thì phải mua lại con đường. Ông Hùng còn cắt dây, xô ngã 2 cột điện bê tông nhà bà Lan. Tiếp đó, ông Lý Tàu Chắn (giáp ranh với nhà bà Lan và nằm phía trong phần đất của ông Hùng) lại đào một cái hào sâu 1m chắn ngang lối đi rồi trồng thêm 9 cây gòn để tạo thành bức “giao thông hào” kiên cố.
Từ đó đến nay, đã hơn 5 năm ròng rã gia đình bà Lan sống trong cơ cực và đầy uất ức. Không có điện sinh hoạt và phục vụ việc tưới tiêu khu vườn cà phê, không có lối đi vào nhà… Đời sống gia đình bà Lan gặp không ít khó khăn và ngày càng xuống dốc về vật chất lẫn tinh thần.
Gần 6 năm, không giải quyết xong vụ tranh chấp con đường
Quá bức xúc trước hành vi của những người hàng xóm, bà Lan viết đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần hòa giải nhưng sự việc cũng chưa được giải quyết. Ông Hùng cho rằng, bà Lan phải xác định là đi nhờ trên đất của ông Hùng, công khai xin lỗi thì ông mới bỏ qua và cho đi lại trên đường này.
Ngày 22/4/2009, UBND xã Hòa Hiệp đã lập biên vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Chề Văn Hùng và ông Lý Tàu Chắn vì hành vi cản trở việc lối đi chung đối với gia đình bà Lan. Ngày 4/5/2009, UBND xã Hòa Hiệp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hùng và ông Chắn nhưng cả 2 ông đều không chấp hành.
Tiếp đó, ngày 1/7/2010, UBND xã Hòa Hiệp ra quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với ông Chề Văn Hùng và ông Lý Tàu Chắn. Ngày 12/7/2010, UBND xã Hòa Hiệp tổ chức cưỡng chế đối với ông Hùng và ông Chắn để tháo dỡ hàng rào lấy lại lối đi cho bà Lan. Hai ông này không chấp hành và có thái độ chống đối quyết liệt. Họ huy động hơn 50 người (trong đó có người già và phụ nữ) cản trở rồi chửi bới cả đoàn cưỡng chế. Sự việc nghiêm trọng hơn khi họ dùng gậy gộc đánh đập, thậm chí là đạp lên người của lực lượng cưỡng chế khiến 5 công an và cán bộ xã bị thương phải đưa đi cấp cứu.
Công tác cưỡng chế gặp nhiều khó khăn và sự chống trả quyết liệt, lực lượng chức năng phải khống chế đưa về UBND xã 17 đối tượng, riêng Chề Văn Thạch (em ruột của Chề Văn Hùng) đã bỏ trốn sau khi đánh trọng thương một công an huyện.
Tuy vậy, ngày 25/8/2010, chỉ hơn một tháng sau ngày cưỡng chế, ông Hùng và ông Chắn lại tiếp tục rào chắn lại lối đi trên. Đoạn giáp ranh giữa ông Hùng với ông Chắn thì rào bằng kẽm gai, nhiều trụ gỗ, cây chắn lối đi rộng 3m, dài 10m, cao 1,5m. Đoạn giáp ranh giữa ông Chắn với bà Lan thì rào bằng 2 hàng trụ cây và cho trồng tiêu bên dưới, tạo nên hàng rào rộng 3,5m, dài 2m, cao 2m.
Trước đó, ngày 13/4/2010, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc đã có quyết định xử lý về việc tranh chấp đất đai giữa các hộ trên. Theo đó, công nhận diện tích đất đang tranh chấp là đường công cộng do nhà nước quản lý. Yêu cầu hộ ông Chề Văn Hùng, ông Lý Tàu Chắn tháo dỡ hàng rào do tự ý dựng lên, trả lại nguyên trạng con đường và đảm bảo việc đi lại cho bà Hoàng Thị Lan.
Tuy nhiên, sự việc rồi vẫn không đâu vào đâu, trong khi hàng chục lá đơn kêu cứu của gia đình bà Lan gửi đi khắp nơi vẫn rơi vào tình trạng lãng quên, vô vọng. Từ đó đến nay, bà Lan cùng gia đình lại tiếp tục những tháng ngày sống trong cảnh khó khăn chồng chất. Hơn 5 năm qua, gia đình bà Lan phải chui lủi trong vườn của người khác để đi vào nhà, trong khi đó lối đi chung mà gia đình bà bỏ công sức, vật tư ra làm thì bị người khác rào chắn lại, nhưng chính quyền địa phương vẫn không có động thái dứt khoát để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà. Hệ thống điện bị phá hoại nên bao năm qua nhà bà Lan phải thắp đèn dầu, không có đường vào nhà nên cũng không thể mua xe máy để đi lại cho thuận tiện, vận chuyển phân bón, cà phê bằng cách duy nhất là vác từng bao đi nhờ qua rẫy người khác để ra vào nhà. Con cái đi học phải cõng qua rẫy. Không những thiệt hại về kinh tế mà tinh thần của mọi người suy sụp nghiêm trọng.
“Khổ lắm chú ơi! Gia đình tôi bại sản rồi”, bà Lan than oán cho số phận mà bao năm nay chỉ trời xanh mới thấu hiểu. Cám cảnh nhất là đứa cháu nội mới chào đời cách đây vài ngày cũng phải tiếp nối số phận của ông bà, cha mẹ là “chui rào vào nhà”.
Khi chúng tôi hỏi về việc gia đình bà Lan bị cô lập quá lâu, không lối đi, không điện nước sinh hoạt, ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp phân trần rằng người dân chỉ khiếu nại về đường nên về chuyện điện, nước ông không nắm được?!
“Phía xã sẽ tiếp tục mời hai hộ lên để hòa giải, nếu không được thì mới nhờ sự can thiệp của huyện. Quan điểm của chính quyền địa phương là giải quyết cho ấm lòng tình làng nghĩa xóm”, ông Huân nói.
Công Quang – Quốc Anh