Bạn đọc viết:

Hệ lụy xã hội “sính” bằng cấp

Xã hội “sính” bằng cấp là cách gọi của chuyên san Hồ sơ sự kiện của Tạp chí Cộng sản trong bài Phá chợ bằng cấp. Đúng là xã hội ta đang tồn tại tình trạng này, tôi muốn bàn thêm về hệ lụy của tình trạng đó.

Xã hội sính bằng sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng xấu, xin nêu ra những ảnh hưởng đang phổ biến sau:

Thứ nhất, đó là việc học sinh tốt nghiệp THPT chạy đua vào các trường ĐH - CĐ, không coi trọng vào các trường dạy nghề. Do tác động của xã hội, của gia đình, nhiều học sinh không muốn “thua bầu kém bạn” cứ cố gắng để vào đại học, không được trường chất lượng cao thì trường chất lượng kém hơn. Vì thế mà gây nên nhiều áp lực cho gia đình và cho xã hội, chẳng hạn: vấn đề kinh phí, thời gian đào tạo, các chính sách xã hội, vấn đề lao động có tay nghề, vấn đề độ tuổi lao động, nạn thất nghiệp (vì nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, trong lúc lại không muốn làm trái nghề mình học)... Mặc dù, trên thực tế, ở chừng mực nào đó, học ĐH- CĐ cũng là học nghề.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thứ hai, vấn đề tiêu cực trong dạy và học. Vì sính bằng cấp nên học trò luôn muốn tìm một tấm bằng tốt, từ đó xuất hiện tâm lí “chạy” điểm, hiện tượng “bằng thật người giả” từ đó mà nảy sinh. Hiện nay, lối sống thực dụng đang tác động mạnh tới mọi mặt xã hội, kể cả đạo đức, cho nên về lâu dài đây là hiện tượng khó giải quyết.

Thứ ba, những hạn chế trong tuyển dụng lao động. Các nhà tuyển dụng ở Việt Nam đa phần còn coi trọng bằng cấp mà không chú trọng năng lực thực tiễn, khác với doanh nghiệp nước ngoài, nên đã có nhiều trường hợp tuyển chọn người không đủ năng lực vào làm việc. Có lẽ chúng ta nên áp dụng tiêu chí tuyển dụng là coi trọng năng lực hoạt động thực tiễn, coi bằng cấp như một kênh thông tin để tham khảo. Việc xã hội chú trọng năng lực thực tiễn sẽ tác động tốt tới động cơ học tập của học trò, tạo nên sự công bằng, tránh được nạn chạy điểm. Một thực tế phổ biến ở ta là, vì chú trọng tuyển dụng theo bằng cấp nên đa phần người lao động chỉ lo sao cho được tấm bằng để đáp ứng … chuẩn hoá. Và, cũng vì thế, xuất hiện hiện tượng lựa chọn người thân vào cơ quan như việc ông Tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình lựa chọn em ruột là Phạm Thanh Phong tốt nghiệp tại chức ĐH Xây dựng năm 2000 và con trai Phạm Bình Minh kỷ sư vỏ tàu thuỷ, tốt nghiệp năm 2003 vào các vị trí quan trọng trong tập đoàn Vinashin.

Thứ tư, đó là hiện tượng làm bằng giả, chứng chỉ giả. Đấy là một tệ nạn rất nghiêm trọng ở ta, có thể thấy ở rất nhiều thành phố, đặc biệt là những thành phố có các trung tâm đào tạo lớn. Với hình thức chạy bằng như vậy, một chứng chỉ tin học, hoặc ngoại ngữ chỉ cần số tiền không hơn 100.000 là có thể có được. Các chứng chỉ quan trọng khác thì quy trình làm công phu hơn. Có thể kể một số đường dây làm bằng giả, chứng chỉ giả lớn như vụ Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp phát triển nguồn nhân lực và Quản trị doanh nghiệp (UHDM) thuộc Liên hiệp các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật vừa được TAND TP Hà Nội xét xử hôm 5 và 6/7/2010.

Thứ năm, việc xuất hiện ngày càng nhiều trường ĐH-CĐ kém chất lượng, xuất hiện nhiều trung tâm liên kết đào tạo ĐH và sau đại học. Trong kì họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) đã nêu ý kiến về tình trạng này: “Tại hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay các trung tâm giáo dục thường xuyên của Sở Giáo dục và đào tạo, các trường cao đẳng, trường chính trị, trường dạy nghề, kể cả trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đoàn thể đều được phép liên kết với các trường đại học để tổ chức các cơ sở giáo dục đại học tại chức rất dễ dàng, thu hút số lượng khá lớn các học viên theo học. Các cơ sở đào tạo này không theo một tiêu chuẩn nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp… Việc tổ chức thi tốt nghiệp hết sức sơ sài, dễ dàng, và tỉ lệ tốt nghiệp phổ biến là 100%”. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) còn mạnh dạn hơn: “Phải chăng chính phủ mong muốn ngành giáo dục phấn đấu để chạy theo thành tích, phấn đấu để đạt 200 sinh viên/1vạn dân vào năm 2010”.

Thứ sáu, hiện tượng mua bằng ở nước ngoài. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, đó những tấm bằng thật, nhưng vô giá trị, người ở chính quốc không ai dùng bằng đó cả, không xin được việc làm và chả để làm gì, vì ở họ “cái gì không cấm đều là được phép”. Thế nhưng, khi “mua” về Việt Nam thì nó lại được nhìn nhận như một học vị bậc cao, và người có tấm bằng đó thường được bổ dụng những chức vụ quan trọng: chẳng hạn Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch của một tỉnh và một số chức danh  khác.

Thực trạng trên đòi hỏi các nhà quản lý và hoạch định chính sách cán bộ phải nhìn thẳng vào sự thật và có những biện pháp đồng bộ, phù hợp để hạn chế tình trạng hết sức đáng báo động đó. Trong đó, thiết nghĩ cần tập trung vào khâu tuyển người và dùng người sẽ tác động ngược trở lại khâu đầu vào của việc học cũng như việc chạy chọt bằng cấp, làm lẫn lộn giữa bằng giả và bằng thật, nhất là  tình trạng học giả bằng thật như hiện nay.

 

Ths. Nguyễn Mạnh Hà

Văn phòng tổng hợp Huyện uỷ Thạch Hà - Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Mọi sự dối trá đều đáng lên án vì nó trái với đạo đức và lối sống của một xã hội văn minh. Đặc biệt, sự dối trá về bằng cấp không những là điều vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật và dẫn tới những hậu quả khó lường về nhiều mặt, ảnh hưởng rất xấu tới ý chí phấn đầu của tuổi trẻ, đến hiệu quả công việc cũng như nhiều mặt họat động của xã hội.

Muốn khắc phục từ gốc tình trạng bằng giả đang phổ biến, bao gồm các lọai bằng giả 100% và lọai “bằng thật” mà “học giả” như bài viết trên đây đã phản ảnh, đìều quan trọng là phải khắc phục tâm lý sinh bằng cấp bắt nguồn từ chính sách  coi bằng cấp có ý nghĩa quyết định trong tuyển dụng và đề bạt cán bộ.

Thật ra, bằng cấp chỉ là một trong những cơ sở ban đầu để xem xét việc tuyển dụng hay đề bạt, cất nhắc cán bộ. Năng lực chuyên môn và khả năng họat động thực tiễn có  đáp ứng được yêu cầu công việc hay không thì đó mới là cơ sở quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định việc tuyển dụng hay đề bạt cán bộ. Làm đúng điều đó thì chắc chắn tâm lý “sính” bằng cấp hiện nay trong xã hội không còn cơ sở để tồn tại.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm