Hoa biệt ly
(Dân trí) - Nghề báo tạo cho chúng tôi vị thế nằm trong số những người tiếp xúc sớm nhất với các loại thông tin, vậy mà tôi vẫn chẳng thể nào rèn được cho mình sự cứng cỏi trước những “tin dữ” liên quan tới thảm họa, đau thương, mất mát…
Hoa hoàng lan (ảnh minh họa).
Một trong những lần như thế, tôi viết bài “Bông hồng cho De Melo” giữa những tiếng nấc nghẹn khi hay tin đại diện cao nhất đầu tiên của Liên Hợp Quốc tại Iraq kể từ sau thời cuộc chiến năm 2003, đã tử nạn trong một vụ đánh bom tại vùng Xanh vốn được canh phòng rất cẩn mật ở thủ đô Baghdad.
Mới trước đó ít lâu, tôi còn được bạn bè chỉ cho thấy ông De Melo tại tổng hành dinh Liên Hợp Quốc ở New York, với lời giới thiệu đầy ngưỡng mộ: ông là chuyên gia gỡ rối thường được Liên Hợp Quốc cử tới những vùng khó khăn nhất, nóng bỏng nhất trong nỗ lực hỗ trợ kiến tạo hòa bình. Trong chuyến công du cuối cùng ấy, từ trong đống đổ nát của tòa nhà bị bom đánh sập, ông gọi cú điện thoại di động cuối cùng báo tin mình còn sống. Thế mà!
Sau khi chuyển sang làm thời sự trong nước, tôi không thể nào quên lần viết bài trong nước mắt đớn đau, khi chân vẫn lấm lem bùn đất sau chuyến đi chuyển quà của bạn đọc gửi tới đồng bào vùng lũ lụt tại Hà Tĩnh. Ngày ấy nước sông Lam cũng hung hãn dâng ngập bờ, nhấn chìm bao làng mạc, gây bao cảnh đau thương mất mát với những người dân nghèo quê cha, quê mẹ của tôi.
Giờ đây dòng sông Lam quê tôi lại cuốn trôi tài sản, nhà cửa, cướp đi những mạng sống của đồng bào tôi, vò xé thêm những tấm lòng đau giờ đây chỉ còn biết thắp lên những ngọn nến, những nén hương, bên những đóa hoa biệt ly thoảng mùi hương vấn vương, xa xót?
Tiếc thương người bị nạn, xót thương cho những người thân chẳng bao giờ lành được vết thương lòng quá lớn, trong đó có em – một em gái phương xa mà tôi chỉ được biết đến qua những dòng comment đau buồn do bạn đọc Quang Duẩn - email: quangduankorea@yahoo.com từ Hàn Quốc gửi về:
Kiều Anh