Bài 5:
Hơn 13 năm, 10 phiên tòa mòn mỏi đi đòi một thửa đất: Thua kiện vì một bản sơ đồ!?
(Dân trí) - Phiên tòa thứ 11 được mở với những hi vọng của gia đình ông Nguyễn Trường Nam sẽ có những chuyển biến tốt…Thế nhưng cuối cùng Tòa lại tuyên giao toàn bộ diện tích đất cho bà Phạm Thị Cúc vì dựa vào một bản sơ đồ có thể nói không thể thuyết phục!?
Gia đình ông Nam cho rằng tòa đã bỏ qua, phớt lờ mà chưa xem xét đầy đủ các chứng cứ liên quan và ông sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn.
Phiên tòa thứ 11 để giải quyết tranh chấp một thửa đất
Như Dân trí đã thông tin trước đó, trong 13 năm qua ông Nguyễn Trường Nam và vợ là Nguyễn Thị Hiên mỏi mòn đội đơn đi khắp các cơ quan chức năng có thẩm quyền để đòi lại quyền sở hữu đối với thửa đất mà mẹ mình để lại.
Theo đó, cụ Nguyễn Trung Duông và vợ là cụ Lê Thị Dung về vùng Làng Trại - nay là khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An lập nghiệp. Qua quá trình sinh sống, năm 1956, Chủ tịch UBHC tỉnh Nghệ Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 21, địa bạ số 21 cho cụ Nguyễn Trung Duông trong đó ghi rõ:
Ruộng đất được cày cấy trồng trọt có 17 thửa, 3 mẫu, 1 sào và 5 thước. Ruộng đất không cày cấy trồng trọt có 1 thửa gồm 1 sào 4 thước. Thửa đất này đã được vợ chồng cụ Duông và tổ tiên khai hoang phục hóa, luân hồi sử dụng không mua bán, đổi chác, không tranh chấp và được sử dụng ổn định.
Năm 2000, thực hiện Nghị định 60/CP thành phố Vinh đo và vẽ bản đồ địa chính thể hiện thửa số 6, tờ bản đồ số 18, diện tích 544,5m2 với tên chủ hộ là bà Lê Thị Dung. Năm 2001, bà Dung viết giấy giao cho hai con gái là Nguyễn Thị Hiên và Nguyễn Thị Đoan được quyền thừa kế thửa đất nói trên.
Năm 2003, cụ Lê Thị Dung họp gia đình lập Biên bản giao đất cho các con. Trong đó bà Phạm Thị Cúc (bà Cúc chỉ là con dâu) được giao 831,9 m2 thửa số 4 tờ bản đồ số 18. Bà Nguyễn Thị Hiên và Nguyễn Thị Đoan được thừa kế diện tích đất 544,5 m2 ở khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập, TP Vinh.
Cũng trong thời gian này bà Phạm Thị Cúc (con dâu cụ Dung) làm đơn xin cấp GCNQSDĐ với diện tích 831,9 m2 được thẩm định quy hoạch là thửa số 4 tờ bản đồ số 18 diện tích 831,9 m2. Tuy nhiên, sau đó thẩm định địa chính lại trình bộ hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ là 1.376,4 m2 do bà Cúc có đơn xin gộp hai thửa đất số 4 và số 6 lại làm một.
“Lúc đó, sau khi bà Cúc có đơn xin cấp 831,9 m2 được thẩm định và công khai tại phường. Thửa đất này cũng là bố mẹ để lại cho vợ chồng bà Cúc nên chúng tôi không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì, cán bộ địa chính lại sửa hồ sơ là giấy tờ cấp cho bà Cúc diện tích 1.376,4 m2 trong đó bao gồm cả thửa đất mà cha mẹ để lại cho hai chị em chúng tôi. Bộ hồ sơ này, thời điểm đó chúng tôi không được biết, chỉ đến khi thấy đất của mình bị đem cấp cho người khác chúng tôi mới tra lại hồ sơ thì mới biết sự việc”, bà Nguyễn Thị Hiên cho biết.
Mọi thủ tục sửa đổi hồ sơ sau khi niêm yết công khai được thực hiện giữa cá nhân bà Cúc, không thông báo đến những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, chủ sở hữu đích thực của thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18. Sau đó từ bộ hồ sơ giả mạo về nội dung và tờ trình của phường Hà Huy Tập, UBND TP Vinh đã cấp GCNQSDĐ số 05188 cho bà Phạm Thị Cúc với diện tích 1376,4 m2 (đã gộp hai thửa đất số 4 và số 6).
Cực chẳng đã, bà Lê Thị Dung và các con là ông Nam bà Hiên đành khởi kiện vụ án ra tòa. Những phiên tòa xét xử liên tiếp được diễn ra, đến phiên tòa thứ 10 của Tòa hành chính phúc thẩm - TAND Tối cao tại Hà Nội đã đưa ra tại bản án số 242/2011/HC-PT ngày 07/12/2011 và Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội nêu rõ: Sau khi phân tích tài liệu chứng cứ liên quan vụ án và đối chiếu quy định của pháp luật xác định, UBND TP Vinh ban hành Quyết định 47/QĐ-UB ngày 11/3/2003 về việc cấp GCNQSDĐ theo nhu cầu và cấp GCNQSDĐ số 05188 cho bà Phạm Thị Cúc với diện tích 1376,4 m2 là không đúng theo quy định của pháp luật.
Vì thế TAND tối cao quyết định, hủy một phần Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 11/3/2003 của UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An về việc cấp GCNQSDĐ theo nhu cầu đối với hộ bà Phạm Thị Cúc và GCNQSDĐ số 05188/QSDĐ ngày 11/3/2003 của UBND TP Vinh cấp cho bà Phạm Thị Cúc…
Thua vì một bản sơ đồ sai luật
Sau phiên tòa, bà Nguyễn Thị Hiên và Nguyễn Thị Đoan tiến hành làm các thủ tục cần thiết để thừa kế mảnh đất mà mình để lại nhưng phía bà Phạm Thị Cúc lại “có đơn” gửi chính quyền địa phương.
Sau đó địa phương tiếp tục hướng dẫn các bên ra tòa để giải quyết dứt điểm vụ việc. Mới đây nhất phiên tòa thứ 11 (vào trung tuần tháng 7/2017) liên quan đến tranh chấp mảnh đất trên được diễn ra. Cuối cùng Hội đồng xét xử đã tuyên giao toàn bộ thửa đất trên cho bà Phạm Thị Cúc.
Tại bản án số: 07/2017/DS-ST ngày 17/7, nêu: Các tài liệu đất đai của UBND phường Hà Huy Tập, hộ cụ Dung đứng tên thửa đất số 42 với diện tích 1.919,7 m2 và thửa số 6 tờ bản đồ số 18 với diện tích 544,5 m2. Hộ bà Cúc đứng tên thửa đất số 4 tờ với diện tích 831,9 m2. Tuy nhiên theo bà Cúc vì không có mặt ở nhà, bà không ký vào biên bản nên có việc nhầm lẫn từ đất của bà Cúc sang đất của cụ Dung. Năm 2001 bà Cúc làm đơn xin cấp GCNQSDĐ với diện tích 831,9 m2, thời điểm này bà Cúc mới biết thửa đất số 6 ghi tên cụ Dung nên xin nhập 2 thửa làm 1.
“Trên thực tế việc quản lý đất đai giai đoạn đó không đòi hỏi có quyết định cấp đất như giai đoạn sau này. Sơ đồ cấp đất ở cho bà Cúc vào ngày 5/3/1986 ghi rõ vị trí, diện tích, tứ cận phù hợp với bìa đỏ bà Cúc được cấp vào năm 2003. Tuy nhiên sơ đồ cấp đất có sự nhầm lẫn nên vẽ sai mũi tên chỉ hướng bắc. Đây không phải là lỗi của bà Cúc. Vì vậy cần xác định sơ đồ cấp đất ở cho bà Cúc là một trong những giấy tờ hợp lệ”, tòa trích văn bản số 49 năm 2009 của Tổng cục quản lý đất đai để chứng minh rằng sơ đồ cấp đất năm 1986 của bà Cúc là hợp lệ.
Từ các chứng cứ phân tích, không có căn cứ xác định thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18 là tài sản của cụ Dung. Việc cụ Dung tự lập di chúc, văn bản chia tài sản này cho bà Hiên, bà Đoan là không có cơ sở nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện trả lại thửa đất của nguyên đơn, cần bác bỏ 3 nội dung khởi kiện của nguyên đơn.
“Hội đồng xét xử căn cứ vào tờ sơ đồ cấp đất trước đó cho bà Phạm Thị Cúc vào ngày 5/3/1986. Tờ sơ đồ này đã không có giá trị pháp lý, không phải là chứng cứ để cấp đất, điều đó đã được tòa án tối cao khẳng định.
Tòa án tỉnh Nghệ An cho rằng, đất đó là của cụ Dung nhưng sau đó đã trả lại cho hợp tác xã nên hợp tác xã có quyền cấp lại cho bà Cúc. Như vậy là không đúng, bởi cụ Dung trả đất lại cho hợp tác xã mảnh nào, thửa nào trong số diện tích trong 20 thửa đất mà cụ đang sở hữu không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh cụ thể số thửa, diện tích … Tại sao lại có thể ấn định như vậy”, ông Nguyễn Trường Nam bức xúc.
Tại biên bản số 06/HCTK về việc kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm số 02/HCPT ngày 10/12/2004 của tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Chánh án tòa án nhân dân tối cao nêu rõ: Về căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phạm Thị Cúc: Xét thấy quy định tại điểm 3.a; Chương 2, Thông tư số 1990/2001, của Tổng cục địa chính hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khoản 2, điều 4 quy định về các loại giấy tờ hợp lệ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở … thì sơ đồ cấp đất ngày 5/3/1986 không phải là giấy tờ để được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho bà Phạm Thị Cúc có hợp lệ không cần phải xem xét thời điểm năm 1986, trước khi cấp đất cho bà Cúc, UBND xã Hưng Dũng có làm tờ trình và có được UBND TP Vinh phê duyệt hay không? Hạn mức đất ở là bao nhiêu, việc UBND xã Hưng Dũng cấp cho bà Cúc diện tích đất có phù hợp với thực tế…
Đồng thời trong các biên bản kết luận liên quan đến hồ sơ cấp đất ở cho bà Cúc cho thấy có dấu hiệu tẩy xóa. Con số từ 831,9 m2 được sửa thành hơn 1.376,4 m2 trong đó hợp nhất hai thửa số 4 và thửa số 6 tờ bản đồ số 18 đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ rõ.
Trong báo cáo giải trình vụ việc ông Đặng Minh Thao - cán bộ Phòng TN&MT TP Vinh là người được giao thẩm định hồ sơ cấp đất cho bà Phạm Thị Cúc nêu rõ: Qúa trình giải quyết vụ việc, ông Đặng Minh Thao đã có báo cáo chỉ rõ những sai phạm và sửa chữa hồ sơ cấp đất cho bà Phạm Thị Cúc.
Trong báo cáo của ông Thao cũng thể hiện rõ: Mặc dù phần việc của Ban 60 chưa xong, nội dung ý kiến của hai người thẩm định còn trái chiều nhưng ông Đình Xuân Bình vẫn tham mưu ban hành quyết định cấp GCNQSDĐ cho bà Phạm Thị Cúc với diện tích 1376,4 m2 mà không nêu rõ cách xử lý của mình, là giải quyết một cách mập mờ.
Trong hồ sơ có sửa chữa, tẩy xóa từ con số 831,9 m2 thành 1376,4 m4. Việc này dễ dàng nhận thấy khi soi qua ánh sáng. Việc làm này do cán bộ địa chính phường Hà Huy Tập thực hiện. Và được sự “thông cảm” của một số cán bộ Ban 60 TP Vinh. Sơ đồ bà Phạm Thị Cúc trình bày không phù hợp với thửa đất số 6 theo quy hoạch … vì vậy cấp thêm thửa đất số 6 cho bà Phạm Thị Cúc là sai.
Đồng thời, trong Công văn 604/KL.UBND.KT của UBND tỉnh Nghệ An về việc kết luận những nội dung tố cáo của ông Nguyễn Trường Nam và bà Nguyễn Thị Hiên cũng nêu rõ:
Các sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ số 05188/QSDĐ ngày 11/3/2003 cho bà Phạm Thị Cúc đã được kết luận tại bản án số 01/2011/HCST ngày 1/7/2011 của tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Đồng thời UBND tỉnh Nghệ An cũng đã kiểm điểm các cá nhân sai phạm.
“Tôi thấy phiên tòa có nhiều điều chưa thỏa đáng. Sơ đồ cấp đất sai cả về pháp lý cũng như không đúng với thực địa nhưng vẫn được Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cho là chứng cứ pháp lý đáng tin cậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo lên cấp cao hơn để đòi lại quyền lợi hợp pháp mà mình được hưởng”, ông Nam cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hiên bức xúc: “Sau nhiều ngày nghị án, thì tòa tuyên như vậy trái ngược với quan điểm của Viện kiểm sát phát biểu trước đó khiến ai cũng không tin được. Sau đó còn liên tục đốc thúc bà Cúc nhanh làm sổ đỏ đi, phải chăng tòa đang cấu kết với bà Cúc để làm sai luật …”, nói đoạn bà Hiên lắc đầu ngao ngán.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Nguyễn Duy