Bài 9:
Hoả hoạn đang đe doạ cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, chủ đầu tư vẫn phớt lờ?
(Dân trí) - Cụm nhà chung cư 229 phố Vọng được xếp vị trí thứ 03 trong 79 nhà chung cư cao tầng có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong khi hàng nghìn người dân tại đây đang khẩn thiết kêu cứu thì chủ đầu tư vẫn phớt lờ các chỉ đạo của cơ quan chức năng?
Trở lại với vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, những ngày qua, cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ khi chứng kiến liên tiếp 02 vụ cháy xảy ra tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai và vụ cháy xảy ra tại ngõ 41 Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội cướp đi sinh mạng của 01 cụ già và 01 người phụ nữ, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Trước thực trạng cháy nổ ngày càng khó kiểm soát, thái độ vô trách nhiệm, làm ngơ trước chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và phát triển nhà (Công ty Đầu tư xây lắp) và Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và du lịch Sao Mai (Công ty Sao Mai) đã đẩy hàng nghìn con người đang sinh sống tại cụm nhà chung cư rơi vào tình thế nguy hiểm, từng ngày từng giờ phải nơm nớp lo sợ khi sinh sống trong cụm nhà chung cư được xếp vị trí thứ 03 trong 79 nhà chung cư cao tầng có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Liên quan đến trách nhiệm đối với công tác phòng cháy chữa cháy và các sai phạm của Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai trong công tác phòng cháy chữa cháy tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đã từng nhận định: Theo quy định của pháp luật thì việc tổ chức thi công cũng như nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy và đưa vào sử dụng theo đúng thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm duyệt là trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình. Đối với vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu của vụ việc, kết luận của Phòng cảnh sát PC&CC số 1 cũng như thông tin cư dân cụm nhà chung cư cung cấp thì Công ty Đầu tư xây lắp đã tự ý thay đổi công năng, thiết kế hệ thống PCCC và không tổ chức nghiệm thu đầy đủ các hạng mục của hệ thống phòng cháy và chữa cháy trong cụm nhà chung cư. Rõ ràng hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đe dọa trực tiếp an toàn tính mạng, tài sản của hàng nghìn người đang sinh sống tại cụm nhà chung cư bởi:
Thứ nhất, hành vi thay đổi khu vực thang máy tại hai tòa nhà thành hệ thống đổ rác so với thiết kế được cơ quan phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; tự ý thay đổi thiết kế diện tích tầng 01 cụm nhà chung cư, ngăn chia gian phòng để cho thuê phòng tập gym, quán cafe, nhà trẻ, điểm chơi game…của chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đe dọa an toàn về tính mạng, tài sản của cư dân cụm nhà chung cư.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/04/2003 hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy cho tới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy thì chủ đầu tư có trách nhiệm: “Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt”. Như vậy, chủ đầu tư khi tiến hành xây dựng cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng có trách nhiệm thực hiện thi công công trình theo đúng thiết kế đã thẩm duyệt, không được tự ý thay đổi hạng mục so với thiết kế đã được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Sở Xây dựng TP Hà Nội đốc thúc giải quyết.
Hành vi này của chủ đầu tư đã vi phạm xuyên suốt các quy định của pháp luật từ Điều 16 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 35/2003/NĐ-CP cho tới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của toàn thể cư dân đang sinh sống trong cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng khi xảy ra sự cố cháy nổ và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức phạt lên tới 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Thứ hai, hành vi không tổ chức nghiệm thu đầy đủ các hạng mục của hệ thống phòng cháy chữa cháy cụm nhà chung cư của Công ty Đầu tư xây lắp là hành vi trái quy định pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 35/2003/NĐ-CP, điểm d khoản 2 Mục VI Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định 35/2003/NĐ-CP cho tới quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Hoạt động nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy chữa cháy theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt.
Văn phòng Thành uỷ Hà Nội vào cuộc vụ cư dân chung cư 229 phố Vọng kêu cứu
Tuy nhiên, căn cứ theo kết luận của Phòng cảnh sát PC&CC Số 1, Công ty Đầu tư xây lắp chỉ mới tổ chức nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy của tòa nhà A1, tòa nhà A2 mà chưa tiến hành nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy chữa cháy của cụm nhà chung cư. Hành vi không tiến hành nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy, chữa cháy của cụm nhà chung cư là hành vi vi phạm xuyên suốt các quy định pháp luật từ khoản 1 Điều 18 Nghị định 35/2003/NĐ-CP, điểm d khoản 2 Mục VI Thông tư 04/2004/TT-BCA cho tới Điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các cư dân, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của các cư dân cụm nhà chung cư.
Ngoài các sai phạm nêu trên, Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai còn có hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực PCCC như: lối thang bộ thoát nạn từ các tầng trên còn thông trực tiếp với tầng hầm; nền sân ngoài trời tòa nhà A2 được xây nâng lên che mất khe thông gió của phòng máy biến áp tầng hầm; chưa có giải pháp chỉ dẫn thoát nạn từ khu vực buồng thang bộ ra sảnh tầng 1; hệ thống báo cháy tự động tại tòa nhà A1, A2 chưa được kết nối liên động với thang máy, hệ thống thông gió, hút khói tại tầng hầm và hệ thống tăng áp buồng thang; chưa trang bị hệ thống chữa cháy tự động Spinkler tại tòa nhà…(Các sai phạm này đã được Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 kết luận tại điểm 1 mục III Báo cáo số 167/BC-PC&CC1(Đ2) và thực tế kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy ngày 28/6/2017).
Có thể thấy, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ngõ 41 phố Vọng khiến cho 02 người thiệt mạng một phần là do ngạt khí và không có lối thoát nạn vì ngôi nhà được xây theo thiết kế “chuồng cọp”. Nếu trong trường hợp xảy ra cháy tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, khi hệ thống thông gió, hút khói không được đảm bảo, khi lối thang bộ thoát nạn từ các tầng trên còn thông trực tiếp với tầng hầm và hoàn toàn không có giải pháp chỉ dẫn thoát nạn từ khu vực buồng thang bộ ra sảnh tầng 1 thì cư dân sinh sống tại cụm nhà chung cư, đặc biệt là những người lớn tuổi và trẻ em sẽ không thể xoay sở để thoát khỏi đám cháy.
Phòng cảnh sát PC&CC số 1 cũng đã thực tế kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng và yêu cầu Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai khắc phục những tồn tại về PCCC tại cụm nhà chung cư. Mặc dù vậy, đến nay 02 đơn vị này vẫn tiếp tục “phớt lờ”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế