Vụ kiện đầu tiên về bản quyền sách:

Hồi chuông thức tỉnh việc tôn trọng bản quyền

(Dân trí) – Việc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News khởi kiện 2 trung tâm ngoại ngữ quốc tế là vụ kiện đầu tiên về bản quyền sách tại Việt Nam. Nhiều người hy vọng rằng, qua vụ kiện này, ý thức tôn trọng bản quyền tại nước ta được nâng cao?!.

Ở Việt Nam, vấn đề về bản quyền tác giả xem ra còn khá hờ hững. Các vụ vi phạm bản quyền tác giả, sao chép sách/đĩa lậu… vẫn diễn ra hàng ngày. Khi bị phát hiện thì các đơn vị vi phạm cũng chỉ bị xử phạt hành chính nên họ tỏ rõ thái độ “nhờn thuốc”. Đó là nhận định của Thạc sĩ, luật sư Châu Huy Quang, hãng luật LCT Lawyers, người có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp...

Luật sư Quang cho rằng, các vụ xâm phạm bản quyền âm nhạc, xuất bản sách… là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các đối tượng dùng thủ đoạn làm giả 100%, hoặc nhái kiểu dáng, màu sắc, hình ảnh tương tự nhãn hiệu có uy tín, được bảo hộ để lừa người tiêu dùng. Các đối tượng này còn tự ý sao chép, nhân bản, phân phối sản phẩm làm “nhái” với mục đích thương mại rất phổ biến, đăc biệt là ở các trung tâm ngoại ngữ tại TPHCM, Hà Nội… Các trung tâm này táo tợn khi “bê nguyên xi” nội dung, mẫu mã sách của nhà xuất bản khác. Tinh vi hơn là sách lưu hành nội bộ, tập bài giảng do trung tâm “sáng tạo” là sách chuyên dùng của trường nhưng thật ra là lấy sách của nhà xuất bản tách ra làm 2, 3 phần, thay đổi kết cấu… để biến thành tác phẩm của mình. Việc đổi tựa khiến học viên, đôi khi không muốn mua ở trung tâm mà vào nhà sách tìm mua cũng không có nên phải quay về mua của trung tâm. Có khi, để đối phó cơ quan chức năng, đơn vị làm sách lậu tổ chức in bìa một nơi, in ruột nơi khác, các chương in khác nhau, xáo trộn…

Sách lậu giá cao hơn sách thật 30 – 70%. Một CD ngoại ngữ thật bán 12.000 đồng, CD giả giá 20.000-25.000 đồng. Một cuốn sách thật giá 100.000 đồng, trung tâm Anh ngữ lại chia làm 3 cuốn sách. Sau khi thay bìa, đổi tựa, trung tâm này bán lại cho học viên 1 bộ 3 cuốn cũng với giá 100.000 đồng/cuốn, nhưng muốn học hết chương trình thì phải mua 3 cuốn với tổng cộng số tiền là 300.000 đồng, cao gấp 3 lần cuốn sách thật. Nhiều cuốn sách giả ghi là giảm giá 50% nhưng thật ra vẫn còn đắt hơn sách thật. Nhà sách Trí Việt, cuốn hạt giống tâm hồn bán 28.000 đồng, in lậu bán giá 36.000 đồng/cuốn; cuốn Bảy thói quen thành đạt cho bạn trẻ của First News thì in lậu bán giá cao hơn 70% sách thật…

“In lậu thì không tốn tiền bản quyền, không thuế, chi phí thiết kế mẫu mã, chi phí nhân công ít… nên những kẻ làm ăn gian dối luôn tìm cách in lậu để trục lợi”, luật sư Quang khẳng định.
Hồi chuông thức tỉnh việc tôn trọng bản quyền  - 1
Những cuốn sách lậu này lại bán đắt hơn sách thật

Hậu quả của việc sao chép, in lậu sách… trước mắt là người tiêu dùng bỏ ra một số tiền lớn để mua một sản phẩm không chính gốc, thậm chí có khi cao hơn tiền mua sách có bản quyền. Còn với các đơn vị được bảo hộ thì khi bị làm nhái sẽ gây tổn thất lợi nhuận, tổn thất tinh thần, cơ hội kinh doanh bị mất… Trong khi đó, các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500 triệu đồng mà chưa có vụ nào bị đưa ra xử lý hình sự.

Để bảo vệ nhãn hiệu, tác quyền, các chủ sở hữu bản quyền được bảo hộ phải bỏ số tiền không nhỏ khắc phục hậu quả thiệt hai do bị làm nhái, đầu tư cho việc ngăn ngừa bị làm giả. Chi phí để điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của đơn vị làm giả cũng không nhỏ.

Việc chứng minh hành vi vi phạm thì đơn giản nhưng chứng minh thiệt hai vật chất, tổn thất tinh thần của đơn vị bị làm giả để tòa chấp nhận trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại không đơn giản. “Các chứng cứ, lập luận phải hợp lệ, hợp lý. Tuy nhiên, chứng minh tính hợp lý, hợp lệ để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì rất khó trong thực tế. Một khó khăn nữa là ở Việt Nam chưa có tòa án chuyên trách, thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ, trong khi lĩnh vực này tương đối trừu tượng. Luật sư, người hỗ trợ pháp lý chuyên về lĩnh vực này cũng không nhiều nên việc đảm bảo in ấn, xuất bản các tác phẩm chính gốc có những trở ngại nhất định”, luật sư Quang cho biết.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của người từng có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, luật sư Châu Huy Quang cho rằng trong vấn đề bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp, nhà xuất bản, nhạc sĩ, họa sĩ… nếu sợ bị tâm lý đánh đồng, ngại người tiêu dùng tẩy chay mà bỏ qua thì càng khuyến khích cho người vi phạm. Do vậy, nếu các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp theo đuổi vụ việc quyết liệt, đến cùng thì dựa trên nền tảng pháp luật hiện nay, trong một thời gian ngắn vấn nạn vi phạm sở hữu trí tuệ chắc chắn cải thiện được.
Hồi chuông thức tỉnh việc tôn trọng bản quyền  - 2
Sách/CD học ngoại ngữ thường bị các trung tâm "nhái" một cách tinh vi

Nói về vụ kiện đầu tiên về bản quyền sách của First News, luật sư Châu Huy Quang cho rằng, việc khởi kiện này là “phát pháo” đầu tiên, mở ra hướng giải quyết mới đối với nạn vi phạm bản quyền và xâm hại nhãn hiệu hàng hóa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News cho biết, công ty ông chính thức khởi kiện 2 đơn vị là Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Úc Châu (trụ sở chính 203 Võ Văn Ngân, Linh Chiểu, Thủ Đức, thuộc chủ đầu tư là Công ty TNHH giáo dục – đào tạo Duy Khang) và Trung tâm Anh văn Hội Việt Úc – Công ty TNHH Hội Việt Úc (429 Tùng Thiện Vương, P.12, Q.8, TPHCM) vì đã có hành vi photo, sao chép, cố tình vi phạm bản quyền sách, CD mà First News, Nhà xuất bản Compass đã được nhà nước bảo hộ bản quyền.

Ba năm trước, First News đã phát hiện hành vi gian lận của 2 trung tâm này nhưng qua nhiều lần cảnh báo, họ vẫn không khắc phục. “Họ vẫn tiếp tục vi phạm nên đây là giọt nước tràn ly và tôi sẽ làm đến cùng vụ kiện này. Số tiền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của 2 trung tâm này là 760 triệu đồng. Nếu thắng kiện, sau khi trừ chi phí, First News sẽ dùng toàn bộ số tiền còn lại để trao tặng học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo khó, học giỏi”, ông Phước cho biết.

Công Quang