Hệ lụy tham nhũng

Không ai có thể phủ nhận kết quả bước đầu của công cuộc cải cách hành chính cũng như tăng cường hệ thống pháp luật ở nước ta, nhưng dân ta vẫn còn trăn trở nhiều về tệ nạn tham nhũng.

Có một kết luận rút ra từ thực tiễn là chỉ những người có chức có quyền mới có thể tham nhũng và gây nên những lãng phí to lớn… Đúng vậy, nhưng không chỉ có vậy; họ còn tiếp tay cho những kẻ không chức quyền và làm ăn phi pháp “lách luật” nhằm cùng nhau làm giàu bất chính trên tài sản của nhân dân và đất nước. Chỉ riêng việc trốn thuế khiến Nhà nước hàng năm thất thu không biết bao nhiêu mà kể. Sự câu kết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai khoáng, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn để lại những tổn thất khôn lường cho thế hệ mai sau, v.v…

Vấn đề là tại sao ai cũng thấy, cũng biết, mà tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn hoành hành triền miên, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, hậu quả nghiêm trọng. Nhưng có lúc, có người tưởng như đó là một lẽ đương nhiên của một nước đang cần phát triển nhanh (!). Họ thường nêu ra nhiều nguyên nhân để “tung hoả mù” là vấn đề này phức tạp và nan giải lắm! như đổ tại lương không đủ sống, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, dân trí kém…, hay nguỵ biện rằng thế giới cũng có tham nhũng chứ riêng gì Việt Nam, rằng muốn đổi mới và phát triển phải “thoáng” v.v…(!).
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhưng có một nguyên nhân chính ít được nói đến, đó là vì tham nhũng có lợi cho không ít các thành viên của bộ máy công quyền trong khi các doanh nghiệp, kể cả nước ngoài, cũng học được cách biến điều đó thành có lợi cho họ. Một thực tế đã từ lâu trở nên “đời thường” là làm công chức thì phải sống bằng “thu nhập thêm”, trong khi doanh nghiệp và người dân phải biết cách nộp “tiền đen” cho được việc. Cán bộ các lĩnh vực như hải quan, thuế vụ, quản lý dự án, bất động sản…, ngoài lương còn được “ăn chia” theo tỷ lệ % trích ra từ giá trị mà họ thu được, và quan trọng hơn là những món “lại quả “ từ phía đối tác; giới quản lý các cơ sở sản xuất nhà nước thì tận dụng lợi thế độc quyền quản lý những tài sản công “cha chung không ai khóc”; thậm chí các ngành giáo dục, y tế,…cũng đều có cách kiếm tiền riêng của họ. Ngay cà các cơ quan hành chính sự nghiệp tưởng chừng “vô hại”  nhưng thực ra cũng không đứng ngoài cuộc trong “bửa tiệc” tham nhũng đang làn tràn khắp đất nước. 
 
Đúng ra tình trạng nói trên không thể có trong một nền hành chính công lành mạnh, có nền nếp, có kỷ cương và có hệ thống pháp luật chặt chẽ. Vậy mà điều này đã và đang tồn tại ở Việt Nam làm tổn hại  lợi ích của nhà nước và đại đa số người dân. Điều đó đòi hỏi sự chỉ đạo kiên quyết, áp dụng triệt để và đồng bộ các biện pháp chống tham nhũng của các hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đặc biệt là của tình trạng chậm trễ trong cải cách hành chính nói chung và cải cách tiền lương nói riêng. Có đúng thực là vì nước ta còn nghèo nên không thể tăng lương…(trong khi bộ máy hành chính, các cơ quan đoàn thể vẫn chưa tinh giản, gọn nhẹ)?
 
Hơn nữa, những thất thoát do tham nhũng, láng phí gây ra có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị để trả lương đủ cho một bộ máy hành chính gọn nhẹ và lành mạnh. Vậy sao vẫn cứ để tình trạng lương thấp kéo dài tạo thành cái cớ để vi phạm đạo đức, kỹ cương phép nước? Chính tình trạng cơ chế hành chính rườm rà, nếp quản lý thiếu công khai, minh bạch sinh ra nhiều kẻ hở là mãnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tệ nạn quan liêu, tham nhũng và lãng phí. Ngược lại, lề thói quan liêu, tham nhũng làm suy yếu bộ máy công quyền, gây bất bình xã hội, khiến cho hậu quả nhân lên gấp bội.

Trần Kinh Nghị (Hà Nội)

LTS Dân trí - Đảng và Nhà nước ta đã thấy rõ nguy cơ của tệ nạn tham nhũng, đã đề ra nhiều biện pháp đồng bộ nhằm khắc phục tệ nạn này. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ yếu do công tác chỉ đạo có nơi có lúc còn thiếu kiên quyết, triệt để và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các biện pháp cũng như giữa các cấp, các ngành.

Mới đây, trong cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định quyết tâm và khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN, đồng thời nhấn mạnh việc “phòng ngừa tham nhũng” phải được xác định là biện pháp chính, chủ đạo cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất hơn. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về PCTN gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến trong lề lối làm việc, phong cách ứng xử, đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân trong từng đơn vị, cơ quan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm