Hiện đại - “hại điện”

(Dân trí) - Đó là cách chơi chữ nhằm phản ánh mặt trái, những tác động tiêu cực của việc ứng dụng không đúng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại.

Không ai phủ nhận những tác động tích cực, to lớn của những phát minh sáng chế khoa học kĩ thuật đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng những thành tựu đó một cách ồ ạt và thiếu cân nhắc, nhiều khi đem lại những hậu quả khôn lường, tác động rõ rệt nhất là huỷ hoại môi trường.

Liên hiệp quốc đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng môi trường bị huỷ diệt. Việc áp dụng không đúng cách các thành tựu khoa học công nghệ càng làm cho quá trình tàn phá môi trường diễn ra với một tốc độ cao khó tưởng tượng.

Trước đây, công việc “vác dao đẵn gỗ trên ngàn” hết sức gian nan, cực khổ. Một cây cổ thụ, cả nhóm 5-7 người có khi phải chặt cả tuần mới hạ được. Dùng sức người, sức trâu bò để kéo gỗ ra khỏi rừng cũng không hề dễ dàng. Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ những không thể đưa ra khỏi rừng. Do đó, việc chặt phá không gây tổn hại nhiều đến rừng.

Ngày nay, với chiếc cưa xăng cầm tay, trong chốc lát, một người đã cắt phăng một cây cổ thụ hàng trăm năm. Việc kéo gỗ, chở gỗ đã có máy móc, thậm chí có nơi người ta còn huy động cả máy bay trực thăng, nhổ luôn cả rễ cây.

Từ chiếc bẫy thô sơ, cung tên, “công nghệ” săn bắn thú rừng đã chuyển đổi sang súng tự tạo, súng săn, súng quân dụng. Tàn ác hơn, có nơi người ta còn dùng thuốc chuột để tiêu diệt cả đàn khỉ một lúc. Những động vật trước đây rất nhiều, nay đang lần lượt được ghi vào sách đỏ.

Người ta dùng máy thu âm ghi tiếng chim gọi đàn, rồi phát lại để dụ chim vào bẫy. Hàng ngàn, hàng vạn con chim, dù giác quan đã được trời phú cho tinh nhạy, đôi cánh mạnh mẽ, cũng không thoát khỏi bàn tay con người.

Không biết ai nghĩ ra chiếc kích điện (nghe nói do người Trung Quốc phát minh), khiến cho công việc của ngư ông vốn vất vả, khó khăn trở nên rất “đơn giản, gọn nhẹ”, nhưng huỷ diệt luôn cả mầm sống của tôm cá. Thậm chí có người còn bắt dây, dí luôn nguồn điện 220V để bắt cá, có khi gây nên cái chết cho cả người bắt cá.   

Kĩ thuật câu cá cũng đã phát triển đến mức kinh ngạc. Trong mùa lũ, có những chiếc lưới ba tầng trị giá hàng chục triệu đồng, không để lọt lưới từ con tép cho đến cá lớn hàng chục cân. Anh bạn tôi khoe đi câu cá khoảng hơn 1 tiếng đã được 2 - 3 cân cá rô. Tôi không tin, anh nói không phải câu kiểu “cổ điển” đâu, mà dùng mồi nhử, do người có bí quyết chế tạo ra. Rải mồi xuống ao, cá tập trung lại một chỗ, cứ tha hồ giật bỏ giỏ.

Thiên nhiên có quy luật sinh tồn, tạo nên sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Tạo hoá đã có “lập trình” sẵn cho mỗi sinh vật những khả năng đặc biệt để sinh tồn. Ví dụ con kì nhông có thể thay đổi màu sắc theo môi trường, con hươu, con ngựa có khả năng chạy nhanh, loài voi có khứu giác cực kì tinh nhạy, những loài vật yếu ớt, nhỏ bé thì lại có sức sinh sản vô cùng mạnh mẽ… Hổ báo tuy là loài ăn thịt nhưng chỉ ăn thịt những con vật già yếu, hoặc nhỏ, không gây tuyệt diệt loài khác.

Con người, với trí tuệ vượt bậc đã làm chủ thế giới, tác động ngày càng mạnh vào thiên nhiên. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã vượt quá nhiều lần những phẩm chất tạo nên khả năng sinh tồn của thiên nhiên, gây nguy cơ huỷ diệt thiên nhiên. Một khi thiên nhiên bị huỷ diệt, thì cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. 

Ngày nay con người có thể chặn bất cứ dòng sông lớn nào để làm thuỷ điện, thuỷ lợi, chống lũ. Nhưng việc ngăn dòng như vậy cũng có thể gây nên những thảm hoạ khôn lường về môi trường sinh thái. Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang của Trung Quốc là công trình thuỷ lợi vĩ đại nhất thế giới, song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây thảm hoạ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần hết sức cảnh giác với những nguy cơ từ việc áp dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật vào việc khai thác quá mức nguồn lợi từ thiên nhiên, dẫn đến huỷ diệt thiên nhiên. Đó là cách hành xử “ăn xổi ở thì”, “tham bát bỏ mâm” thiếu khôn ngoan. Lời cảnh báo “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” của cha ông nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Nếu biết bảo tồn, đầu tư để thiên nhiên hài hoà, bền vững, thì không những bảo vệ được màu xanh của Trái đất, mà lợi ích từ thành quả đó đem lại là vô cùng lớn.   

Trần Quang Đại

 (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Phát minh và sáng chế là những thành tựu kỳ diệu của trí tuệ loài người, nhưng việc vận dụng những thành tựu đó với ý đồ phục vụ lợi ích của con người hay ngược lại là tùy thuộc vào trình độ hiểu biết cũng như thiện chí của người vận dụng.

Thí dụ điển hình như việc vận dụng phát minh ra năng lượng nguyên tử, nếu được vận dụng vào mục đích hòa bình phục vụ đời sống con người thì đem lại nhiều lợi ích, còn dùng nó để chế tạo bom nguyên tử thì dẫn tới hủy diệt loài người.

Nói riêng về lĩnh vực môi trường, chính do hành động của con người hiện đại với những công cụ khoa học công nghệ có sẵn trong tay là thủ phạm gây ra những thảm họa môi trường như bài viết trên đây đã nêu rõ.

Đấy cũng là bài học đắt giá để mỗi quốc gia cũng như cả loài người hãy tỉnh ngộ dù là muộn màng hãy cùng nhau hợp tác tìm mọi biện pháp để ngăn chặn nguy cơ làm cho môi trường sống ngày càng suy thoái, khí hậu thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, bão tố lũ lụt ngày càng nghiêm trọng.

Cũng vì vậy, sự phát triển nhanh phải đi đôi với sự bền vững. Đấy không chỉ là chiến lược lâu dài mà còn cần quán triệt trong suy nghĩ và hành động để thực hiện những kế hoạch ngắn hạn.