Hệ thống bị đánh sập, VNDirect có phải bồi thường cho nhà đầu tư?

PV

(Dân trí) - Theo các luật sư, nếu bị xác định có lỗi dẫn tới sập hệ thống, VNDirect có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc xác định chính xác con số thiệt hại là điều không đơn giản.

Như Dân trí thông tin, ngày 24/3, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect bị hacker tấn công mạng, làm tê liệt hệ thống và khiến các nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch. Sáng 1/4, tức hơn một tuần sau sự cố, hệ thống của công ty mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho biết vẫn tồn tại rất nhiều bất cập, lỗi hệ thống khiến việc giao dịch chưa thể thực hiện bình thường.

Việc hệ thống VNDirect bất ngờ bị sập khiến nhiều người không thể thực hiện các giao dịch, gây ảnh hưởng tới vấn đề kinh tế. Vậy trong trường hợp này, các nhà đầu tư cho rằng mình bị thiệt hại có quyền yêu cầu VNDirect bồi thường không?

Hệ thống bị đánh sập, VNDirect có phải bồi thường cho nhà đầu tư? - 1

Thông báo của VNDirect (Ảnh chụp màn hình).

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, đối với tình huống trên, trước hết cần làm rõ trách nhiệm của VNDirect trong việc để xảy ra sự cố và xác định có hay không yếu tố lỗi trong việc quản trị, bảo mật an ninh hệ thống của công ty này để làm căn cứ đánh giá trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ thực tế, ông Tuấn cho rằng để các nhà đầu tư có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là không đơn giản, bất kể trong trường hợp công ty chứng khoán có lỗi hay không.

"Trước hết, cần xác định tại thời điểm xảy ra sự cố, có hay không việc tham gia giao dịch? Nhà đầu tư cần chứng minh được sự cố xảy ra ngay tại thời điểm mình tiến hành giao dịch, dẫn tới không thể thực hiện các thao tác và gặp thiệt hại về tài sản. Việc chứng minh thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 phải dựa trên thiệt hại thực tế, trong đó hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thiệt hại, không thể đặt mệnh đề nếu - thì rằng "nếu hệ thống VNDirect không bị sập, tôi đã có thể giao dịch và sinh lời".

Bên cạnh đó, để có quyền yêu cầu bồi thường, nhà đầu tư cho rằng mình có quyền lợi bị xâm phạm cần chứng minh mình bị thiệt hại ra sao, thiệt hại bao nhiêu... và cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu không có các tài liệu để chứng minh thiệt hại thì không có cơ sở để yêu cầu đòi bồi thường", luật sư Tuấn phân tích.

Gợi ý về giải pháp trong trường hợp này, ông Tuấn cho rằng các nhà đầu tư nên đàm phán, thỏa thuận với công ty chứng khoán để đưa ra giải pháp hài hòa nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bởi việc sử dụng các biện pháp về pháp lý, tố tụng sẽ tốn kém thời gian, tiền của trong khi hiệu quả thực tế có thể sẽ không cao, mong muốn không thể đạt được.

Hệ thống bị đánh sập, VNDirect có phải bồi thường cho nhà đầu tư? - 2

Luật sư cho biết, Việc xác định trách nhiệm của công ty chứng khoán tới đâu, bồi thường như thế nào cần phải được điều tra, xác minh một cách cụ thể để làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố (Ảnh minh họa: Hải Long).

Còn theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM), ông nhìn nhận đây là vấn đề không mới, song việc hacker tấn công gây tê liệt hệ thống của một công ty lớn trong thời gian dài như VNDirect là điều chưa từng xảy ra. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể hướng dẫn những vụ việc tương tự trường hợp như trên mà mới chỉ đề cập sơ qua về trách nhiệm của công ty chứng khoán. Cụ thể, khoản 5 Điều 302 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc ứng phó, khắc phục sự cố như sau: "Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có trách nhiệm thực hiện hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán trong phạm vi liên quan đến hoạt động của đơn vị mình".

Đồng thời, điểm a, khoản 4 Điều 11 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro như sau: "Công ty chứng khoán phải xây dựng kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của công ty".

Như vậy, có thể thấy VNDirect có trách nhiệm thực hiện các hoạt động ứng phó và xây dựng kế hoạch dự phòng khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật chuyên ngành lại không đề cập tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư đối với các tình huống khẩn cấp.

Việc xác định trách nhiệm của công ty chứng khoán tới đâu, bồi thường như thế nào cần phải được điều tra, xác minh một cách cụ thể để làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố.

"Nếu sự cố xảy ra do sự kiện bất khả kháng theo Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 mà VNDirect chứng minh họ không thể lường trước và không thể khắc phục được, dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp bảo mật và an ninh mạng cần thiết, đồng thời các nhà đầu tư cũng không thể cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh con số thiệt hại cụ thể, việc yêu cầu bồi thường khó có thể được chấp thuận. Khi đó, để giải quyết và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, nhà đầu tư và công ty chứng khoán cần thể hiện sự thiện chí, thỏa thuận để áp dụng các biện pháp bồi thường, khắc phục hợp lý nhất.

Trong trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra ra rằng nguyên nhân đằng sau vụ tấn công là do VNDirect thiếu sót trong khâu bảo mật hay xuất phát từ lỗi, sự thiếu trách nhiệm ở phía công ty chứng khoán thì các nhà đầu tư có thể đòi công ty bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, rất khó để xác định trách nhiệm, bồi thường bao nhiêu, chứng minh thiệt hại như thế nào trong vụ việc vì những thiệt hại theo dạng "định mua" hoặc "định bán" không dễ để xác định giá trị thực tế.

Việc quyết định mua - bán này nằm trong suy nghĩ, tiềm thức của người dùng, không biểu hiện ra bên ngoài bằng một hình thái nhất định nên rất khó để xem đây là thiệt hại thực tế của người dùng", luật sư Hùng nhìn nhận.

Hoàng Linh