Đà Nẵng:

Hệ thống thoát nước quận Liên Chiểu có nguy cơ chậm tiến độ

(Dân trí) - Đầu tháng 7, các đơn vị liên quan dự án hệ thống thoát nước quận Liên Chiểu - Đà Nẵng đều nêu quyết tâm giải quyết dứt điểm vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra hoàn toàn trái ngược.

Đoạn kênh hở từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt thi công dang dở do vướng giải tỏa
Đoạn kênh hở từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt thi công dang dở do vướng giải tỏa
 
Hệ thống thoát nước mưa Liên Chiểu tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng từ vốn vay của Ngân hàng châu Á (ADB), triển khai từ đầu năm 2011, bao gồm các hạng mục: 2 tuyến kênh hở dài hơn 1,6 km, đáy kênh rộng 6 - 6,5m; 1 tuyến cống hộp 2 cửa dài 540 m, mỗi cửa có kích thước 2,5mX 2,5 m; 2 hồ điều tiết tổng diện tích khoảng 8 ha.

Cho đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành là đoạn kênh hở từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt dài 220m, cống hộp đoạn xuyên qua đường Nguyễn Khuyến dài 50m, một góc của hồ điều tiết Hòa Phú khoảng 1 ha. Tuy khối lượng còn lại không nhiều, nhưng khi mưa xuống, việc tiêu thoát nước trên khu vực rộng lớn hàng nghìn ha của các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (Liên Chiểu), Hòa An, Hòa Phát (Cẩm Lệ) qua hệ thống này ra biển sẽ bị ách tắc và nguy cơ bị ngập úng trên diện rộng như các năm trước khó tránh khỏi.

Đến nay, đã gần cuối tháng 8, tiến độ triển khai những phần việc còn lại của hệ thống thoát nước mưa vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi mưa lũ đã cận kề. Nguyên nhân chủ yếu do vướng giải tỏa, các đơn vị thi công không có mặt bằng triển khai. Đến nay, án ngự trên tuyến kênh từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt là phần đất và nhà của của 5 hộ thuộc tổ 16 phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu); trên cống hộp đoạn còn lại và góc hồ điều tiết Hòa Phú là hơn chục hộ của tổ 31 phường Hòa Minh (Liên Chiểu). Mặc dù, hơn 1 năm nay, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều giải pháp triển khai giải tỏa, nhưng đến nay các hộ này vẫn nhất quyết bám trụ, bởi kiến nghị của họ chưa được đáp ứng.

Tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các hộ thuộc diện giải tỏa tại hệ thống thoát nước mưa này đều đồng tình với chủ trương giải tỏa của thành phố Đà Nẵng. Việc họ chậm bàn giao mặt bằng, chỉ vì chế độ đền bù và bố trí tái đinh cư chưa thỏa đáng. Anh Võ Văn Quang, ở tổ 16 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, một trong 5 hộ phải giải tỏa di dời nhường đất cho kênh hở cho biết: Năm 2004, anh mua lô đất 54 m2 và làm nhà ở cho gia đình, được UBND phường Hòa Khánh Nam xác nhận. Từ đó đến nay, gia đình sinh sống ổn định và có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
Cống hộp chưa thể thi công tiếp do chưa được bàn giao mặt bằng
Cống hộp chưa thể thi công tiếp do chưa được bàn giao mặt bằng

Đầu năm 2011, Hệ thống thoát nước mưa triển khai, nhà anh nằm trong lộ giới phải giải tỏa. Theo anh, việc di dời giải tỏa hoàn toàn nhất trí, tuy nhiên chế độ đền bù và bố trí tái định cư chưa hợp lý. Anh đưa chúng tôi xem Bảng tính giá trị đền bù do Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư – xây dựng số 3 lập ngày 24-6-2011. Bảng lập khá chí tiết, trong đó đất ở 54 m2 được hỗ trợ 60 % của giá đất nông nghiệp 35 nghìn đồng/ m2, thành tiền là 1,134 triệu đồng; nhà cửa: 106 triệu đồng, vật kiến trúc: 541 nghìn đồng, hỗ trợ ổn định đời sống sau giải tỏa: 6,94 triệu đồng, trợ cấp khác: 3,621 triệu đồng. Tổng giá trị đền bù: 118,3 triệu đồng. Gia đình anh được thông báo sẽ bố trí một căn hộ chung cư.

Không chỉ hộ anh Quang mà 4 hộ thuộc diện giải tỏa nhường đất cho kênh hở đều chung hoàn cảnh. Họ cũng không được đền bù về đất ở và bố trí căn hộ chung cư. Đã nhiều tháng nay 5 hộ này liên tục gửi kiến nghị lên chính quyền các cấp, cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại chế độ đền bù và xin được nhận lô đất tái định cư để sớm ổn định đời sống sau giải tỏa. Tại buổi lãnh đạo địa phương tiếp dân vùng giải tỏa mới đây nhất là ngày 31/7 vừa qua, cả 5 hộ tại tuyến kênh hở từ cầu Đa Cô đến cầu đường sắt được thông báo: giữ nguyên mức đền bù đã phê duyệt. Bố trí cho mỗi hộ một lô đất tái định cư đường 5,5m, nhưng phải nộp tiền sử dụng đất gấp 3 lần của lô chính cùng loại đường. Đồng thời họ cũng được gia hạn thời gian cuối để bàn giao mặt bằng là ngày 5/8/2012.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: chế độ đền bù đối với các hộ có hồ sơ đất ba lá rất thấp, quận cũng nhận thấy điều đó, song quy định là vậy, không thể làm khác. Về bố trí tái định cư, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã thống nhất phương án giải quyết là bố trí đất tái định cư cho số hộ này, trị giá đất gấp 3 lần lô chính cùng loại đường. Phương án này phải trình và xin ý kiến của thành phố, đồng ý mới triển khai, khi đó quận mới có văn bản cho từng hộ.

Như vậy việc giải tỏa 5 hộ ở tổ 16 phường Hòa Khánh Nam phải chờ đợi, nhưng không ai biết chính xác phải chờ đợi đến bao giờ, bởi văn bản từ dưới đề xuất lên trên, không phải lúc nào cũng xem xét giải quyết ngay. Đây là nguyên nhân Hệ thống thoát nước mưa Liên chiểu đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, nhưng mưa lũ không chờ đợi ai. Đợt mưa lũ gần cuối năm ngoái, do hệ thống thoát nước mưa Liên Chiểu đang triển khai dang dở, nước thoát không kịp, ngập úng trên diện rộng, hàng nghìn hộ dân nước ngập từ 0,5 m đến 2m.

Vẫn biết, chủ trương chính sách là phải thực hiện, song với các hộ có hồ sơ hỗ trợ đất ở khu vực đô thị chỉ 60% giá đất nông nghiệp 35 nghìn đồng/m2 như trường hợp anh Quang và các hộ ở tổ 16 nêu trên là quá bất cập. Đó là chưa nói bảng áp giá hơn 1 năm trước, nay liệu có phù hợp?

Từ thực trạng này, thiết nghĩ chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cần xem xét hỗ trợ hợp lý để các hộ giải tỏa không lâm vào cảnh khốn khó. Điều quan trọng hơn, công tác giải tỏa triển khai cần rốt ráo, hoàn thành nốt những phần việc còn lại của hệ thống thoát nước mưa Liên Chiểu để tình trạng ngập úng trên diện rộng trong năm nay.

Nguyễn Cầu