Bạn đọc viết:
“Hóa vàng” cho những dự án vĩ cuồng
(Dân trí)- Tỉnh Phú Yên đã chính thức thu hồi dự án thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa, có tổng mức đầu tư 11,4 tỉ USD của Tập đoàn Galileo Investment Group Inc (Mỹ).
Sẽ có người không tin bởi một đất nước GDP ngót 100 tỷ USD mà có dự án khủng như vậy? Những dự án “trên giấy” kiểu như vậy có thể tô điểm cho thành tích thu hút FDI của Việt Nam những năm qua? Nhiều khi người làm báo cáo và người đọc báo cáo vô tình hay hữu ý quên đi vế sau của vấn đề - đó là vốn cam kết và vốn đã giải ngân.
Cam kết đầu tư cũng giống như một anh nào đó đi mua nhà. Chủ nhà nói giá cao tội gì không trả giá cao cho chủ nhà thích. Còn mua hay không mua nhiều khi lại là việc của mình. Trả bừa một câu mất gì đâu, có mua đâu mà sợ. Chỉ khổ những người đến sau. Không biết dự án này chủ đầu tư đã đặt cọc bao nhiêu?
Sau khi là nước thứ 150 gia nhập WTO, Việt Nam như một ngôi sao đang lên trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những người lạc quan đã dự đoán rằng chúng ta phải chuẩn bị mọi điều kiện để đón đầu tư nước ngoài, vì chắc chắn sẽ có một làn sóng đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam rất mạnh.
Trên thực tế quả có là như vậy. Nhưng đã có rất nhiều các dự án trên giấy kiểu như trên. Làm thế nào để một tỉnh làng nhàng như Phú Yên có thể hấp thụ một dự án lớn như vậy khi cơ sở hạ tầng còn yếu, khi nhân lực, trình độ quản lý còn bất cập?
Một dự án đường sắt cao tốc trị giá 60 tỷ USD đã làm nóng nghị trường Quốc hội mà cho đến giờ phút này Quốc hội và Chính phủ vẫn phải đang cân nhắc. Một dự án gấp đôi như vậy mà sao không giám sát từ ban đầu để đến bây giờ phải tuýt còi gây nên những hậu quả xấu cho môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam? Chúng ta đã có đủ năng lực để tiêu số tiền gấp đôi GDP hay chưa mà những người có trách nhiệm nghĩ chuyện tiêu trăm tỷ USD cứ như chơi?
Nếu dự án trên được triển khai, đồng nghĩa với 60% diện tích đất đai tỉnh Phú Yên được đem cho các ông chủ tư bản dầu lửa thuê với các điều kiện rõ ràng không có lợi cho chúng ta khi: “Đặc khu kinh tế có được các quyền tự quản lý ở mức độ cao đối với môi trường kinh doanh, thiết lập một hệ thống quản lý, pháp lý, tư pháp theo tiêu chuẩn quốc tế. Vùng đất thuộc Đặc khu kinh tế được dựng hàng rào để ngăn cách”.
Chỉ cần đọc những dòng này thì có thể thấy chủ quyền quốc gia ở đâu khi 60% tỉnh Phú Yên thuộc lãnh thổ nước mình mà lại thiết lập một hệ thống pháp luật tiêu chuẩn quốc tế? Đặc biệt thời gian cho thuê sẽ là 210 năm. Họ định cho thuê hay bán hơn một nửa tỉnh Phú Yên đây? Tại sao người ta lại có thể yên tâm mà đặt bút chấp thuận một dự án có quá nhiều bất lợi cho phía Việt Nam đến như vậy?