Hỗ trợ thiệt hại bão… 2.000 đồng và câu chuyện "đúng quy trình"
(Dân trí) - Việc một người dân bỏ công, bỏ việc để đi nhận đền bù thiệt hại do bão số tiền... 2.000 đồng, theo bạn đọc thì đây chính là minh chứng cho văn hóa "đúng quy trình" đang phổ biến ở nước ta.
Sự việc một người dân ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam phản ánh vừa nhận mức hỗ trợ thiệt hại do bão lũ gây ra năm 2020 với số tiền 2.000 đồng đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Theo đó, giấy mời của UBND xã Tam Vinh có nội dung: "Kính mời bà Nguyễn Thị K.T. đúng vào lúc 14h ngày 25/11/2021 đến tại nhà sinh hoạt văn hóa thôn Bình Thạnh, xã Tam Vinh để nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do bão số 6, 9 gây ra năm 2020". Hình ảnh đăng kèm với giấy mời là tờ tiền trị giá 2.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) - cho hay, trường hợp bà T. bị thiệt hại sau bão nên kê khai đề nghị hỗ trợ, cán bộ xã đến kiểm tra, lập danh sách. Qua kiểm tra mức thiệt hại của bà này chỉ một cây chuối trên diện tích thiệt hại là 10 m2.
Theo Chủ tịch xã Tam Vinh, xã đã tiến hành kê khai, mức hỗ trợ theo quy định, về thiệt hại cây công nghiệp, ăn quả hơn 70% thì mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Bà T. bị thiệt hại 10 m2 thì mức hỗ trợ chỉ 2.000 đồng.
Chủ tịch xã Tam Vinh cũng cho hay, trước khi nhận tiền, xã đã niêm yết cho người dân được biết tại nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên người dân chưa quan tâm đến chuyện này nên khi đến nhận số tiền ít như vậy cũng bất ngờ.
Nhiều người bày tỏ ý kiến rằng: "Đây là kết quả làm việc quan liêu. Bởi nếu danh sách hỗ trợ 2.000 đồng thì người lập phải báo cáo và người duyệt cần phải có chỉ đạo phương án xử lý, để dân không mất thời gian mà chính quyền cũng đỡ tốn giấy mực".
"Đúng là chuyện đùa, 2.000 đồng chưa mua được cốc nước chè. Nếu thấy mức bồi thường như vậy, UBND xã nên thông báo cho khổ chủ biết: thiệt hại chưa đến mức được bồi thường...".
Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cho rằng, việc làm của UBND xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam không có gì sai. Có thể khi xây dựng quy định này, người ban hành đã không lường trước được tình huống số tiền bồi thường có thể vô cùng ít ỏi, không đáng so với công sức, thời gian người dân bỏ ra chờ đợi để hưởng.
Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại điều 5 quy định mức hỗ trợ: "1. Hỗ trợ đối với cây trồng: e) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha".
Theo khoản 7 Điều 21 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT xác định rằng, Cây ăn quả lâu năm: Gồm các cây lâu năm có sản phẩm thu hoạch là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến (kể cả chuối).
Tỷ lệ % quy định ở đây được xác định là tỷ lệ thiệt hại với cây trồng- khi thiệt hại đến tỷ lệ này thì được hỗ trợ. Tuy nhiên căn cứ để quy đổi số tiền hỗ trợ lại được xác định theo diện tích có cây trồng bị thiệt hại.
Như vậy gia đình bà T. trồng chuối trên diện tích 10m, bị gãy đổ do bão thì tính quy đổi theo công thức: "thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha" thì 10m được hỗ trợ 2.150 đồng là hoàn toàn đúng, đủ theo quy định pháp luật.
Sự "tréo ngoe" ở đây là số tiền đó quá thấp, gần như không có giá trị đáng kể so với việc người dân mất nhiều giờ chờ đợi để được nhận nó.
Luật sư Lực nêu quan điểm: "Sau khi xảy ra tình huống hi hữu trên, thiết nghĩ khi sửa đổi bổ sung Nghị định, cơ quan soạn thảo cần thêm nội dung giới hạn số tiền hỗ trợ để thực hiện việc chi trả hay không. Có thể bổ sung nội dung: Nếu số tiền hỗ trợ quy đổi dưới 50 nghìn đồng thì không chi trả".